Các nhà khảo cổ học quan sát thực địa bãi cọc Cao Quỳ - Ảnh: TIẾN THẮNG
Cá nhân tôi nghĩ chúng ta nên khiêm tốn, nên có trách nhiệm đối với di tích chứ không thể nói bừa. Cách làm và đưa ra nhận định về những cọc gỗ tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng như hiện nay là quá vội vàng. Đừng vội vàng chi tiêu tiền như thế này, tốn kém lắm.
Nhà khảo cổ Nguyễn Văn Hảo
Năm nay, hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học được tổ chức ở Hải Phòng, các nhà khảo cổ học cả nước đã có chuyến đi thực địa tại bãi cọc Cao Quỳ chiều 28-9.
Địa hình không phải lòng sông?
Nhà khảo cổ Nguyễn Văn Hảo cho biết sau khi đến hiện trường thực tế để quan sát thì những nghi ngờ càng có thêm cơ sở.
Theo ông Hảo, một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao cọc lại được đặt ở chỗ đó mà không phải chỗ khác. Bởi với vị trí cọc đó, quan sát thấy xung quanh đều có núi cao bao bọc, trong địa hình như vậy thì đây không phải là dòng sông, mà là vùng vịnh cổ gần như khép kín.
"Trầm tích ở đây khi anh em khai quật lên phát hiện có cả một lớp than bùn màu đen, nguyên nhân là do cây cối tại đây phân hủy, tích tụ tại chỗ mới có lớp bùn đen. Nếu là dòng sông thì lớp bùn đen sẽ không thể có vì dòng chảy sẽ mang đi hết" - ông Hảo nhận định.
Ông Hảo cho rằng nếu nói đây là bãi cọc Bạch Đằng chống giặc ngoại xâm thì cần phải có cả những nhà quân sự cùng tham gia thảo luận để xác định, đánh giá tại sao lại phải cắm cọc ở đó, quân giặc vào thời đó, năm đó đi đường nào để vào và nhắm vào vị trí đó để đi vào đâu.
Về ý kiến cho rằng có nhiều tư liệu lịch sử, bản đồ cổ mà một số nhà khoa học đưa ra cho thấy vị trí bãi cọc trùng với các cửa sông, cửa lạch, ông Hảo cho rằng sử sách cần phải tôn trọng nhưng không thể lấy sách sử để thay thế hiện trường thực tế.
Theo ông Hảo, để chuẩn xác thì có thể dùng không ảnh chụp toàn bộ khu vực và các nhà địa chất học cùng vào cuộc để từ đó xác định xem liệu có dòng chảy hay không.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tiến Đông - trưởng phòng khảo cổ học đô thị thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho biết khi trở lại thực địa vào chiều 28-9, điều gây ấn tượng không phải ở bãi cọc mà ở chuyện khung cảnh xung quanh khi một công trình rất hoành tráng, đường đi lối lại được đầu tư xây dựng để thành công viên khảo cổ học.
Theo ông Đông, đây là một phát hiện rất có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, về chuyện luồng ý kiến trái chiều trong khoa học là chuyện rất bình thường. Nếu một trường hợp nào đó mà tất cả đều đồng nhất "tiền hô hậu ủng", "chúng khẩu đồng từ" thì sẽ rất chán. Khoa học phải có những phản biện của khoa học thì mới phát triển được.
"Với cá nhân tôi, việc mới khai quật cách đây 1-2 năm nay thì phải coi đây là những bước đi đầu tiên. Đây cũng là vấn đề lớn của lịch sử nên cần phải hết sức thận trọng, không vội vàng mà phải nghiên cứu đa ngành, địa chất, địa mạo để nắm rõ bãi cọc này ở khoảng nào trong lịch sử dân tộc" - ông Đông nêu.
Chưa có lời cuối cùng, nhưng vẫn có giá trị lịch sử
Ông Nguyễn Tiến Đông giữ quan điểm cho rằng khu vực bãi cọc tại Cao Quỳ và Đầm Thượng là di chỉ tốt để nghiên cứu, vấn đề là chúng ta bây giờ mới là bắt đầu thì đừng ép người ta phải trả lời nó chính xác là cái gì.
Nói thêm về việc phát hiện và khai quật bãi cọc, tiến sĩ Nguyễn Gia Đối - quyền viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho rằng việc phát hiện và khai quật là sự kiện lớn minh chứng lịch sử văn hóa, mang giá trị chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Trước luồng ý kiến cho rằng đưa ra nhận định như vậy là quá vội vàng, không phù hợp với logic khoa học, ông Đối cho rằng kết quả khai quật đã minh chứng đây không phải kiến trúc cư trú, không phải công trình dân sự, mà là một chiến trận bãi cọc liên quan đến quân sự và nhiều khả năng liên quan đến cuộc chiến của quân và dân nhà Trần chống giặc Nguyên Mông năm 1288.
Ông Đối cũng cho rằng có thể có nhiều ý kiến khác của các nhà sử học, địa chất... nhưng dựa trên tổng hợp của nhiều ý kiến để bước đầu nhận định là như vậy.
Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu - phó giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, người trực tiếp phụ trách việc khai quật hai khu vực bãi cọc tại Cao Quỳ và Đầm Thượng - cho rằng trong khoa học thì không ai có quyền nói cuối cùng, mà chỉ có thể đưa từ nhận thức này đến nhận thức đầy đủ hơn.
"Hiện tại chỉ mới khai quật trên diện tích rất nhỏ so với phạm vi phân bố chiến trường rộng lớn nên kết luận, nhận thức sơ bộ của chúng tôi đưa ra cũng chỉ là những giả thuyết, nhận định bước đầu dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Cụ thể là dựa trên cơ sở tư liệu sử học, các di tích còn sót lại, tài liệu môi trường, tài liệu khảo cổ học... kết hợp lại thì chúng tôi đưa ra một nhận định như vậy" - ông Hiếu cho hay.
Ông Hiếu cho biết với tư cách trực tiếp thực hiện việc khai quật các bãi cọc thì có thể thấy nhiều khả năng đây là trận địa chống giặc ngoại xâm năm 1288.
Về việc kết quả phân tích C14 giữa Việt Nam và nước ngoài có sự chênh lệch nhau quá lớn, ông Hiếu cho rằng việc sử dụng phương pháp này cũng chỉ là một trong những tài liệu để nghiên cứu, không thể dựa vào đó để kết luận công tác nghiên cứu.
Bãi cọc Cao Quỳ qua hai lần khai quật đã phát hiện 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc, 4 hố đất đen. Tại Đầm Thượng phát hiện 38 cọc gỗ. Di vật thu được từ các hố khai quật gồm dây sắt, dây chão.
Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 55 - năm nay 2020 nhận được 341 bài nghiên cứu: 105 bài về khảo cổ học tiền sử, 166 bài khảo cổ học lịch sử, 48 bài khảo cổ học Champa - Ốc Eo, 16 bài khảo cổ học dưới nước và 6 bài về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận