Phóng to |
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên |
Khi VN đổi mới, nền kinh tế Việt Nam tuân theo những qui luật của thị trường, những hàng hóa thông thường như gạo, thịt, vải vóc, ximăng hay máy móc... có thể dễ dàng được định giá đúng với giá trị thật của nó nhưng với điện ảnh thì khác. Gạo thịt không có không sống được chứ không xem phim cũng không sao. Hơn nữa những khán giả đã quen được miễn phí đã có một sự thưởng thức mới thay thế là truyền hình với các sự thưởng thức đa dạng, tiện lợi, nhanh chóng. Mà quan trọng là được ...miễn phí.
Do đó nhiều rạp chiếu phim tại Việt Nam dần dần biến mất trong khoảng những năm từ 1986-2000. Khủng khiếp có những năm Hà Nội chỉ còn một vài rạp chiếu phim hoạt động. Đó chính là lý do đội ngũ những người làm điện ảnh không có động lực để làm việc, phần lớn chuyển sang làm nghề khác, những người còn tiếp tục thì làm nghề với sự thiếu chuyên nghiệp. Nghề điện ảnh cũng không có sức hấp dẫn hướng nghiệp với những người trẻ. Cứ tiếp tục như vậy, sẽ đến một lúc không còn người hoạt động trong lĩnh vực này nữa. Đó là một thực tế. Cần phải đưa điện ảnh về đúng với giá trị thật của nó.
Tôi nghe những bài học của điện ảnh Hàn Quốc khi cách đây 20 năm họ cũng khủng hoảng như chúng ta hiện nay. Họ đã làm gì? Họ đã làm ba việc lớn : Một là phát triển thị trường điện ảnh, có nghĩa là khuyến khích đầu tư xây dựng phát triển hệ thống rạp. Hai là cho phép những người làm điện ảnh được tự do sáng tạo. Ba là củng cố hệ thống đào tạo điện ảnh trong nước, đồng thời gửi hàng trăm người trẻ tuổi đi du học để sau đó quay về nước làm việc. Những bài học của họ có khiến chúng ta suy nghĩ gì không?
Điện ảnh VN cần những nhà hoạch định chính sách biết nhìn xa trông rộng. Cần phải có những mục tiêu dài hơn, sau 5 năm, 10 năm, 20 năm. Và để thực hiện được những mục tiêu đó thì cần phải làm những gì và làm như thế nào? Ở tầm vĩ mô như vậy nếu không phải Nhà nước thì không có cá nhân hay tổ chức nào làm nổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận