07/02/2019 09:00 GMT+7

Bài học sinh tồn từ 'Hành trình của Khoa'

TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA
TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA

TTO - 'Hành trình của tôi vẫn tiếp tục và trên hành trình ấy tôi đã nhận ra nhiều bài học, quen lạ đều có, nhưng hẳn là hữu ích, chí ít ra như những kẻ chọn di chuyển giống tôi' - Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ.

Bài học sinh tồn từ Hành trình của Khoa - Ảnh 1.

Trên Tuổi Trẻ Xuân Mậu Tuất 2018, "chiếm sóng" với 4 trang tự viết cùng ảnh phần lớn là tự chụp để kể một hành trình xe máy ra thế giới. 

Một năm đã trôi qua, cho đến thời điểm bài viết này lên trang, Khoa vẫn chưa về nhà. Hành trình của Khoa chắc chắn đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người trẻ. Khoa lại chia sẻ cùng bạn đọc Tuổi Trẻ những trải nghiệm mới.

1. Đi xa, thì cũng cuộc sống thường nhật, luôn có phương án dự phòng cho mọi trường hợp, luôn có một ít tiền phòng thân, mua bảo hiểm du lịch đầy đủ, có tiền mặt giấu riêng một chỗ phòng khi cần đến hoặc để về lại nhà. Giấy tờ luôn photo ra nhiều bộ phòng khi thất lạc. 

Có phụ tùng xe thay thế khi cần đến, có phương án đi tiếp nước khác nếu không xin được visa để đi đến một nước nào đó. Luôn trữ một ít đồ ăn và nước uống, có lều trại và túi ngủ, quần áo khô... phòng khi lạc đường hoặc hư xe giữa đường.

2. Sức khỏe và tinh thần minh mẫn là quan trọng hơn cả. Có sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái thì mới có sức và động lực để khám phá, để vượt qua những trở ngại và khó khăn trên đường, để tỉnh táo cảnh giác trước các rủi ro tiềm ẩn và bình tĩnh xử lý khi sự cố xảy ra. 

Mọi thứ đều phải cân bằng, ăn ngủ điều độ và đầy đủ, nếu cảm thấy không khỏe thì phải dừng lại nghỉ ngơi ngay, đến khi nào hồi phục hoàn toàn thì hãy đi tiếp.

3. Trọng lượng là một trong những điều đáng lưu tâm nhất khi đi du lịch, không chỉ cho chuyến đi bằng xe máy. Giảm trọng lượng càng nhiều thì xe sẽ càng khỏe hơn, tiết kiệm xăng hơn, vượt qua các đoạn đường xấu nhẹ nhàng hơn. 

Nếu hư xe dọc đường thì đẩy xe hoặc chất lên xe cứu hộ cũng dễ hơn. Mỗi lần cần mang vác đồ vào chỗ nghỉ hoặc khi đi tham quan các nơi bằng chân cũng nhẹ nhàng hơn và đỡ tốn sức hơn. Đồ nào không cần dùng nữa cứ mạnh dạn bỏ lại hoặc tặng bà con dọc đường, khi nào thật cần thì hãy mua lại.

4. Tập cách thích nghi và hòa nhập trong mọi hoàn cảnh, mọi nền văn hóa, mọi phong tục tập quán ở nơi mình đến. Học một thứ mới mẻ mỗi ngày, đó cũng là một cách để trải nghiệm, để biết rằng thế giới này thật rộng lớn và đẹp đẽ, có biết bao điều kỳ lạ và thú vị cần được khám phá. Không có một câu trả lời chung cho tất cả mọi thứ trên đời, tất cả đều khác biệt và hãy đón nhận nó với tất cả trái tim mình. 

Đi du lịch một mình không đồng nghĩa với cô đơn, vì mình có thể tự hòa nhập vào một cộng đồng, kết bạn với những người bạn mới quanh mình.

5. Học được cách quên và cách chấp nhận cuộc sống như nó đã từng để tiếp tục lên đường, quên đi những đau khổ, phiền muộn trong quá khứ, quên đi những mối quan hệ không kết quả, những kỷ niệm không vui. Chấp nhận những khó khăn và rủi ro, chấp nhận những mất mát và sự đánh đổi không thể tránh được để tiếp tục lên đường.

6. Phát triển kỹ năng giao tiếp và ứng xử một cách toàn diện nhất có thể, vì khi đến mỗi đất nước khác nhau, lại có nền văn hóa và quy tắc ứng xử riêng, ngôn ngữ riêng. Tôi chỉ biết mỗi ngoại ngữ là tiếng Anh, không phải là ngôn ngữ chính cho tất cả các quốc gia nên tôi phải tìm cách để giao tiếp. 

Tìm cách để truyền đạt ý của mình cũng như cố gắng hiểu họ đang nói gì. Đi mới thấy rằng hầu như tất cả mọi người trên đời này, thuộc mọi dân tộc, mọi tôn giáo, mọi quốc gia, đều là những con người tử tế, thân thiện, mới thấy rằng con người về cơ bản là tốt đẹp, chỉ có một số cực ít những người là "kẻ xấu" mà thôi.

7. Đi nhiều thấy nhiều cảnh đẹp, nhưng cũng thấy nhiều cảnh khổ, thấy con người phải đau khổ chịu đựng với bệnh tật, phải chật vật chống chọi với số phận để tiếp tục sống mới thấy rằng mình thật hạnh phúc và biết ơn cuộc đời biết bao khi mỗi ngày thức dậy khỏe mạnh, được ăn no, mặc đồ sạch, được tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình, để biết trân quý mỗi ngày trong cõi đời này, để tìm được cái đẹp trong những gì nhỏ bé nhất, vì cuộc sống của mỗi người là hữu hạn.

8. Đó cũng là bài học về cách sống đơn giản, tiết kiệm, biết gì là đủ cho mình, không cần quá nhiều vật chất, vật dụng, quần áo, những món đồ đắt tiền... cũng có thể thấy hạnh phúc. Đi rồi mới nhận ra hóa ra mình không cần nhiều thứ đến thế để có thể sống được, sống tốt và cảm thấy mãn nguyện với cuộc đời của mình.

9. Học cách luôn luôn mỉm cười, đó là một kinh nghiệm không bao giờ cũ, là công cụ giao tiếp hữu hiệu nhất, là cách bảo vệ bản thân và giúp đỡ chính bản thân mình nhiều nhất.

trần đặng đăng khoa

Tôi tiếc nhất đã không có thời gian để sang Argentina, đến Ushuaia thành phố "tận cùng thế giới", và từ đó đi Nam Cực, lục địa thứ 7 của Trái đất. Tôi đã không đủ chi phí và thời gian ghé thăm đảo Phục Sinh của Chile và Galapagos của Ecuador.

Tôi đã không thể ghé Venezuela để tìm hiểu về đất nước này vì đang trong tình trạng bạo động nên không xin được visa. Tôi tiếc là đã không thể ở Nam Mỹ lâu hơn nữa cho trọn một năm. Tôi cũng chưa đến các nước Trung Mỹ, Caribê, nhưng hi vọng sẽ trở lại sau khi rời Canada và Mỹ.

Tôi cũng đã bỏ lỡ nhiều dịp tụ họp gia đình, bạn bè mỗi khi Tết về, rồi đám cưới, đám hỏi, những sự kiện âm nhạc, thể thao rất hay tại quê nhà. Xa bạn bè người thân, những mối quan hệ bao năm gầy dựng dần dần mờ nhạt đi và không còn thân thiết nữa. Nên giờ tôi có lẽ chỉ mong được sớm gặp lại những gương mặt thân quen trìu mến ấy một ngày không xa sau khi chuyến đi kết thúc…

Tôi đã đặt chân lên vùng đất khô cằn nhất thế giới là Atacama ở Chile cho đến rừng rậm Amazon, từ những ngọn núi lửa ở Ecuador đến cánh đồng muối khổng lồ ở Bolivia, từ những cánh rừng ôn đới mùa thu vàng ở Canada đến những bãi biển xanh thẫm xinh đẹp ở Mỹ. Trên hành trình của mình, tôi đã có vô số kiến thức về các nền văn hóa khác nhau, về các nhóm dân cư, các nền văn minh thế giới (Inca, Chan Chan…), tôi cũng được thưởng thức đủ mọi đồ ăn khác nhau.

Tôi đã tham dự lễ hội Carnival ở Bolivia và Peru rất truyền thống, tôi tìm được cây cầu dây văng cuối cùng của người Inca được tết từ những sợi cỏ rất nhỏ, tôi đã leo núi lửa ở Ecuador, ghé thăm mỏ đồng lộ thiên lớn nhất thế giới ở Chile, trải nghiệm các khu ổ chuột favela ở Rio de Janeiro. Tôi đã ghé thăm các công trình nổi tiếng, di sản thế giới: tượng Chúa Jesus ở Brazil, Machu Picchu, tượng Nữ thần Tự do, Nhà Trắng, tòa nhà Quốc hội, Independence Hall ở Mỹ, các thành phố xinh đẹp như Toronto, Ottawa, Montreal, Quebec ở Canada, đi New York hội chợ bang…

Kiến thức này là vô giá, và mọi thứ hiển hiện trước mắt trực quan và sinh động với tất cả các giác quan chứ không như trong sách ảnh. Tôi đã có cả một kho dữ liệu ảnh, video rất lớn.

Tôi học được một chút tiếng Tây Ban Nha đủ để giao tiếp hằng ngày, tôi học được những kỹ năng sinh tồn, giao tiếp và ứng xử xã hội từ những con người bản địa, tôi trở nên tự tin hơn.

Tôi đã có những góc nhìn mới, hiểu thêm về ý nghĩa của cuộc sống, về thế giới quan qua những lăng kính khác nhau, về định nghĩa cuộc sống viên mãn và hạnh phúc của nhiều dân tộc khác nhau. Tôi học được cách tự chăm lo cho bản thân theo cách tốt nhất có thể với những gì mình đang có, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trần Đặng Đăng Khoa: 3 tháng dọc Bờ Đông nước Mỹ

TTO - Hoàn thành chặng khám phá Nam Mỹ đầu tháng 7-2018, chàng trai đi du lịch bằng xe máy bất ngờ thay đổi lịch trình, bắt đầu chuyến roadtrip tới nước Mỹ.

TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp