Sau 15 năm được UNESCO đưa vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới và trở thành hình mẫu trong bảo tồn đa dạng sinh học, xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) chỉ rộng chưa đầy 15km2 với dân số khoảng 2.500 người nhưng đã đón hơn 200.000 lượt khách du lịch đến tham quan và lưu trú mỗi năm.
Bình quân mỗi ngày Cù Lao Chàm có đến 500 du khách tới tham quan và lưu trú. Dịp cuối tuần, du khách ra đảo có thể lên gần 1.000 lượt mỗi ngày.
Đáng chú ý là lượng du khách quốc tế đến với Cù Lao Chàm luôn cao hơn so với khách trong nước.
Điều gì hấp dẫn du khách đến với hòn đảo xinh đẹp này ngày một đông hơn dù điều kiện cơ sở vật chất về du lịch của Cù Lao Chàm vẫn còn đơn sơ và thiếu tiện nghi so với nhiều nơi khác trên cả nước?
Ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An, trưởng ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - cho rằng: Sự ra đời của Khu bảo tồn biển năm 2005 và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm năm 2009 đã thôi thúc chính quyền và người dân xã đảo nỗ lực hết mình để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của rừng và biển.
Điều quan trọng nhất trong việc bảo tồn Cù Lao Chàm đó là người dân từng bước ý thức được việc giữ rừng, giữ biển chính là giữ được nồi cơm của họ.
Tất nhiên, từ ý tưởng của lãnh đạo TP cho đến việc phát động cư dân xã hưởng ứng các chương trình "Xách giỏ đi chợ", "Nói không với túi ni lông", "Nói không với ống hút nhựa", "cấp quota cho khai thác cua đá" rồi đến việc bảo tồn và giữ gìn nguyên vẹn các rạn san hô, bảo tồn trứng và rùa biển... không phải ngày một ngày hai mà thành hiện thực.
Nhưng bằng cách thuyết phục người dân và những cách làm không giống ai này, Cù Lao Chàm đã từ một xã đảo nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt về cơ sở vật chất, tài nguyên trên rừng, dưới biển bị khai thác không kiểm soát, rác thải ni lông tràn khắp mọi nơi... đã chuyển mình thành một điểm sáng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, thoát nghèo và vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập.
Có lẽ bài học lớn nhất có thể nhìn thấy ở Cù Lao Chàm trong suốt nhiều thập niên qua là người dân ở đây đã biết sống theo cách "lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển".
Từ những năm 1998 - 1999, người dân Cù Lao Chàm đã dùng than tổ ong để đun nấu thay cho việc đốn củi trên rừng. Bộ đội biên phòng, cán bộ xã là những người đi trước để dân làm theo. Nhờ giữ được rừng mà giữ được nguồn nước sinh hoạt trong lành cho cư dân trong xã.
Từ việc giữ được rừng, người dân đồng lòng với chính quyền không khai thác san hô làm vôi, bảo vệ các rạn san hô, không đánh bắt cá bằng thuốc nổ hủy hoại môi trường biển...
Và thiên nhiên khi được bảo vệ, giữ gìn cũng đã đem lại cho người dân Cù Lao Chàm một cuộc sống trong lành, đầy đủ và ngày một đi lên.
Biết nương tựa vào thiên nhiên, đối thoại với thiên nhiên, không cưỡng đoạt thiên nhiên - "Thuận thiên giả tồn" (sống thuận theo quy luật của thiên nhiên thì sẽ tồn tại) là triết lý sống mà người dân Cù Lao Chàm đã áp dụng trong đời sống của mình.
Đó cũng chính là bài học cho chúng ta trong việc ứng xử với thiên nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận