Phóng to |
Công viên Lê Văn Tám |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) - chủ đầu tư dự án xây dựng tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại công viên Lê Văn Tám - khẳng định việc chọn địa điểm thực hiện dự án này là phù hợp qui hoạch và pháp lý. Đây là vị trí thuộc khu vực trung tâm TP, có nhu cầu đậu xe lớn, đồng thời là vị trí có địa thế cao, riêng biệt, thuận lợi cho việc sử dụng tầng ngầm và có một số thuận lợi khác.
Một nửa công viên Theo thiết kế, công trình bãi đậu xe rộng 29.240m2 (chiếm gần 47% diện tích công viên), được chia làm hai khu vực. Khu vực 1 là bãi đỗ xe có năm tầng hầm đủ chỗ cho 2.024 xe máy, 1.250 ôtô con, 28 xe buýt đậu cùng lúc. Khu vực 2 là khu vực dịch vụ (ba tầng hầm). Kinh phí xây dựng công trình này là 1.286 tỉ đồng. Dự án sẽ mở rộng một làn xe trên đường Điện Biên Phủ và đường Võ Thị Sáu, mở một đường cắt ngang công viên, làm đường đi bộ dọc công viên, bố trí bãi đỗ xe buýt… |
Theo ông Đinh Văn Vượt - trưởng ban quản lý công viên Lê Văn Tám - công trình chiếm diện tích quá lớn, vị trí giữa công viên nên rất hạn chế không gian để người dân tập thể dục, thư giãn. Chưa kể quá trình thi công phát sinh tiếng ồn, bụi bặm... nên khi thi công coi như người dân (hơn 5.000 người - PV) phải ngưng tập thể dục.
Ý kiến khác nhau
Trong khi đó, khả năng ảnh hưởng đến mảng xanh của công viên khi dự án triển khai là lo lắng của hầu hết các ý kiến khi đề cập đến dự án này.
Theo Công ty IUS, thi công bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám phải di dời 390/712 cây xanh và 288/369 cây bonsai. Còn về tỉ lệ, số cây phải di dời chiếm 55% cây gỗ và 78% cây bonsai. Công ty IUS giải trình rằng số cây này sẽ được trồng trở lại hoặc thay thế bằng cây trồng mới theo yêu cầu chỉnh trang công viên, đảm bảo nguyên tắc không được giảm về số lượng so với hiện nay.
Với lớp đất dày 1,5-2m trên nóc công trình ngầm như thiết kế, các loại cây có thể sống và phát triển bình thường được không? Ông Lê Tuấn - giám đốc Công ty IUS - khẳng định với lớp đất dày như vậy là đảm bảo khả năng sống và phát triển bình thường của các loại cây trồng.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Vượt, hiện những cây xanh trong công viên như: sao, nhạc ngựa, lim xẹt, phượng... đều được trồng từ 20 năm trước, có nhiều cây trên 50 năm tuổi. Do đó, khi bứng dưỡng sẽ có gần 50% bị hư hỏng hoặc có khả năng không phát triển lại được.
Thống kê số lượng
Ông Lê Toàn - phó giám đốc Sở Giao thông công chính TP - nói theo báo cáo của các đơn vị liên quan, công viên Lê Văn Tám không có cây quí hiếm. Vì vậy, "nếu việc thay thế và bảo tồn cây xanh với phương án kiến trúc đẹp hơn thì đương nhiên là đồng ý với chủ đầu tư”. Nhưng theo ông Toàn, hội nghị góp ý chỉ đồng ý về nguyên tắc, còn khi đưa vào thực hiện chủ đầu tư phải thông qua hội đồng kiến trúc và tổ chức thi kiến trúc.
Ngoài ra, trong báo cáo thẩm tra giải trình bổ sung của IUS, Sở Giao thông công chính TP cho rằng giải trình của công ty này liên quan đến bảo tồn cây xanh và khôi phục công viên đã tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, sở đề nghị chủ đầu tư khảo sát hiện trạng cây xanh, cụ thể số lượng cũng như chủng loại cần bứng, đốn, di dời và trồng mới...
Ông Lê Toàn nói thêm đây là dự án đã được Bộ Xây dựng thẩm định. Về phía TP.HCM, UBND TP đã giao cho Sở Kế hoạch - đầu tư làm đầu mối của các sở, ngành để thẩm tra, thẩm định dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận