Phóng to |
Cây bạch mai ở Bến Tre - Ảnh: Lư Thế Nhã |
Ngày 10-1-2008, UBND tỉnh Bến Tre đã công nhận đình Phú Tự và cổ thụ bạch mai là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là một trong ba cây bạch mai có tuổi thọ cao nhất ở Nam bộ (hai cây còn lại tại Hà Tiên, Kiên Giang và miếu Cây Mai, TP.HCM). Cây đã trên 300 tuổi, có chín thân, chiều cao 14m, còn được gọi là “thần mai”, “cổ thụ mai”, “danh mộc bạch mai”. Hằng năm vào tiết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), cây nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm nhẹ, nhiều văn nghệ sĩ ở Bến Tre thường tụ tập về đây thưởng lãm ngâm thơ và thành lập Bạch mai thi hội vào năm 1994.
Theo tin từ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, trong 13 cây và cụm cây cổ thụ được Hội Cây di sản Việt Nam công nhận lần này, bạch mai là loài cây lạ, hiếm thấy trên đất nước Việt Nam, các chuyên gia của hội đồng đang xác định tên khoa học của cây.
Ngoài bạch mai còn có một loài cây mới vào danh sách Cây di sản Việt Nam là cây trôm mõ (địa phương gọi là cây uốp), gần 1.000 năm tuổi ở thôn An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Một quần thể cây xoài ngự (gồm 20 cây, tuổi đời trên 220 năm) trong khuôn viên chùa Từ Quang (còn gọi là chùa Đá Trắng) ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cũng được công nhận là cây di sản.
Tổng số cây di sản tại VN tính đến nay là 514 cây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận