Tôi chèo thuyền kayak - Ảnh: NVCC
Tôi phải lê từng bước và vịn cầu thang lên tầng hai của trường Nguyễn Thượng Hiền. Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng và cảm giác gần như muốn chui xuống đất với bộ dạng lê lết trong tà áo dài vì đôi chân quá nhức không nhấc nổi với 100 cái thụt dầu của thầy. Phải nói là lúc đó tôi thấy giận thầy vô cùng...
Ngày hôm sau tôi vẫn còn rất đau nhưng cũng ráng ra sân để cử động nhẹ cho đôi chân bớt nặng như chì. Suốt từ nhỏ cho đến hết năm học cấp hai, giờ thể dục đối với chúng tôi dường như chỉ để đối phó với nhà trường và một tuần cũng chỉ có môt tiết thể dục, tôi cũng không quan tâm về tầm quan trọng của việc vận động hàng ngày.
Thầy gọi hình phạt đó là "tăng lực". Sau buổi "tăng lực" nhớ đời của thầy, tôi đã vận động thường xuyên vào mỗi buổi sáng, nhờ đó có những buổi thầy bắt "tăng lực" ba vòng quanh sân sau của trường cũng không làm tôi thấy nhức mỏi. Lúc này tôi mới hiểu việc vận động thường xuyên là quan trọng.
Rồi cũng trôi qua đến năm học cuối cấp... Trong một lần đến chơi ở hồ bơi Cộng Hòa, đứng từ trên lầu nhìn xuống, tôi nhìn thấy một cô gái có vóc dáng thật đẹp trong bộ bikini và đang bơi ngửa.
Hình ảnh của cô gái có sức hấp dẫn thật mạnh khiến tôi quyết định học bơi ngay hôm sau, trong khi năm học cuối cấp đầy ắp bài vở và kỳ thi tốt nghiệp gần kề...Ngày đó môn bơi lội chưa được đưa vào dạy trong trường như bây giờ.
Học bơi được vài bữa, không biết có phải do lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp sắp đến hay không mà tôi bỗng nhiên bị nhức nửa đầu bên trái. Chị gái dẫn tôi đi khám ở bệnh viện Thống Nhất. Bác sỹ chụp X quang cho tôi xong, hỏi tôi vài câu rồi phán:
- Em bị viêm xoang rồi, kiêng nước nhé, không được xuống nước bơi nữa...
Tôi chưng hửng với kết luận của bác sỹ nhưng mới học bơi được vài ngày và hình ảnh của cô gái có vóc dáng thật đẹp đang bơi ngửa cứ hiện lên trong đầu nên tôi quyết định giả lơ như chưa từng nghe bác sỹ nói và vẫn đi bơi đều đặn...
Vậy mà kỳ lạ thay, những cơn nhức nửa đầu của tôi biến mất lúc nào không hay và khi tôi biết bơi thì căn bệnh viêm xoang và nhức đầu cũng không còn nữa...
Đạp xe là môn thể thao yêu thích của tôi - Ảnh: NVCC
Giờ đây khi ở tuổi trung niên tôi đã làm quen với hầu hết các môn thể thao như bóng bàn, cầu lông , bóng chuyền, bơi, đap xe, chèo thuyền kayak, aerobic...nhưng tôi thấy phù hợp nhất cho mình là bơi, tập gym và đạp xe vì có thể luyện tập một mình và tôi vẫn duy trì đều đặn.
Thể thao đã thay đổi cuộc đời tôi, từ khi còn là một cô bé đi xe ôtô say bê bết, cơ thể có khiếm khuyết như vòng ba bị xệ ( theo lời nói sau lưng của một anh hàng xóm được cô bạn nói lại cho tôi), vậy mà nhờ luyện tập thể thao đều đặn mà tôi đã phắc phục được cơ của vòng ba theo bài tập tôi tự nghĩ ra cho riêng mình, tôi đi xe khác từ Nam ra Bắc cũng không ảnh hưởng gì, xuống xe lại tươi tỉnh. Tôi còn đạp xe đi Tây Ninh với 80km đi về trong ngày.
Cũng nhờ luyện thể lực thường xuyên nên tôi đã tham gia nhiều hoạt động thú vị mà tôi rất yêu thích như bay dù lượn, lặn biển ngắm san hô, tắm biển, chèo thuyền kayak và bơi ở hầu hết các bãi biển từ Nam ra Bắc.
Điều mà tôi cảm thấy thú vị nhất là tôi đã chinh phục nhiều cung đường bằng xe gắn máy một mình để thỏa sức ngắm cảnh đẹp của đất nước và ghi lại qua ống kính của mình như cung đường Hà Giang: 400km; Sài Gòn-Cà Mau- Sài Gòn: 700km; Rạch Giá- Hà Tiên- Rạch Giá: 200km; Sài Gòn- Cần Thơ- Sài Gòn: 350km; Sài Gòn- Vũng Tàu- Sài Gòn: 240km; Sài Gòn-Ninh Thuận: 350km...và rất nhiều cung đường khác khi đi đến các tỉnh và tôi thuê xe gắn máy để di chuyển quanh tỉnh.
Bây giờ nhớ đến người thầy dạy thể dục năm xưa, tôi thầm cảm ơn thầy, vì nhờ bài học "tăng lực" của thầy đã dẫn dắt tôi thêm yêu thể thao và luyện cho mình sức bền để đeo đuổi đam mê ghi lại những khoảnh khắc đẹp trên những cung đường mà tôi đi qua...
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình"
Bài viết bằng chữ tiếng Việt, độ dài tối đa: 1.000 chữ kể lại những câu chuyện có thật, những trải nghiệm cùng thể thao của bản thân hoặc người xung quanh, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng. Cuối mỗi bài viết xin ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Hạn chót nhận bài tham dự cuộc thi là hết ngày 15-09-2019. Các giải thưởng giá trị bao gồm, giải nhất 20 triệu đồng, giải nhì 10 triệu đồng, 2 giải ba mỗi giải 5 triệu đồng và 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng.
Bài thi gửi về: Báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected] .
Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip) gửi qua email, xin ghi: Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình" .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận