05/08/2016 13:18 GMT+7

Bác sĩ xin nghỉ do thu nhập tại bệnh viện thấp

CHÍ QUỐC - NGUYỄN HÙNG
CHÍ QUỐC - NGUYỄN HÙNG

TTO - Nhiều bệnh viện công ở tỉnh Cà Mau và Cần Thơ hiện đang bị “chảy máu chất xám” do hàng loạt bác sĩ xin nghỉ việc để tìm đến bệnh viện tư. Vì sao có thực trạng này?

Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ đang có tình trạng nhiều bác sĩ xin nghỉ việc. Trong ảnh: các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ đang phẫu thuật bụng cho bệnh nhân - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ đang có tình trạng nhiều bác sĩ xin nghỉ việc. Trong ảnh: các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ đang phẫu thuật bụng cho bệnh nhân - Ảnh: CHÍ QUỐC

 

Trong năm 2016, Bệnh viện đa khoa khu vực Cái Nước (Cà Mau) “rung rinh” khi cùng lúc ba trưởng khoa (khám bệnh, ngoại chấn thương chỉnh hình và ngoại tổng quát) nộp đơn xin nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình.

Khó giữ chân bác sĩ

Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Đức Văn - giám đốc bệnh viện - không hẳn như vậy. “Qua trao đổi tâm tình, các bác sĩ xin nghỉ nói do thu nhập tại bệnh viện thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu”, bác sĩ Văn cho biết.

Tình trạng xin nghỉ việc cũng diễn ra tại Bệnh viện đa khoa TP Cà Mau. Bác sĩ Trần Thị Bạch Như - giám đốc Bệnh viện đa khoa TP Cà Mau - than: “Từ giữa năm 2015 đến nay, bệnh viện có ba ba sĩ sau khi đưa đi đào tạo xong chuyên khoa 1 thì xin nghỉ việc, trong đó có một quản lý khoa. Sau khi nghỉ việc họ qua làm ở cơ sở y tế tư”.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, tình trạng bác sĩ nghỉ việc cũng diễn ra nhiêm trọng. Một lãnh đạo bệnh viện cho biết trong năm 2015 có trên 10 bác sĩ xin nghỉ và tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2016.

“Các bác sĩ nghỉ việc phần lớn có tay nghề cao. Khi xin nghỉ, mình không cho họ cũng tự ý bỏ việc. Với bác sĩ có tay nghề thì bệnh viện tư nhân săn đón và đáp ứng được nhu cầu lương bổng. Còn bệnh viện công lương thấp, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, vì vậy muốn giữ chân bác sĩ giỏi cũng khó”, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau nói.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Lệ Phi - giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho biết đã yêu cầu Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ báo cáo việc đến tháng 7-2016 bệnh viện này có tổng cộng 14 bác sĩ xin nghỉ việc. Trong đó, ba trường hợp đã nghỉ do “hoàn cảnh gia đình”, năm trường hợp được vận động nên rút xin nghỉ. Sáu trường hợp còn lại đang xem xét giải quyết (trong đó có hai trường hợp xin chuyển theo vợ về TP.HCM).

Không chỉ riêng Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cũng có nhiều bác sĩ xin nghỉ việc. Ông Nguyễn Minh Nghiêm - trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết bệnh viện có 330 bác sĩ. Từ đầu năm tới nay, có 5 bác sĩ xin nghỉ việc, bù lại vừa nhận mới 4 bác sĩ.

Theo ông Nghiêm, đối với cơ sở kỹ thuật thì việc giữ chân, thu hút các bác sĩ là một bài toán khó.

Nâng chất lượng bệnh viện, cải thiện thu nhập

Theo bà Lệ Phi, mỗi năm có vài bác sĩ xin chuyển công tác từ đơn vị này sang đơn vị khác là chuyện bình thường trong ngành y. Sở Y tế Cần Thơ đã cải tiến quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin bằng cả vốn ngân sách và vốn xã hội hóa để giảm bớt công việc thủ công cho bác sĩ, rút ngắn thời gian chờ của người bệnh.

Còn giải pháp để nâng cao thu nhập cho bác sĩ, bà Phi chia sẻ: “Tôi đã kiến nghị nâng lương khởi điểm cho bác sĩ được đào tạo 6 năm hiện đang bằng với bác sĩ được đào tạo 4 năm. Ngoài ra, cũng cần có chế độ phụ cấp thâm niên cho ngành y tế như ngành giáo dục”.

Ông Huỳnh Quốc Việt - giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau - cho biết bác sĩ được đưa đi đào tạo nâng cao tay nghề khi về phải phục vụ một thời gian nhất định. Hết thời gian bắt buộc, bác sĩ xin nghỉ việc là quyền cá nhân, không cản được.

“Hiện chính sách giữa công và tư có sự khác nhau: bệnh viện tư thì giá dịch vụ y tế sòng phẳng, còn bệnh viện công thì giá còn bao cấp nên anh em công tác tại bệnh viện công không được tăng thu nhập như bệnh viện tư. Theo tôi, khi đời sống bác sĩ được bảo đảm, anh em sẽ không bỏ bệnh viện công sang các bệnh viên tư”, ông nói.

Cũng theo ông Việt, những gì tư nhân làm được thì để cho họ làm. Những gì tư nhân không làm như bệnh viện ung thư, tâm thần… thì Nhà nước đầu tư. Xu hướng tới đây bệnh viện cũng cổ phần hóa, cán bộ, nhân viên từ biên chế cũng chuyển sang hợp đồng giống như tư nhân.

 

 

CHÍ QUỐC - NGUYỄN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp