11/01/2023 18:00 GMT+7

Bài học ngăn chặn thuốc lá điện tử từ các nước

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 79/111 quốc gia đặt TLĐT dưới sự kiểm soát của luật quản lý thuốc lá ở nước sở tại. Với thuốc lá làm nóng, con số này là 184/193 quốc gia.

Bài học ngăn chặn thuốc lá điện tử từ các nước - Ảnh 1.

Các loại thuốc lá điện tử thường được thiết kế với màu sắc sặc sỡ để thu hút người trẻ tuổi - Ảnh: AFP

Giải bài toán ma trận về chủng loại

Năm 2021 Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép kinh doanh một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó có TLĐT hệ thống đóng (Closed END system). FDA cho rằng sản phẩm nào đã qua kiểm nghiệm, phù hợp với sức khỏe cộng đồng được cho phép lưu hành nhằm phục vụ nhu cầu chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế.

Thế nhưng, không phải mọi loại TLĐT đều được FDA thông qua. Thậm chí, cơ quan này cũng cấm hàng loạt sản phẩm vì hương vị có nguy cơ thu hút giới trẻ.

Động thái này của FDA cho thấy không phải tất cả mọi loại TLĐT đều có khả năng giảm tác hại và phù hợp để hiện diện trên thị trường. Chính vấn đề đa chủng loại TLĐT đã gây không ít khó khăn cho việc quản lý của các chính phủ khi sản phẩm lậu bị tuồn vào thị trường.

Đặc biệt, nguồn hàng lậu từ Trung Quốc được đài ABC New đánh giá là "tràn ngập thị trường" với hàng nhập khẩu rẻ tiền, gây nghiện và nguy hiểm. Với chi phí dưới 40 USD, một thiết bị TLĐT dùng một lần có thể chứa lượng nicotine bằng 10 gói thuốc lá.

Các nhà nhập khẩu đã tránh thể hiện hàm lượng nicotine cao trên bao bì và do đó tránh được sự giám sát của lực lượng biên phòng. Các nhà bán lẻ TLĐT cũng rất giỏi che giấu thành phần thực sự của sản phẩm. Họ nhắm đến giới trẻ và quảng bá sản phẩm của mình là vô hại, hợp thời trang và không gây nghiện.

Tại Trung Quốc, một trong những sản phẩm mới gần đây là "kẹo cao su có gas" hoặc "cốc trà sữa" được bán với giá từ 60 nhân dân tệ (8,6 USD) đến 150 nhân dân tệ trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.

Loại TLĐT dùng một lần này được ngụy trang dưới dạng "cốc trà sữa" hoặc "cốc coca" để lách các quy định. Không có thông tin nào về nhà sản xuất hoặc ngày sản xuất được in trên bao bì, ngoại trừ một cảnh báo bằng tiếng Anh nhắc nhở người dùng rằng "có liên quan đến nicotine và có thể gây nghiện".

Cũng chính các nguồn hàng lậu trá hình nêu trên đã gây ra đợt bùng phát sự vụ "các Bệnh lý tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng TLĐT" (EVALI) tại Hoa Kỳ năm 2019. Điều này đặt ra mối quan ngại trong công chúng rằng liệu TLĐT có là nguyên nhân dẫn đến tổng cộng 2.807 trường hợp nhập viện và 68 ca tử vong trên toàn quốc vào ngày 18-2-2020 hay không?

Bài học ngăn chặn thuốc lá điện tử từ các nước - Ảnh 2.

Tỉ lệ hút thuốc ở trẻ vị thành niên giảm tại nhiều nước nhưng tỉ lệ hút thuốc lá điện tử lại có xu hướng tăng và ngày càng trẻ hóa - Ảnh: Reuters

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã giải thích: "Dữ liệu quốc gia và liên bang từ các báo cáo về bệnh nhân và mẫu thử nghiệm sản phẩm cho thấy TLĐT có chứa tetrahydrocannabinol (THC), đặc biệt là từ các nguồn không chính thống như bạn bè, gia đình, hoặc những "tay buôn lậu" trực tiếp hay qua mạng Internet, mới có liên quan đến hầu hết các trường hợp EVALI và là nguyên nhân chính gây ra đợt dịch này."

Cấm và phạt cả người bán - người mua

Điều tra của CDC Hoa Kỳ năm 2022 cho thấy, có khoảng 2,55 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi trung học đang hút TLĐT. Gần 85% trong số này đã sử dụng TLĐT có hương vị và hơn một nửa sử dụng TLĐT dùng một lần. Con số này nhìn chung đã giảm so với trước khi có lệnh cấm bán các sản phẩm có chứa nicotine cho trẻ vị thành niên, và siết chặt các biện pháp kiểm soát việc tiếp thị TLĐT.

Juul, nhà sản xuất TLĐT nổi tiếng của Mỹ, đã đối mặt nhiều vụ kiện trên khắp nước Mỹ sau khi chính quyền bắt đầu chú ý hơn đến các hoạt động tiếp thị TLĐT.

Công ty này dự kiến sẽ phải trả 1,7 tỉ USD để giải quyết hơn 5.000 vụ kiện của các khu học chánh, chính quyền địa phương và cá nhân, chủ yếu ở bang California, theo báo Washington Post.

Tháng 9-2022, Juul đã trả 438 triệu USD để dàn xếp vụ kiện do 33 tiểu bang đưa ra, bao gồm cả New Jersey và Delaware. Đến tháng 12-2022, Juul đồng ý trả 38,8 triệu USD cho cơ quan y tế Pennsylvania để dàn xếp vụ kiện liên quan việc tiếp thị TLĐT cho trẻ vị thành niên.

New Zealand thậm chí còn quyết liệt hơn bằng đạo luật thông qua vào tháng 12-2022 trong đó cấm bán thuốc lá điếu vĩnh viễn cho người sinh từ năm 2009 trở về sau. Điều đó đồng nghĩa độ tuổi không thể mua thuốc lá điếu sẽ tăng dần qua từng năm, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc hút thuốc lá điếu ở quốc gia này.

Cuối 2023, New Zealand sẽ thu hồi giấy phép của 90% trong số 6.000 nhà bán lẻ thuốc lá. Người vi phạm và lén bán thuốc lá cho người dưới tuổi hợp pháp có thể bị phạt tới 95.000 USD (2,3 tỉ đồng). Quy định mới cũng yêu cầu giảm lượng nicotine trong thuốc lá điếu truyền thống và các sản phẩm TLĐT, khiến chúng ít gây nghiện hơn.

Tại Anh - nơi cho phép sử dụng TLĐT chứa nicotine như một biện pháp thay thế thuốc lá điếu truyền thống – Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội đã hoàn thiện quy định hợp lý hướng tới giúp giới trẻ hiểu rõ nguy cơ của việc sử dụng nicotine, đồng thời giúp người hút thuốc cai thuốc lá điếu.

Bài học ngăn chặn thuốc lá điện tử từ các nước - Ảnh 3.

Thuốc lá điện tử ngụy trang được bày bán trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc - Ảnh: Weibo

Cũng tại đây, Cơ quan Quản lý thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) thiết lập hệ thống thông báo nhằm yêu cầu các nhà sản xuất phải bảo đảm về mức độ an toàn và chất lượng của bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào có mặt trên thị trường.

Quốc gia này cũng đã đưa ra lệnh cấm đối với sản phẩm có chứa THC. Củng cố cho hệ thống thông báo về các biến cố bất lợi, MHRA duy trì một trang mạng giúp người dùng có thể dễ dàng kiểm tra tính hợp pháp của các sản phẩm đang được lưu hành trên thị trường.

Các biện pháp mà Anh đang áp dụng cũng phản ánh các quy định về mặt chính sách chung trong khối Liên minh châu Âu.

Hong Kong (TQ) không có tình trạng miễn thuế đối với các sản phẩm thuốc lá và đã cấm các sản phẩm thuốc lá hơi và thuốc lá làm nóng. Singapore và một số tiểu bang ở Mỹ cũng nâng độ tuổi hợp pháp để mua thuốc lá lên 21 tuổi.

Ngăn chặn giới trẻ tiếp cận TLĐT: Cần trách nhiệm từ cả người bán lẫn người mua

Các nhà bán lẻ và sản xuất TLĐT cũng cần thể hiện trách nhiệm và đạo đức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm của mình. Chẳng hạn, Waitrose, một chuỗi siêu thị có từ năm 1904 ở Anh, đã ngừng bán các loại TLĐT sử dụng một lần vì tác động tiêu cực của chúng đối với môi trường và sức khỏe của những người trẻ tuổi.

Việc kiểm tra và giám sát bán TLĐT cho khách hàng cũng cần được tính đến để bảo đảm những sản phẩm đó không tới được tay trẻ vị thành niên.

Dave Morris, một người từng điều hành công ty TLĐT ở Mỹ, đã sớm nhận ra trách nhiệm của nhà sản xuất và phát triển một công nghệ giám sát, xác minh độ tuổi người mua.

Thông qua một con chip được gắn trong TLĐT, người bán sẽ quét thẻ căn cước của người mua. Mọi thông tin như độ tuổi, địa chỉ và hình ảnh người mua sẽ được lưu lại trên hệ thống dữ liệu đám mây. Cảnh sát có thể truy ra nguồn gốc, từ đó truy cứu trách nhiệm nếu phát hiện một trẻ vị thanh niên đang hút TLĐT.

Thuốc lá điện tử: Làm sao ngăn chặn thanh thiếu niên? Thuốc lá điện tử: Làm sao ngăn chặn thanh thiếu niên?

Hệ lụy lớn nhất của nạn mua bán thuốc lá điện tử (TLĐT) lậu là những ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, nhất là thế hệ trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp