Sáng 22-6, hàng trăm giáo sư bác sĩ có mặt tại hội nghị khoa học thường niên chấn thương chỉnh hình đã dành một phút tưởng nhớ người bác sĩ tài hoa, đức độ khi ông được Hội Chấn thương chỉnh hình TP.HCM bình chọn, tôn vinh là “Nhân vật chấn thương chỉnh hình” năm 2013.
Tại lễ tôn vinh, bác sĩ Trần Thanh Mỹ - giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP - kể từ nhỏ bác sĩ Châu đã mơ có một ngày trở thành bác sĩ phẫu thuật để chữa lành các vết thương cho người bệnh. Ông đã trở thành phẫu thuật viên ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Y khoa Sài Gòn năm 1972 và nổi tiếng cần cù, chăm chỉ khi đang học bác sĩ nội trú. Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, ông là bác sĩ, trưởng khoa ngoại Trung tâm Y tế Tân Bình (nay là Bệnh viện Tân Bình).
Cách đây hơn 30 năm, vi phẫu thuật là khái niệm chỉ có trong sách vở, chưa có thầy đào tạo, hướng dẫn nên ông tìm cách tự mày mò học hỏi, chế tạo dụng cụ y tế. Ông ra chợ đồ cũ tìm mua ống nhòm, kính hiển vi cũ rồi tự chế tạo kính phẫu thuật, tự xoay xở làm labo thực nghiệm. Ông lại tự nghiên cứu để chế tạo các sợi chỉ nhỏ như tơ nhện bằng cách ngâm và tách rời các sợi nhỏ của loại chỉ may thường. Có kính phẫu thuật, có chỉ may nhưng để gắn được sợi chỉ nhỏ xíu vào kim là điều vô cùng khó khăn.
Để có được cây kim phù hợp, đêm đêm ông cặm cụi ngồi gọt, giũa, mài nhỏ các kim, tách đôi đít kim rồi luồn chỉ vào kim dưới kính lúp, kính hiển vi. Cuối cùng, ông đã có đủ “đồ nghề” để phẫu thuật khâu nối thành công các ngón tay đứt rời cho bệnh nhân ở một bệnh viện tuyến huyện đầu những năm 1980, trong khi các cơ sở y tế lớn của cả nước hầu hết còn chưa làm được.
Năm 1984, ông đã áp dụng vi phẫu thuật trong việc khâu nối chi đứt lìa và chuyển ghép vạt da trong các phẫu thuật tái tạo và phục hồi chức năng. Năm 1985, ông nghiên cứu thành công và chế tạo ra kim, chỉ khâu vi phẫu và thiết kế các dụng cụ vi phẫu cũng như phổ biến các kiến thức về vi phẫu, cách bảo quản chi bị đứt lìa qua các phương tiện truyền thông đại chúng...
Một trong những học trò của ông, TS.BS Nguyễn Đình Phú - phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 - kể từ khi nghỉ hưu (năm 2008), bác sĩ Châu đã hết lòng đào tạo các bác sĩ và giúp phát triển khoa chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện 115. Nhờ ông, bệnh viện đã có đội ngũ bác sĩ vi phẫu giỏi nghề. Kết quả thành công cao nhất là các bác sĩ trẻ đã nối được những chi bị đứt lìa cho người bệnh, phẫu thuật thành công nhiều ca bị liệt tùng thần kinh cánh tay.
PGS.TS.BS Lê Chí Dũng - nguyên chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - kể sức làm việc của bác sĩ Châu gần như là vô hạn. Ông ngồi lì phẫu thuật cả ngày trong phòng mổ, miệng ngậm viên kẹo đường để phòng ngừa hạ đường huyết... Khi không mổ, ông lại miệt mài trên bục giảng, trong phòng phẫu tích, thực nghiệm để hướng dẫn cho các học viên đến từ mọi miền đất nước. Dấu chân ông in đậm khắp các tỉnh thành miền Trung, miền Nam, có khi qua tận Campuchia để giúp đỡ, đào tạo và chuyển giao công nghệ vi phẫu thuật cho các địa phương.
Bác sĩ Võ Văn Châu sinh năm 1947 tại Tiền Giang. Lúc sinh thời, ông đã tổ chức 11 khóa bồi dưỡng vi phẫu thuật cho các bác sĩ ở nhiều bệnh viện, tổ chức hai khóa bồi dưỡng chăm sóc bệnh nhân vi phẫu - tạo hình cho điều dưỡng, xây dựng đội ngũ phẫu thuật viên và mạng lưới vi phẫu - tạo hình cho các tỉnh thành và TP.HCM, thành lập phân bộ môn vi phẫu - tạo hình và giảng dạy sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM)... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận