Bác tổ trưởng Hứa Văn Tráng (trái) phân chia rau củ thành phố hỗ trợ để chuyển đến bà con trong ngày giãn cách - Ảnh: MỸ LỆ
Ngồi hóng mát ngay cửa ngôi nhà trong kiệt 245 Nguyễn Công Hoan khi Đà Nẵng giãn cách chống dịch, ông Trần Đức Minh (52 tuổi) trầm tư khi có người lạ hỏi về bác tổ trưởng Hứa Văn Tráng.
10 năm làm tổ trưởng
Tin bác tổ trưởng té xe chấn thương sọ não khi đi chở rau củ cho dân xao động cả khu phố trong kiệt yên ắng này suốt mấy hôm nay. Thành phố giãn cách, nhà cách ly với nhà, nhưng lòng dân trong xóm không vì vậy mà cách xa. Họ áp sát hàng rào, nói vọng qua cửa sắt hỏi nhau tình trạng tai nạn của bác tổ trưởng.
Mọi người ra chiều lo lắng, thở dài khi hay tin nhiều ngày sau ca mổ mà bệnh tình bác tổ trưởng thân thương của họ còn rất nặng.
"Mới hôm trước ổng ghé nhà gửi bà vợ tui bịch rau củ to đùng rồi nói cười rổn rảng chạy xe đi phát quanh những nhà khác trong xóm, vậy mà đùng cái nghe ổng tai nạn nặng, bà con rất bất ngờ!" - ông Minh nói.
10 năm làm tổ trưởng, hình bóng ông Tráng gầy gò trong bộ đồ tây sờn cũ màu cháo lòng in đậm trong tâm trí bà con kiệt này.
Những hôm thành phố cách ly, ông tổ trưởng như đôi chân không biết mệt mỏi của mấy chục hộ dân trong tổ. Đi chợ thay, phát thực phẩm cho bà con, lập danh sách hộ khó khăn nhận quà, mua sữa cho trẻ nhỏ, mua thuốc cho người ốm đều qua tay tổ trưởng.
Nhà thiếu gạo ăn, hết chai nước mắm cũng nhờ tổ trưởng. Chuông điện thoại ông reo inh ỏi suốt cả ngày.
Tổ trưởng Tráng chở xe rau củ thành phố hỗ trợ đi trao cho người dân trước lúc gặp nạn - Ảnh: MỸ LỆ
Tổ trưởng Tráng - cũng như hàng ngàn tổ trưởng khác trong mùa dịch khốc liệt này - đã phải thức khuya, dậy sớm, làm việc đến quên ăn quên ngủ để giải quyết núi nhu cầu muôn hình vạn trạng của hàng triệu cư dân thành phố những ngày đóng cửa chống dịch.
Họ là cánh tay nối dài đóng góp quan trọng nhất cho sự thành công của chiến lược cách ly, truy vết dịch bệnh, nhưng cũng là người được đãi ngộ thấp nhất trong các lực lượng tuyến đầu.
Như nhớ ra chuyện gì, ông Minh nói tiếp: "Hồi cuối năm ngoái, tổ dân phố bầu lại tổ trưởng. Ông Tráng bảo đã làm ngót nghét chục năm rồi, nay lớn tuổi sức khỏe không ổn nên có ý xin nghỉ mà đâu có được.
Làm tổ trưởng vất vả, dân kêu đâu chạy đó, việc gì cũng đến tay tổ trưởng trong khi phụ cấp không đáng mấy đồng nên không ai nhận, vậy là ổng phải làm tiếp tới nay. Nếu không phải người có tinh thần vì cộng đồng, có cái tâm phục vụ người dân thì chẳng ai đi ôm cái chức tổ trưởng hơn 10 năm nay cả!".
Ông Minh trầm ngâm, bảo lẽ ra mấy hôm nay bà con trong xóm đã rủ nhau đi đến nhà thăm hỏi, động viên vợ con bác tổ trưởng. Nhưng kẹt nỗi dịch bệnh, nhà cách ly với nhà, bà con góp nhau được vài trăm ngàn đồng nhờ cán bộ tổ dân phố qua nhà chuyển giúp, coi như là thay lời thăm hỏi của xóm giềng.
Làm việc có ích cho cộng đồng
Nhà tổ trưởng Tráng còn mới dấu sơn nằm hun hút trong kiệt nhỏ, là thành quả hơn nửa đời bươn chải của hai vợ chồng nơi đất khách.
Từ miền núi Đại Lộc, Quảng Nam, ông cưới bà Ngô Thị Kim Huệ rồi dắt díu nhau về tổ 49 này thuê mảnh đất nhỏ dựng lò bún mưu sinh hơn ba chục năm qua.
Bấm từng đốt tay nổi đầy u cục từ những ngày gian khó, bà Huệ nhớ lại: "Khi đó dựng lò bún thủ công, mọi công đoạn đều làm bằng sức người vô cùng cực nhọc. Hôm nào hai vợ chồng cũng thức khuya dậy sớm, cố gắng lắm mới có vài chục cân bún để chở xe đạp đi bán dạo mỗi sáng.
Lò bún nhỏ không lo nổi cái ăn ba đứa con đang tuổi lớn, đến buổi chiều ổng tranh thủ xay đậu nành cho tôi làm sữa đậu đi bán dạo trong xóm kiếm thêm ít đồng chạy chợ.
Cuối năm ngoái, vợ chồng bàn nhau gom hết tiền tiết kiệm, vay mượn thêm bà con cất được căn nhà. Ai ngờ mới ở được mấy tháng, nhà chưa hết mùi sơn thì ổng có chuyện!". Bà Huệ quay đi, giấu dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt đen sạm tháng năm cần lao.
Biết chồng sức khỏe không tốt, lại sớm hôm vất vả với lò bún, không ít lần bà Huệ khuyên nghỉ làm tổ trưởng dân phố nhưng lần nào ông Tráng cũng gạt phăng. Không chỉ là trách nhiệm, công việc tổ trưởng dân phố mang lại cho ông niềm vui sống và cảm giác làm người có ích cho cộng đồng.
"Ông thích làm việc của tổ, ai gọi cũng đi, lúc nào dân cần là có mặt. Làm chung với tổ trưởng Tráng 4 năm qua, nhiều lúc tôi thấy mình theo ông không kịp dù rằng còn trẻ khỏe. Mấy hôm đi chống dịch 5 giờ sáng ổng đã ra khỏi nhà, hôm nào trở về cũng quá 10 giờ đêm.
Đi mua đồ cho bà con, phát rau củ cứu trợ, rồi đi trực chốt suốt ngày, điện thoại réo liên tục. Vậy mà lúc nào ổng cũng cười nói vui vẻ nhiệt thành với bà con, không nề hà than thở gì cả!" - chị Phan Tố Nga (38 tuổi), tổ phó tổ 49, chia sẻ.
Năng động, nhiệt tình giúp dân
Bà Lê Thị Ngọc Thủy, chủ tịch UBND phường Hòa An, cho biết ngay sau tai nạn, chính quyền TP Đà Nẵng, quận Cẩm Lệ và phường Hòa An đã thăm hỏi, hỗ trợ bước đầu cho gia đình tổ trưởng Tráng.
Ngoài ra, các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp khi biết tin cũng đã trao nhiều phần quà hỗ trợ gia đình. Đến nay, bà Ngô Thị Kim Huệ, vợ tổ trưởng Tráng, đã xin không tiếp nhận thêm hỗ trợ và liên hệ với phường để trao tiền thực hiện công tác từ thiện.
Bà Thủy đánh giá 10 năm làm tổ trưởng, ông Hứa Văn Tráng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, năng động, nhiệt tình giúp đỡ người dân trong tổ dân phố.
Tổ trưởng Hứa Văn Tráng được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: N.PHƯƠNG
Tổ trưởng Tráng đã hồi tỉnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Lê Đức Nhân, giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho hay sau nhiều ngày mê man, đến nay bệnh nhân Hứa Văn Tráng đã hồi tỉnh trở lại và rời khỏi phòng hồi sức tích cực. Dù hiện tại tình trạng của bệnh nhân vẫn khá nặng nhưng đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch, có thể nhận biết xung quanh.
Theo bác sĩ Nhân, đây là một ca bệnh đặc biệt, được sự quan tâm rất lớn từ người dân và chính quyền thành phố. Do đó, bệnh viện đã tập trung hết sức để cứu chữa cho bệnh nhân, đến nay đánh giá việc điều trị đã thành công.
Về kinh phí điều trị, Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland đã liên hệ để cùng bệnh viện tài trợ kinh phí chữa trị cho bệnh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận