22/10/2011 05:52 GMT+7

Bài học trên cung đường huyền thoại

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Sau 15 ngày, vượt qua gần 1.300 hải lý, con tàu HQ996 chở đoàn đại biểu của “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - học kỳ trên biển” đã rời Cà Mau, bến cuối cùng trên con đường không số, để quay trở về cảng Cát Lái (TP.HCM).

vR7D1S5R.jpgPhóng to
Trung úy Nguyễn Xuân Trường giới thiệu với các thành viên đoàn hành trình tính năng loại ngư lôi chống ngầm - Ảnh: T.T.D.

Chuyến đi xuyên con đường huyền thoại vận chuyển vũ khí của những đoàn tàu không số năm xưa đã để lại nhiều trải nghiệm và những bài học giá trị cho các thành viên trong đoàn. Tất cả đến từ những trải nghiệm của bản thân và những kinh nghiệm, ký ức của các cựu binh tàu không số năm xưa.

Những người lính già đứng lớp

Bài học đầu tiên đến từ khi vừa bước chân lên tàu, đó là học cách chịu đựng khi làm quen với những cơn say sóng. Ngay ngày đầu tiên, nhiều thành viên đã nằm bẹp vì say sóng, bỏ cả ăn uống và vài người phải được truyền nước biển.

Rồi một thành viên mới: thiếu tướng, nhà văn quân đội Nguyễn Chí Trung, 82 tuổi, tóc phơ phơ màu trắng đã làm cả đoàn khâm phục khi cùng tham gia hành trình từ điểm dừng chân thứ hai (Quảng Ngãi) cho đến điểm dừng chân cuối cùng nhưng không một lần tỏ ra mệt mỏi. Nhờ đó, nhiều bạn trẻ đã mạnh mẽ hơn, có sức sống hơn khi vượt qua khó khăn của bản thân để hết mình trong những hoạt động của đoàn tại mỗi điểm dừng chân. “Hãy quên đi mùi xăng dầu, quên đi nỗi sợ hãi và tâm lý lười biếng, sự mệt mỏi... bạn sẽ làm chủ được chính mình và không sợ sóng nữa”, bạn Đỗ Thị Bắc (Hà Nội) tự tin nói. Những kinh nghiệm chống say sóng đã được các bạn trẻ rỉ tai nhau từ những chia sẻ của các cựu chiến binh, các thủy thủ tàu HQ996 và cả những người từng đi biển trong một số chương trình trước đây.

Những hoạt động về “học kỳ trên biển” cũng để lại ít nhiều trải nghiệm về con đường mà thế hệ cha ông ngày trước đã đi qua. Cuộc thi xác định tọa độ và vẽ lại bản đồ con đường mà đoàn tàu không số 50 năm trước đã đi và con đường mà tàu HQ996 của 50 năm sau đang đi thật sự là một thử thách thú vị với những bạn trẻ. Nhiều người luôn ồ lên ngạc nhiên và khâm phục, xuýt xoa khi chấm những điểm tới tận Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Hong Kong... “Có tham gia hoạt động này chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn về con đường mà các ông, các bác đã đi ngày trước. Các bác toàn đi ra tận khơi xa vào lúc sóng to gió lớn, tàu lại nhỏ, phương tiện thì thô sơ đến mức gần như không có gì ngoài la bàn nhưng vẫn vượt sóng vượt gió bão” - bạn Ngô Minh Tâm, phó bí thư Huyện đoàn Thủy Nguyên (Hải Phòng), nói.

Còn bạn Cao Đức Nghĩa, thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn, khẳng định: “Có lẽ nếu không có chương trình này, tôi sẽ khó hiểu hết được sự hi sinh thầm lặng nhưng lớn lao của các bác, các chú và không biết được nhiều như thế về đoàn tàu không số và con đường huyền thoại”.

Lớn lên từ những trải nghiệm

Hành trình đã để lại những khoảnh khắc, cung bậc cảm xúc thật đặc biệt trong mỗi thành viên. Ở bến Vũng Rô, mỗi bạn trẻ đã cầm trên tay hai đèn hoa đăng lung linh ánh nến do chính mình làm thả xuống biển tưởng niệm các anh hùng đã ngã xuống ngay tại đây.

Và cũng quên sao được những ánh mắt rưng rưng khi nghe điệu nhạc Hồn tử sĩ và nâng niu trong tay cành hoa thả xuống biển trong lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã nằm xuống tại khu vực biển Hòn Hèo (Khánh Hòa). Hiền Trân, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tâm sự: “Hành trình đã cho chúng tôi trải nghiệm rất nhiều cảm xúc, từ những giây phút rất sôi động, đầy nhiệt huyết đến những khoảng lặng lắng đọng”.

Câu chuyện người cựu chiến binh Phạm Quốc Hùng (Quảng Bình), thợ máy tàu 43 và tàu 154 - trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh tàu không số tỉnh Quảng Bình - đã từ chối và nhường cho một đồng đội khó khăn hơn nhận nhà tình nghĩa mà tỉnh trao tặng đã làm nhiều bạn trẻ xúc động. Nhà ông cũng có khá gì hơn. Khi nhận được căn nhà tình nghĩa mà Trung ương Đoàn trao tặng, ông rưng rưng bảo đó là món quà tinh thần lớn lao mà tuổi trẻ cả nước dành cho mình.

Trong chiến tranh, giữa sự sống và chết, họ vẫn giành nhau được là người cuối cùng ở lại tàu điểm hỏa. Trong thời bình, cái tình đồng đội ấy vẫn thấm đẫm trong dòng máu của những con người anh hùng bình dị và thầm lặng ấy. Chị Hoài Thu - bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp - nói: “Đó là một thế hệ rất có nghĩa khí và rất có tình. Đến nơi đâu tôi cũng nghe các bác nói lời tri ân đến nhân dân, những người đã cưu mang, che chở mình. Các bác nói rằng chiến công này là của nhân dân. Chính sự khiêm tốn đó của những con người anh hùng đã làm tôi thêm yêu thế hệ cha ông mình, dân tộc mình”.

Và nói như bạn Hiền Trân: “Bài học lớn nhất đó chính là vượt qua chính mình và yêu hơn đất nước mình, người dân mình. Không có bài học nào sống động, thiết thực và giàu sức biểu cảm bằng chính những câu chuyện giản dị, chân thực và xúc động của những nhân chứng sống mà chúng tôi đã được nghe, được chứng kiến trong suốt hành trình này”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp