Họ có thể là người phụ trách chuyên môn, cũng có thể là người thực hiện các thủ thuật uy hiếp tính mạng người bệnh, "tiếp tay" cho các chủ đầu tư có thể là người nước ngoài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-9, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết vừa chỉ đạo Thanh tra sở hoàn tất hồ sơ, xử lý nghiêm vi phạm xảy ra tại phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Y học Sài Gòn (địa chỉ số 153-155 Nguyễn Văn Cừ, phường 2, quận 5).
"Đây không chỉ là hành vi có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền", mà còn vi phạm cả về pháp luật và đạo đức hành nghề" - ông Thượng nói.
Người bệnh gọi cầu cứu giám đốc Sở Y tế
Người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nói vụ việc này được người nhà bệnh nhân gọi điện trực tiếp cho ông khi vừa tan cuộc họp HĐND TP.HCM ngày 19-9. Giọng người bệnh hớt hải, lo lắng và ngay lập tức Thanh tra Sở Y tế vào cuộc phối hợp với các đơn vị quận 5 đến phòng khám này giải cứu bệnh nhân.
Tại phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Y học Sài Gòn (gọi tắt là phòng khám Y học Sài Gòn), Thanh tra Sở Y tế xác nhận có nạn nhân là chị H.O., 38 tuổi. Không chỉ thế, còn phát hiện thêm hai phụ nữ khác đến khám chấm dứt thai kỳ và đều vừa được phòng khám thực hiện thủ thuật này.
Thời điểm này, Thanh tra Sở Y tế ghi nhận không có bác sĩ phụ sản nào có mặt tại đây, phòng khám cũng không cung cấp được hồ sơ khám chữa bệnh và hóa đơn thu phí người bệnh.
Chị H.O. kể sau khi khám phụ khoa, phòng khám này nói đã phát hiện ra thai nhi và tư vấn chi phí gói phá thai 2 triệu đồng và làm không đau.
"Tuy nhiên quá trình làm thủ thuật phá thai, phòng khám này yêu cầu ký gói 29 triệu đồng mới làm tiếp, nếu không sẽ làm chảy máu nhiều và rất đau. Họ gây áp lực yêu cầu chuyển khoản ngay trên giường bệnh…" - chị H.O. kể.
Tuy vậy, lúc này chị H.O. chỉ còn đủ chuyển khoản được 9 triệu đồng nên bị giữ lại và phòng khám bắt phải trả đủ tiền. Đó là lý do mà chị nhờ người thân cầu cứu cơ quan chức năng.
Sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra
Hiện Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vẫn đang tiếp tục làm việc với người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Y học Sài Gòn là ông Sín Sùi Sắng; người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa trực thuộc công ty này là ông Liêu Thanh Hoàng và phụ trách chuyên khoa phụ sản là bà Đỗ Thị Lâm Oanh.
Theo tìm hiểu, điểm chung là người phụ trách chuyên môn của các phòng khám có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền" này có thời gian làm việc tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài (phòng khám Trung Quốc).
Cụ thể, ông Liêu Thanh Hoàng được Sở Y tế tỉnh An Giang cấp chứng chỉ hành nghề năm 2012. Từ 1-8-2022 đến 1-7-2023, ông này "đầu quân" cho phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH phòng khám đa khoa Văn Kiệt (quận 5).
Dữ liệu trên cổng tra cứu thông tin chứng chỉ hành nghề của ngành y tế chưa cập nhật việc ông Hoàng là người phụ trách chuyên môn kỹ thuật phòng khám Y học Sài Gòn. Còn bà Đỗ Thị Lâm Oanh chưa có dữ liệu.
Thực tế này giống với trường hợp của ông Lê Ngọc Bình - người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám đa khoa Nam Việt (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10). Phòng khám vừa bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề ba tháng vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn.
Theo tìm hiểu, từ năm 2013 đến nay ông Bình làm việc tại ba phòng khám gồm Elizabeth, Hồng Cường, Nam Việt, theo Sở Y tế đánh giá đều có yếu tố nước ngoài (phòng khám Trung Quốc), từng nhiều lần bị xử phạt.
Liên quan đến vụ việc này, Thanh tra Sở Y tế cho biết theo các quy định hiện hành, các hành vi vi phạm của phòng khám Y học Sài Gòn sẽ có mức phạt tiền tối đa 120 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh bốn tháng.
Về trách nhiệm hình sự, điều 315 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. "Ngoài xử phạt trong phạm vi chuyên môn, đơn vị sẽ củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý" - giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định.
Có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết hành vi của phòng khám Y học Sài Gòn có đầy đủ dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản (điều 170, Bộ luật Hình sự).
"Đây rõ ràng là hành vi lợi dụng tình trạng lệ thuộc, không thể kháng cự của người bệnh, uy hiếp tinh thần buộc họ phải đưa thêm tiền trái ý muốn, trái thỏa thuận ban đầu. Hành vi của phòng khám đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản" - luật sư Đức nói.
Đặc biệt, theo ông Đức, hành vi này của phòng khám còn thỏa mãn các tình tiết tăng nặng như phạm tội với phụ nữ có thai, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp. Và ông đề nghị cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý hình sự để răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận