08/03/2015 13:54 GMT+7

Học sinh quan tâm nhiều đến nhu cầu nhân lực

TRẦN HUỲNH - THUỲ TRANG - MINH TÂM
TRẦN HUỲNH - THUỲ TRANG - MINH TÂM

TTO - Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2015 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Cần Thơ ngày 8-3, đa số phụ huynh, học sinh quan tâm nhiều đến nhu cầu nguồn nhân lực ĐBSCL.

11. TS Phạm Tấn Hạ (Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) trong ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Cần Thơ, Q.Ninh Kiều, tỉnh Cần Thơ sáng 8-3 - Ảnh: Quang Định
TS Phạm Tấn Hạ (Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) trong ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Cần Thơ, Q.Ninh Kiều, tỉnh Cần Thơ sáng 8-3 - Ảnh: Quang Định

Ở phần tư vấn chuyên sâu, TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đã trình bày sơ lược những công tác tuyển sinh năm 2015.

TS Hạ nhắn nhủ năm nay có nhiều điểm mới nhưng thí sinh cũng có rất nhiều lựa chọn cho nên thí sinh nên tham khảo kỹ lưỡng trước khi chọn ngành học.

Đa số phụ huynh, học sinh quan tâm nhiều đến nhu cầu nguồn nhân lực  ĐBSCL. Một học sinh đã đặt câu hỏi học sinh vùng đồng bằng nên thi vào các ngành nghề gì để ra trường dễ xin việc làm, hiện nay những ngành nào đang thiếu nguồn nhân lực?

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết hiện nay thị trường lao động đã lan ra ở rất nhiều vùng miền, tuy nhiên tâm lý vẫn là gắn với địa phương, quê quán.

Xu hướng chọn ngành nông nghiệp trong vùng còn rất thấp thấp (chỉ 9-10%), trong khi đó ngành dịch vụ lại cao (57%), dự kiến sau 4 - 5 năm nữa sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực.

“Theo định hướng phát triển tầm nhìn chiến lược  của 13 tỉnh ĐBSCL thì nhu vẫn ưu tiên cho nông nghiệp thủy sản, công nghệ thực phẩm, riêng bác sĩ hiện nay cũng rất cần để phục vụ ở các phường xã”, ông Hiệp nói.

Cũng theo ông Hiệp, các tỉnh đồng bằng cũng đang dần phát triển du lịch, miền Tây rất có sức hút với khách du lịch vì có nét đồng quê dân dã, trái cây dồi dào nhưng chưa đến 50% nhân lực cho lĩnh vực này chưa qua đào tạo. Cho nên những ai yêu thích ngành nghề này sẽ có nhiều cơ hội.

Bạn Trần Ngọc Trinh, THPT Bình Minh (Vĩnh Long) thắc mắc nếu đăng ký vào đại học công an nhưng không trúng tuyển thì có thể học trung cấp không và cách thức làm hồ sơ có gì mới?

Thượng tá Trần Quốc Chiến, Phó trưởng Phòng Quân huấn nhà trường, Bộ Tham mưu Quân khu 9 giải đáp hiện nay có trên dưới 20 trường công an, quân đội tuyển sinh. Năm nay thí sinh dễ dàng hơn trong việc chọ trường nên khi thi xong kỳ thi THPT quốc gia các em sẽ đăng ký vào đại học chính xác hơn.

Trong hồ sơ xét tuyển phải ghi rõ nếu điểm xét tuyển không đủ thì đăng ký nguyện vọng vào trung cấp. Thí sinh nên đến phường, xã để được hướng dẫn làm hồ sơ.

“Nếu các em thi vào trường quân đội thuộc hệ quân sự thì sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí trong quá trình học và chịu sự phân công công tác khi ra trường, còn hệ dân sự thì đóng học phí như các trường đại học khác”, ông Chiến nói.

Trong khi đó, một số học sinh gửi đến ban tổ chức nhờ tư vấn về vấn đề có tìm được việc làm hay không khi chỉ học cao đẳng?

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề kinh tế công nghệ TP HCM chia sẻ học cao đẳng sẽ không khó tìm việc làm như học sinh tưởng, vì nếu các bạn yêu thích, chọn đúng ngành và học thật tốt khi ra trường, vẫn rất nhiều nơi chào đón.

Ba điểm quan trọng cần lưu ý

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT thông tin: ngày 26-2 Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Ngoài ra, còn những vấn đề liên quan đến kỹ thuật sẽ được tiếp tục ban hành trong hướng dẫn về tuyển sinh và hướng cụm thi dự kiến sẽ công bố vào giữa tháng 3-2015.

Năm nay là năm đầu tiên thí sinh chỉ thi một kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3 và 4-7.

Theo ông Nghĩa, năm nay các vấn đề liên quan đến chính sách ưu tiên, cách thức tổ chức thi và đề thi đều giống với trước đây. Tuy nhiên có hai vấn đề mới cần lưu ý: thứ nhất, thí sinh phải thi tại các cụm thi. Thứ hai là các em đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi.

Ở khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học tự kỹ thuật - dược - nông lâm…, ông Nghĩa lưu ý thí sinh ba nội dung chính: đăng ký dự thi, tổ chức ôn thi và tổ chức xét tuyển.

Theo đó, năm nay sẽ có hai loại cụm thi: cụm thứ nhất là cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì phối hợp với các sở GD-ĐT tổ chức. Tất cả đối tượng đều có quyền đăng ký thi tại cụm thi này. Thí sinh muốn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ bắt buộc phải thi tại cụm thi này.

Cụm thi thứ hai là cụm thi tại tỉnh dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT. Với cụm thi này, nếu sở GD-ĐT đề xuất báo cáo UBND tỉnh và Bộ GD-ĐT sẽ được tổ chức. Cụm thi này do các sở GD-ĐT chủ trì có sự tham gia của các trường ĐH, CĐ tổ chức.

Về việc đăng ký dự thi, thí sinh sẽ đăng ký môn thi từ ngày 1-4 đến 30-4 tại trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên nơi đang học; thí sinh tự do đăng ký dự thi tại các điểm do sở GD-ĐT quy định.

Thí sinh phải điền vào phiếu đăng ký dự thi, ngoài thông tin liên quan cá nhân, phải điền mục đích dự thi và cụm thi. Sau đó, thí sinh phải đăng ký môn thi.

Đối với thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT phải thi bốn môn toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn (trong số các môn lý, hóa, sinh, sử, địa). Ngoài ra, để xét tuyển vào ĐH, CĐ phải đăng ký thêm các môn tùy theo yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH, CĐ quy định.

"Trong đăng ký dự thi có điểm rất quan trọng các em phải lưu ý trong phiếu đăng ký dự thi có những thông tin ưu tiên đối tượng và khu vực. Thí sinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác của những thông tin này. Nếu sau này sau khi xét tuyển các trường phát hiện ra thông tin sai sẽ hủy kết quả trúng tuyển của thí sinh hoặc buộc thôi học” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Về việc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, sau khi có kết quả thi, thí sinh sẽ nhận được bốn phiếu chứng nhận kết quả thi, trong đó có một phiếu dùng đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và ba phiếu còn lại dùng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 thí sinh chỉ được quyền nộp vào một trường với bốn ngành. Các trường sẽ xét ưu tiên các ngành này theo thứ tự từ 1-4. Trong thời gian 20 ngày của đợt 1, thí sinh được quyền rút hồ sơ để nộp sang trường khác hoặc thay đổi nguyện vọng ở trường đó.

"Để có cơ sở tham gia xét tuyển Bộ GD-ĐT quy định ba ngày/lần các trường phải công khai thông tin đăng ký xét tuyển. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 thí sinh sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt còn lại. Nếu trượt nguyện vọng 1 thí sinh được tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Việc đăng ký xét tuyển bổ sung cũng giống như xét tuyển nguyện vọng 1, tuy nhiên thí sinh không được rút hồ sơ trong quá trình đăng ký xét tuyển” - ông Nghĩa cho biết.

TRẦN HUỲNH - THUỲ TRANG - MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp