06/06/2020 06:13 GMT+7

Bác tài Hà Nội lẫn Sài Gòn ngậm ngùi đợi khách

MẠNH DŨNG - VŨ TUẤN
MẠNH DŨNG - VŨ TUẤN

TTO - Những ngày bánh xe nằm bẹp gí vì giãn cách xã hội đã qua, nhưng các tài xế ôtô dịch vụ, công nghệ, taxi vẫn than vãn ế ẩm, nợ nần...

Bác tài Hà Nội lẫn Sài Gòn ngậm ngùi đợi khách - Ảnh 1.

Người dân cắt giảm chi tiêu khiến nhiều tài xế ế ẩm, nợ nần - Ảnh: MẠNH DŨNG

Tài xế Vũ Văn Ảnh, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội tự rửa xe rồi đánh vào bãi. Những ngày Hà Nội cấm taxi, cứ 2 ngày một lần anh khởi động máy, lái xe ra gần cổng công viên Cầu Giấy, mở cửa cho thoáng.

Khi dịch bệnh lắng dịu, các hoạt động xã hội được trở lại, anh rất mừng nhưng đến nay khách đi xe vẫn lèo tèo, ít hơn hẳn hồi chưa có dịch.

Tôi chỉ cố cầm cự được khoảng 2-3 tháng nữa, nếu tình hình ế ẩm này không khá hơn thì chắc phải bán xe chịu lỗ để dứt nợ ngân hàng.

TRẦN VĂN LINH

Những ngày thưa tiếng "đàm"

Anh Vũ Văn Ảnh mua chiếc xe bằng số tiền tích cóp được trong nhiều năm chạy taxi. Anh cho biết nếu xe của mình "cổ phần" với công ty, mỗi tháng anh chỉ phải mất hơn 1,8 triệu tiền "đàm". Còn xe công ty, mỗi tháng anh phải nộp về 8 triệu coi như tiền thuê xe.

Khi chưa có dịch COVID-19, mỗi ngày Ảnh bỏ túi khoảng 800.000 đồng. Gặp hôm trời mưa hoặc có "cuốc" hời, anh kiếm được triệu rưỡi. Nhiều khi anh phải tắt "đàm" trên xe vì nghe nhiều, sốt ruột và cần có chút thời gian nghỉ lấy lại sức "cày cuốc".

Dịch xảy ra, nằm nhà đành phải chịu, nhưng đến giờ xe của anh vẫn chẳng có mấy cơ hội được lăn bánh "kiếm tiền" cho chủ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Xuân thâm niên 13 năm lái xe ngán ngẩm nhìn đồng hồ rồi nổ máy ra về. Nhà anh Xuân ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cách trung tâm TP gần 40 cây số.

Ngày nào cũng vậy, anh lái xe từ 5h30 ra kiếm "cuốc" gần khu đô thị An Khánh (huyện Hoài Đức) rồi vòng vèo đón khách ở các con phố nội thành Hà Nội. Hết giãn cách xã hội cả tháng rồi nhưng cánh tài vẫn ế ẩm.

Anh Xuân cho hay ngày trước chủ yếu anh chở khách quen, đi đường dài. Hai năm trước, anh bán chiếc xe cũ, vay thêm ngân hàng để "lên đời" xe mới, chạy công nghệ. Mỗi tháng anh phải trả ngân hàng cả gốc, lãi hơn 7 triệu đồng.

Ngày chưa có dịch còn làm ăn được, đến giờ cả ngày chưa kiếm đủ 600.000, trừ chi phí, anh chỉ còn 200.000 đồng.

"Nếu 1 tháng làm được 9 triệu thì coi như tôi lỗ vì chỉ đủ tiền ăn, tiền xăng, mà chưa tính các loại phí và khấu hao xe. Vừa rồi bí quá, tôi định bán xe, bỏ nghề nhưng xe bị ép giá, lỗ quá. Mà bỏ nghề thì lấy gì trả ngân hàng" - anh Xuân chia sẻ.

Ở TP.HCM, nhiều tài xế chạy ôtô dịch vụ vẫn còn kỷ niệm đẹp về một mùa tết "cày cuốc đến căng cả túi tiền". Những ngày xảy ra dịch, rồi giãn cách xã hội, họ đành chấp nhận gần như tê liệt và chỉ mong ngày mai trời lại sáng.

"Hôm lệnh giãn cách xã hội được xả, chắc hiếm ai vui như dân lái xe tụi tôi. Anh em đã nghèo rách xơ mướp suốt mấy tháng cũng cố góp chút tiền mua đầu heo cúng ăn mừng" - tài xế Trần Văn Linh, 39 tuổi, chạy xe dịch vụ ở quận Tân Bình, tâm sự.

Bác tài Hà Nội lẫn Sài Gòn ngậm ngùi đợi khách - Ảnh 3.

Lái xe Vũ Văn Ảnh ngủ trên xe trong khi đợi khách - Ảnh: VŨ TUẤN

Háo hức và lại... ế dài

Linh kể sau đó cảm giác háo hức "ráng cày bù lại những ngày đói" của mình và đồng nghiệp nhanh chóng xì hơi. Khách thưa vắng kỳ lạ! Năm trước, anh hay có các hợp đồng đường dài đi chùa ở Bình Dương, thậm chí các chùa xa ở Tây Ninh, An Giang, Bình Thuận nhưng tự dưng bây giờ khách mối đều "off" hết.

"Mùa viếng chùa trúng ngay những ngày dịch, giãn cách xã hội, một số người quen biết nói thôi để chờ qua dịch mới đi. Giờ hoạt động trở lại bình thường, tui gọi mời thì họ lại lắc đầu" - anh Linh than thở.

Tuy nhiên, không phải chỉ ế ẩm những chuyến xe đường dài mà các chuyến ngắn loanh quanh TP "kiếm tiền lẻ để dành trả nợ" cũng vắng khách hơn hẳn bình thường.

Anh Nguyễn Hoàng Sơn, tài xế xe công nghệ với chiếc Isuzu 7 chỗ ở quận Bình Tân, than đến đầu tháng 6 này lượng khách của anh chỉ mới đạt được khoảng 50% so với cùng thời điểm năm ngoái, thậm chí nhiều ngày còn thấp hơn hẳn.

"Năm ngoái, mỗi ngày tui kiếm 700.000 - 800.000, thậm chí hơn 1 triệu đồng không khó. Dạo này đợi khách dài cả người ra vẫn không thấy đâu".

Điều dễ cảm nhận nhất là chiếc điện thoại của anh năm ngoái tít tít liên tục, giờ im lìm như ngủ mê. Lúc chúng tôi trò chuyện đã 9h sáng, Sơn vẫn chưa chạy được cuốc nào.

Những người chạy xe cho công ty hay đã hoàn tất việc thanh toán mua xe riêng còn đỡ, nhiều người đang trả góp ngân hàng khóc dở với mùa vắng khách này. Anh Linh chính là một trong những "con nợ" đau khổ đó.

Thấy bạn bè mua xe làm ăn được, anh cũng nghỉ việc công ty rồi lấy hết tiền dành dụm gần 400 triệu đồng để trả trước cho hợp đồng mua trả góp chiếc xe 7 chỗ hơn 900 triệu đồng.

Ban đầu, anh chỉ định mua chiếc xe 4 chỗ loại phổ thông với giá dưới 600 triệu, nhưng bạn bè chạy xe khuyên ráng "lên chiếc 7 chỗ để dễ có khách đi tỉnh xa".

Mỗi tháng trả góp ngân hàng 14 triệu đồng, Linh phải "cày sấp mặt" mới đủ. "Nhưng từ ra tết đến giờ, tui có muốn sấp mặt cũng không tìm ra nổi khách mà chạy".

Linh kể thêm đến thời điểm đã qua lâu giãn cách xã hội này, anh vẫn không chạy đủ tiền góp ngân hàng. Trong khi đó, anh còn phải chia đôi chi phí trang trải gia đình với người vợ đang làm công nhân.

Tuy nhiên, Linh tâm sự anh vẫn may mắn là còn cố xoay xở giữ được xe. Một số bạn bè mua xe trả góp để chạy kiếm tiền như anh đang trong hồi bấn loạn, phải bán tháo "cần câu cơm" để cắt nợ ngân hàng.

"Tính ra họ lỗ nặng. Nhưng nếu không bán xe kịp thì càng sa lầy nợ nần và càng chết nặng hơn" - Linh thở dài.

"Mùa mưa Sài Gòn đang đến, chúng tôi hi vọng nhu cầu đi lại an toàn bằng xe hơi sẽ cải thiện được tình hình vắng khách này" - Linh tâm sự.

Trong khi đó, những tài xế ở Hà Nội cũng đang trông những ngày hè nóng đổ lửa sẽ khiến người dân chọn đi lại bằng ôtô nhiều hơn, nếu không tình hình sẽ rất căng với những người cầm lái kiếm cơm...

295.000 đồng

Đó là số tiền sau chi phí Linh kiếm được trong suốt 16 giờ cầm lái ngày 5-6 và không đủ trả nợ

Do tiết kiệm chi tiêu

xe e 1 2(read-only)

Xe của tài xế Hoàng Sơn thường xuyên đứng bánh vì ít khách - Ảnh: MẠNH DŨNG

Lý giải nguyên nhân, chính cánh tài xế cũng tự có câu trả lời cho tình hình ế ẩm này. Dịch đã qua giai đoạn phức tạp nhưng nhiều người dân vẫn cảnh giác. Nếu không thật sự cần thiết, chẳng ai muốn túm tụm trên xe làm gì.

Ngoài ra, tình hình làm ăn khó khăn cũng là nguyên nhân khiến người dân chắt bóp chi tiêu và việc di chuyển bằng ôtô là việc cần phải tiết kiệm.

Hà Nội công bố 11 tuyến phố cấm taxi và xe tải hoạt động giờ cao điểm Hà Nội công bố 11 tuyến phố cấm taxi và xe tải hoạt động giờ cao điểm

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa công bố danh sách 11 tuyến phố cấm xe taxi trên địa bàn theo các khung thời gian tương ứng.

MẠNH DŨNG - VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp