Thủ tướng Mahathir Mohamad ngồi trên một chiếc xe Proton Saga ra đời cách đây hơn 30 năm khi ông di chuyển ra sân bay quốc tế Senai của Mal aysia hồi tháng 1-2019 - Ảnh chụp màn hình Bernama
Thủ tướng 94 tuổi, được gọi trìu mến là bác Tun của Malaysia, được cho là đang xúc tiến dự án xe hơi quốc gia thứ 3 sau khi 49,9% cổ phần Hãng xe quốc doanh Proton, thương hiệu xe hơi nội địa đầu tiên của Malaysia, được bán lại cho Tập đoàn sản xuất ôtô Cát Lợi Chiết Giang (Geely) của Trung Quốc cách đây 2 năm.
Thời điểm đó, ông tuyên bố Proton không còn là xe hơi quốc gia nữa.
Thời kỳ huy hoàng
"Proton được bán cho người nước ngoài, do đó sẽ là một thương hiệu nước ngoài. Chúng ta đã mất một trong nhiều biểu tượng của Malaysia" - ông Mahathir phát biểu vào tháng 5-2017, thời điểm đất nước Malaysia đang được dẫn dắt bởi thủ tướng Najib Razak.
Nỗi đau đớn đó không phải không có căn cứ, bởi ông Mahathir chính là cha đẻ của thương hiệu xe hơi quốc gia này.
Theo trang web của Proton, năm 1979, ông Mahathir khi đó là phó thủ tướng Malaysia đã đưa ra ý tưởng thành lập ngành sản xuất và lắp ráp ôtô ở Malaysia.
Giấc mơ đó tiến gần thêm một bước để thành hiện thực khi nội các thông qua dự án xe hơi quốc gia vào năm 1982. Proton chính thức được thành lập vào năm 1983 và chiếc xe đầu tiên, Proton Saga, ra mắt vào ngày 9-7-1985.
Năm 1996, hãng xe này đã đạt một dấu mốc quan trọng khi sản xuất được chiếc xe thứ 1 triệu. Proton thống trị thị trường Malaysia vào đầu thập niên 1990, chiếm tới 74% thị phần vào năm 1993.
Tuy nhiên, chính sách hạ thuế nhập khẩu xe hơi của những người kế nhiệm ông Mahathir sau đó đã khiến doanh số của Proton sụt giảm. Con số này bắt đầu giảm dần, vào năm 2001 là 53% và vào năm 2016 là 14%.
Ánh hào quang của Proton ngày càng mờ nhạt trước sự cạnh tranh của xe nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, dự án xe hơi quốc gia thứ hai là Perodua thành lập vào đầu thập niên 1990 với mục tiêu kiểm soát thị trường xe hơi hạng nhỏ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, thị trường nhắm tới của hãng này sau đó chồng lấn lên phần của "anh lớn" Proton.
Từng là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, Proton những năm qua cũng nhận vô số lời phàn nàn về chất lượng.
Nhằm giải cứu thương hiệu này, nhiều kế hoạch được đưa ra như thành lập quan hệ đối tác lâu dài giữa Proton với một nhà sản xuất xe nước ngoài, nhưng các cuộc thảo luận với những đối tác tiềm năng như Volkswagen, Suzuki và Renault đều thất bại.
Và thế là Tập đoàn Cát Lợi của Trung Quốc vào cuộc, gây ra cơn địa chấn và nhận vô số chỉ trích từ những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ.
Kế hoạch tham vọng
Giờ đây, bác Tun của Malaysia đang nỗ lực làm sống dậy tầm nhìn của ông về một thương hiệu xe hơi quốc gia thứ 3 chỉ 1 tháng sau một lần nữa ngồi vào chiếc ghế thủ tướng hồi tháng 5-2018, dù hứng một số chỉ trích cho rằng dự án mới sẽ đi vào vết xe đổ của Proton.
Tuy nhiên, trong nỗ lực lần thứ 3 này, Malaysia không tập trung vào thị trường nội địa, mà nhắm tới các thị trường bên ngoài Malaysia.
Cùng với đó, mục tiêu của dự án là ứng dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo chiếc xe hơi thứ ba mang thương hiệu quốc gia hoàn toàn được phát triển ở Malaysia.
Hồi giữa tháng 8, Thủ tướng Mahathir nhấn mạnh ngành công nghiệp ôtô của nước này cần chuyển từ các động cơ xăng/dầu sang các động cơ điện và hybrid (xe lai sử dụng hai hay nhiều nguồn động lực). Ông cho biết đây sẽ là bước tiến cần thiết cho dự án xe hơi quốc gia thứ 3 của Malaysia.
"Nếu các anh muốn có một chiếc ôtô quốc gia thứ 3 thì cần phải có sự lai hóa. Ngành công nghiệp xe hơi không tĩnh tại như ngành công nghiệp hàng không. Mọi thứ đều thay đổi và tiến triển. Nếu các anh không bắt kịp, các anh xe bị bỏ lại" - ông Mahathir nhận định.
Theo số liệu của Hiệp hội Ôtô Malaysia (MAA), năm 2018 Malaysia đã xuất khẩu số ôtô trị giá 2 tỉ ringgit (473 triệu USD) cùng số phụ tùng, linh kiện ôtô lên tới 12 tỉ ringgit (2,8 tỉ USD). Có tới 598.714 đơn vị xe được bán đi, tăng 3,8% so với năm trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận