Buổi giao lưu này đến từ chương trình mang tên Kawasaki Frontale’s football clinic. Cứ ngỡ một cuộc giao lưu với một đội bóng hàng đầu Nhật Bản sẽ là cơ hội để rèn luyện các kỹ năng chơi bóng chuyên nghiệp cho nhiều em nhỏ có năng khiếu, nhưng hóa ra lại không phải. Hơn 150 học sinh cả nam lẫn nữ vừa đặt chân đến sân bóng lập tức được các HLV người Nhật phân ra thành từng tốp, rồi sau đó họ cùng các em thỏa sức vui đùa với quả bóng. Không dạy kỹ năng, không lý thuyết, không nghiêm khắc mà chỉ có tiếng cười và những giọt mồ hôi.
Ông Satoshi Hirato, giám đốc kinh doanh của CLB Kawasaki Frontale, cho biết: “Chương trình này của chúng tôi không phải nhằm dạy kỹ năng hay lý thuyết bóng đá gì cho học sinh. Chúng tôi chỉ muốn tạo ra một sân chơi đúng nghĩa cho các em học sinh VN”.
Quả thật, phần đông các em nhỏ đến từ các trường tiểu học ở Bình Dương này không có năng khiếu đá bóng. Thậm chí nhiều em ban đầu còn tỏ ra ù lì, e ngại khi trông thấy quả bóng. Nhưng rồi đến cuối buổi giao lưu, tất cả đều áo đẫm mồ hôi và khi buổi giao lưu kết thúc, nhiều em còn nài nỉ: “Cho em chơi thêm chút nữa”.
Ông Hirato cho biết đây là một chương trình được phối hợp giữa Bộ Kinh tế và Bộ Giáo dục - thể thao - văn hóa - khoa học Nhật Bản nhằm giới thiệu về mô hình bóng đá học đường ở Nhật Bản cho các nước đang phát triển, trong đó có VN. Sở dĩ Chính phủ Nhật chọn CLB Kawasaki Frontale cho chương trình ở VN là bởi CLB này có quan hệ khá mật thiết với đội Becamex Bình Dương từ trước đó.
Ông Hirato nói: “Theo tôi tìm hiểu, phần lớn trường học ở VN không có khuôn viên rộng lớn, trong khi Nhật Bản quy định mọi trường học đều phải có ít nhất một sân bóng đá và chúng tôi cho rằng mọi học sinh nhỏ đều nên chơi thể thao bên cạnh việc học”.
Cũng vì quan niệm này, nhiều năm qua nền thể thao và giáo dục của Nhật Bản đã được gắn chặt với nhau. Ông Hirato cho biết các CLB hàng đầu của J-League đều có mối liên quan mật thiết với hàng trăm trường tiểu học, trung học và cả mẫu giáo ở mỗi thành phố của CLB đó. Chẳng hạn như CLB Kawasaki Frontale chính là “trung tâm dạy bóng đá” cho 150 trường tiểu học khắp thành phố Kawasaki.
Gắn bó mật thiết với các trường học như vậy nên hệ thống đào tạo trẻ của các CLB Nhật cũng rất quy mô. Ông Hirato cho biết mỗi CLB ở J-League đều phân lò đào tạo trẻ của mình thành ba mảng: đào tạo trẻ (độ tuổi 8-14), đào tạo trẻ chuyên sâu (trên 14 tuổi) và phổ cập bóng đá. Trong đó chỉ tính riêng mảng phổ cập bóng đá học đường, CLB Kawasaki Frontale đã có đến 25 HLV.
Ông Hirato nói: “Phổ cập bóng đá (hoặc những môn thể thao khác) vào học đường rất quan trọng đối với cả nền giáo dục lẫn thể thao của Nhật Bản. Theo tìm hiểu của tôi, các CLB ở VN ngày càng làm tốt công tác đào tạo trẻ và đào tạo chuyên sâu, nhưng lại bỏ qua mảng phổ cập bóng đá này. Tôi hi vọng trong tương lai các CLB VN cũng sẽ gắn bó với các trường học”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận