29/04/2018 19:09 GMT+7

Bài học hòa bình giữa chiến trường

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - "Cha tôi, trung tướng Cao Văn Khánh không phải là anh trai tướng Cao Văn Viên như tin đồn, nhưng các anh trai ông cũng làm dân biểu, tham gia chính trường Sài Gòn và cũng đi "học tập" sau 75 như bao người khác".

Bài học hòa bình giữa chiến trường - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thiếu tướng Cao Văn Khánh (bìa trái) tại Tổng hành dinh năm 1975

10 năm, PGS.TS Cao Bảo Vân, nguyên phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, lấy việc tìm hiểu về cha mình - trung tướng Cao Văn Khánh - nguyên phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN - làm một trong những công trình nghiên cứu quan trọng nhất. 

10 năm, hàng trăm đồng đội đã được tìm gặp, những nguồn tư liệu hiếm hoi đã được tìm và cuốn sách đã tái hiện không chỉ trung tướng Cao Văn Khánh, mà cả những phần rất lớn của dặm dài lịch sử diễn ra trong đời ông.

Nhân dân phải được đền đáp

* Điều gì ông để lại khiến chị sẽ luôn nhớ?

- Cha tôi là vị tướng chưa bao giờ đeo huân - huy chương. Trong các bức thư, ông luôn kể về những người lính, người dân. Ông viết bao lần: "Sự hi sinh của nhân dân là vĩ đại. Sức mạnh của nhân dân là vô tận. Nhân dân phải được đền đáp".

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

* Điều thú vị nhất tôi nhận thấy trong cuốn sách của chị về tướng Cao Văn Khánh chính là những diễn tiến và thăng trầm của lịch sử. Khi tìm hiểu, nghiên cứu và viết, hẳn chị đã có chủ ý để dành những thời lượng lớn cho nội dung này?

- Tôi không phải nhà nghiên cứu lịch sử, tôi chỉ nhìn và lý giải lịch sử xuyên qua những trải nghiệm của cha mẹ và chính bản thân mình. Từ hoàn cảnh bản thân, tìm hiểu về cha mình, viết một cuốn sách về ông không ngờ lại cho tôi một cơ hội nhìn lại toàn bộ mấy mươi năm chiến tranh Việt Nam, hiểu được nỗi lòng người chỉ huy - tư lệnh mặt trận, hiểu được những khúc quanh lịch sử - thời cuộc mà những người trí thức đã phải vượt qua để tiếp tục sứ mệnh mình đã chọn.

* Điều thấm thía nhất khi nhìn suốt lịch sử ấy là gì?

- Là giá trị của hòa bình.

* Nhưng hòa bình là một giá trị nhân loại...

- Là hòa bình nhìn qua từng con người. Cha tôi từng là thầy giáo dạy toán ở thành Huế, thế rồi cuộc đời sôi nổi tươi đẹp êm đềm của ông cùng hàng vạn, hàng triệu thanh niên khác chuyển hướng ra chiến trường. Ấy là vì chiến tranh.

Đời ông là chiến dịch, là mặt trận. Mất vào năm 1980 vì di chứng chất độc da cam nhiễm phải ở Tây Nguyên, ông chưa được hưởng bao nhiêu ngày hòa bình với vợ con.

Bài học hòa bình giữa chiến trường - Ảnh 3.

PGS.TS Cao Bảo Vân - Ảnh: Tự Trung

Nhân sĩ giữa đời

* Cuộc trường chinh trên chiến trường ác liệt của tướng Cao Văn Khánh đã khiến cuốn hồi ức về ông thật đồ sộ, vượt qua khỏi tầm vóc cá nhân. Ngoài hòa bình, nhìn vào tướng Khánh, trên vai trò tác giả, chị cho rằng điều gì mà cuộc đời ông đã để lại cho lịch sử ngoài những chiến công?

- Đọc những trang sổ tay dày đặc ông ghi lại những suy tính chiến thuật trong bố trí thế trận, cân nhắc cách tấn công, phương án tổ chức hiệp đồng binh chủng... tôi nhận ra nhiều điều. Mỗi một chiến thắng đã được đúc kết từ bao nhiêu thất bại. Vai trò và trách nhiệm của người chỉ huy chiến trường, tướng tham mưu chiến lược, những quyết định chiến thuật mang nặng tâm sự, day dứt đè nặng về trách nhiệm với sinh mạng chiến sĩ. Ông viết: "Không thể chiến thắng bằng mọi giá". Ông viết: "Trách nhiệm lớn nhất là làm sao để chiến thắng với thương vong ít nhất"... Tuy vậy, không phải lúc nào ông cũng bảo vệ được quan điểm của mình. Dòng thư ông viết những lúc ấy thấm máu.

Từ đó, tôi nhận ra điều lớn hơn: vai trò dẫn dắt của người trí thức. Không chỉ thời bình mới cần tới trí thức để dựng xây, vai trò người trí thức trong thời chiến đã là rất lớn: tìm cái đúng, sửa cái sai. Có trí thức mới xây dựng được quân đội, rèn luyện được quân đội, giữ gìn được máu xương chiến sĩ. Nhưng đã có những giai đoạn người trí thức không được trọng dụng. Họ cô đơn giữa những biến động, biến loạn, những cơ hội thay đổi mà đáng ra họ phải đi đầu. Bài học lịch sử ấy cần phải được tô đậm.

* Đối với cá nhân, điều gì khiến chị "lớn lên" sau quá trình thực hiện cuốn sách này?

- Hiểu ba mẹ hơn: con người, tình yêu của ông bà, lý tưởng của ông bà từ thời thanh niên hoa mộng đến những bước cuối cuộc đời. Không chỉ chiến tranh, cha mẹ tôi đã trải qua những đoạn thăng trầm khắc nghiệt: đấu tranh giai cấp, chỉnh huấn - chỉnh quân...

Cách ông bà kiên định giữ gìn cốt cách của mình, quan điểm, lý tưởng của mình để chịu đựng, để vượt qua, để tiếp tục phụng sự cho mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đã cho tôi chỗ dựa vững chắc trong đời. Tôi yên tâm hơn với cuộc sống của mình, vững vàng hơn trước những luồng tư tưởng, quan điểm xét lại lịch sử, cứng rắn hơn khi phải đối diện với những nỗi thất vọng thời cuộc.

Lịch sử cần tiếp tục soi rọi

* Xuyên qua các chiến trường và dày đặc tư liệu nhưng cuốn sách của chị vẫn có những trường đoạn rất ngọt ngào, cảm động, lại có những đoạn tái hiện như phim điện ảnh: cảnh đám cưới trong hầm De Castries, cảnh đêm lửa trại được tổ chức cho tù binh phương Tây... Hẳn điều đó xuất phát từ tình yêu của chị với cha mình?

- Tôi đã cố gắng để viết thật khách quan và thật sự cuộc đời chiến trận của cha tôi thấm đẫm tình yêu. Mẹ tôi giữ hàng ngàn bức thư của ông, những bức thư ông viết bên bản đồ chỉ huy, dưới hầm, trong chiến hào... Với chúng tôi ở nhà, đọc thư cha cũng thành một thói quen, sự gần gũi về tinh thần lớn hơn vật lý. Vậy nên trong quá trình nghiên cứu tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, tìm ra đến đâu, nghe chuyện đến đâu, những hình ảnh bắt đầu sống dậy trong tôi.

Nỗi tiếc xót nhất trong gia đình là chúng tôi đã không có được nhiều thời gian dành cho nhau. Thậm chí khi ba mất, tôi đã đi học xa. Nhưng tôi nghĩ ba hạnh phúc vì đã sống cuộc sống sôi động và tràn đầy năng lượng trong đội ngũ của ông. Nằm xuống, mẹ cũng chọn cho ba chỗ an nghỉ cùng các đồng đội của mình.

* Với nhân thân khá đặc biệt, thống nhất đất nước với riêng ông có ý nghĩa thế nào?

- Ở miền Bắc, ông luôn khắc khoải nhắc đến quê hương mình, những người thân ruột thịt ở miền Nam. Một trong những ước mơ ông đã thực hiện được sau ngày thống nhất là đưa cả nhà về Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của cả hai ông bà.

Ông không phải là anh trai tướng Cao Văn Viên như tin đồn, nhưng các anh trai ông cũng làm dân biểu, tham gia chính trường Sài Gòn và cũng phải đi "học tập" sau ngày 30-4-1975 như bao người khác. Cha tôi mang một số phận đặc biệt trong một bối cảnh đặc biệt của đất nước. Quan sát cuộc đời ông 10 năm, viết ra một cuốn sách và vừa viết xong, tôi lại đã muốn bổ sung, viết lại. Vẫn còn những phần lịch sử cần được tiếp tục soi rọi.

Tháng 4, đọc tướng Khánh

cao van khanh

Nhắc đến tên tướng Cao Văn Khánh (1917-1980) - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, những người quan tâm đến lịch sử quân sự sẽ nhớ đến những trận đánh hàng đầu trong cả hai cuộc kháng chiến mà ông đã sống từng ngày một ngay trên chiến trường, đám cưới trong hầm De Castries ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ và cả tin đồn "anh ruột tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa" đã gây cho ông không ít hệ lụy...

Ông mất ở tuổi 62 khi đang tham gia chỉ huy mặt trận biên giới Tây Bắc, không để lại hồi ký. 38 năm sau, những trận chiến của cuộc đời ông và bao vật lộn trăn trở trong tâm khảm của người trí thức Huế lần đầu được bộc lộ khá rõ nét và đầy đủ trong cuốn Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử (NXB Tri Thức) được viết bởi con gái yêu của ông.

Là nhà khoa học, cuốn Hồi ức lịch sử mà tác giả Cao Bảo Vân viết thay cha mình tràn ngập tình thương yêu và niềm tự hào, chân xác đến từng chi tiết, từng trích dẫn, vừa mang tính chủ quan cá nhân của một người thân vừa mang tính khách quan của một trí thức nhìn về lịch sử.

Cuốn sách đáng đọc của tháng 4 lịch sử.

Vị tướng của miền Trung

● Sinh năm 1917 tại Huế trong gia đình trí thức.

- Thời trẻ, học luật tại Đại học Đông Dương và dạy toán tại Trường tư thục Phú Xuân, Huế.

- Cách mạng Tháng Tám, ông trở thành trung đội trưởng rồi đại đội trưởng giải phóng quân của Việt Minh ở Huế.

- Cuối năm 1945: khu trưởng Khu V.

● 1949-1954: đại đoàn phó Đại đoàn 308.

- Sau Hiệp định Genève: cục trưởng Cục Quân huấn.

● Tháng 10-1960: hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân, quân hàm đại tá.

● Tháng 12-1972: tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Gắn bó chiến trường miền Trung và Tây Nguyên với các chiến dịch lớn như Đắk Tô (1966), Khe Sanh (1968), Đường 9 (1971), Quảng Trị (1972), Tây Nguyên (1974).

● Năm 1974: phó tổng tham mưu trưởng, thiếu tướng rồi trung tướng (1980)

● Mất năm 1980.

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp