Chiều 29-4, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) phát thông cáo báo chí bác bỏ tin đồn trên mạng xã hội về việc nhà máy của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) phát thải chất độc dioxin/furan.
Theo Bộ TN-MT, từ ngày 24-4 trên mạng xã hội facebook xuất hiện tin đồn cho rằng khí thải từ lò luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh có chứa chất độc dioxin/furan. Tin đồn này nhanh chóng được lan truyền trên mạng, thu hút nhiều người dùng facebook quan tâm chia sẻ và bình luận.
Bộ TN-MT cho biết đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia môi trường và luyện thép để trao đổi, thảo luận trên cơ sở khoa học và thực tiễn về khả năng phát thải dioxin của ngành công nghiệp gang thép nói chung và của Formosa Hà Tĩnh.
Bộ TN-MT cũng đã tham khảo hướng dẫn Môi trường - Sức khỏe - An toàn ngành sản xuất tổng hợp của chương trình tư vấn IFC tại Đông Nam Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới.
Theo Bộ TN-MT, ngành sản xuất thép trên thế giới có ba công nghệ chính gồm chu trình kín, chu trình hở cà chu trình luyện kim phi coke (cốc). Trong đó, Formosa Hà Tĩnh đang áp dụng công nghệ chu trình kín với nguyên liệu chính là quặng sắt/quặng thiêu kết, than cốc cùng một số chất trợ dung như đá vôi, huỳnh thạch.
Thiết bị công nghệ mà Formosa đang sử dụng là lò chuyển thổi oxy (BOF), vốn đang được sử dụng để sản xuất 74,2% trong tổng số 1,6 tỉ tấn thép của toàn thế giới năm 2015. Ở Việt Nam tỉ lệ lò BOF chiếm 25%, lò hồ quang điện (EAF) chiếm 59,9%, còn lại là lò cảm ứng.
Bộ TN-MT cho biết theo thống kê của châu Âu, do công nghệ lò BOF sử dụng phần lớn nguyên liệu là gang lỏng (khoảng 90%) nên dioxin/furan phát thải rất thấp, chỉ khoảng 0.001-0,11µg I-TEQ/tấn thép lỏng.
“Như vậy, lượng phát thải dioxin/furan tại lò BOF là rất thấp và không phát sinh từ công đoạn luyện cốc của tổ hợp gang thép” - Bộ TN-MT kết luận.
Theo Bộ TN-MT, Formosa Hà Tĩnh sử dụng công nghệ chu trình kín nên các công đoạn luyện cốc, cán thép và các hạng mục công trình phụ trợ khác không phát thải dioxin/furan. Với công đoạn thiêu kết quặng sắt, Formosa Hà Tĩnh đã lắp đặt và đang vận hành thử nghiệm là công nghệ mới, tiên tiến và dưới sự kiểm tra, giám sát của Sở TN-MT Hà Tĩnh.
Kết quả đo đạc và phân tích mẫu khí thải ống khói ở xưởng thiêu kết của Formosa Hà Tĩnh trong hai ngày 17 và 18-2 (đo 3 lần) do Viện công nghệ môi trường thuộc Viện hàn lâm KHCN Việt Nam thực hiện cho thấy nồng độ tổng dioxin/furan là 0,361-0.388 TEQ ng/Nm3, nhỏ hơn nhiều so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép (QCVN 51:2013/BTNMT cho phép mức tổng Dioxin/Furan tính theo TEQ nhỏ hơn 0,6ng/Nm3).
“Hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học để khẳng định tin đồn trên các trang mạng xã hội là không chính xác. Trong quá trình luyện thép Formosa Hà Tĩnh có thể phát sinh ngoài chủ ý một lượng không đáng kể Dioxin/Furan từ công đoạn thiêu kết quặng sắt, tuy nhiên hoàn toàn có thể kiểm soát được quá trình này” - Bộ TN-MT kết luận.
Bộ TN-MT cho biết đã và đang phối hợp với Viện Công nghệ môi trường, Trung tâm Quan trắc môi trường, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), tổ giám sát của Bộ TN-MT và tỉnh Hà Tĩnh, cùng một số cơ quan khoa học và tổ chức quốc tế giám sát chặt chẽ, đo đạc và phân tích khí thải hàng ngày tại Formosa, trong đó bao gồm cả dioxin/furan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận