21/12/2021 08:10 GMT+7

Bác sĩ Việt Nam ghép gan thành công cho bệnh nhi 7 tuổi

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Không cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài, êkip ghép gan với gần 80 y bác sĩ ở khu vực phía Nam đã lên "kịch bản", tự tiến hành ghép gan cho một bé gái 7 tuổi.

Bác sĩ Việt Nam ghép gan thành công cho bệnh nhi 7 tuổi - Ảnh 1.

Bé G.H sau 15 ngày được ghép gan

Thành công của ca ghép gan này đã mở ra hy vọng cho hàng trăm cháu bé bị bệnh gan giai đoạn cuối.

Thành công của ca ghép gan thứ 15 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có ý nghĩ rất đặc biệt, vì 14 ca ghép gan trước đây bệnh viện này đều cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài.

Còn bây giờ, êkip ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược để êkip ghép gan của Bệnh viện Đại học Y dược (8 người) lấy khoảng 1/3 lá gan của người cha, sau đó êkip của Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép phần gan này cho con gái là bé H.G.H., 7 tuổi, ngụ ở huyện Nhà Bè (TP.HCM).

"Dàn nhạc giao hưởng đặc biệt"

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ sau buổi cung cấp thông tin về ca ghép gan, GS Trần Đông A, cố vấn ca ghép gan này, cho rằng do dịch bệnh COVID-19 nên các chuyên gia Bỉ đã không sang hỗ trợ được. Vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã họp bàn và quyết định sẽ tự ghép gan cho bệnh nhi.

Sở dĩ đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 tự tin, chủ động tự thực hiện ca ghép gan này là do một số bác sĩ của bệnh viện đã được sang Bỉ học về ghép gan.

Nhiều y bác sĩ của bệnh viện đã được tham gia mổ cùng với các chuyên gia người Bỉ trong 14 ca ghép gan trước đó nên đã nắm khá vững về kỹ thuật ghép gan cho trẻ em. Ngoài ra, còn có GS Trần Đông A cùng các đồng nghiệp theo dõi trực tiếp cho ca ghép gan này cũng như 14 ca trước.

Trước khi tiến hành ca ghép gan thứ 15 này, bệnh viện cũng đã tổng kết chi tiết từ 14 ca ghép gan trước. Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng từng có một bài báo về ca ghép gan đầu tiên tại bệnh viện được đăng trên một tạp chí hàng đầu thế giới về ghép gan.

Theo GS Đông A, ghép gan cho trẻ em từ người cho gan còn sống có cái khó. Cụ thể, ca ghép này lấy gan từ cha của bé ghép cho bé mà thất bại là bé sẽ tử vong, chứ không như ghép thận có "sự cố" gì thì có thể còn chạy thận nhân tạo. Do vậy, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thận trọng cho ca ghép gan này.

"Ghép gan từ người cho sống là một dàn nhạc giao hưởng luôn có sự sắp xếp cụ thể, người nào cũng có vai trò quan trọng như nhau. Người "nhạc trưởng" chỉ huy "dàn nhạc giao hưởng này" là TS Trần Thanh Trí, trưởng khoa gan - mật - tụy Bệnh viện Nhi đồng 2" - ông A cho hay.

"Hy vọng sau này Bệnh viện Nhi đồng 2 có thể ghép gan cho trẻ em như bên Bỉ. Mỗi tháng có thể ghép được 2 - 4 ca", ông A nhận định.

Chạm được đỉnh cao phẫu thuật

TS Trần Thanh Trí cho rằng những người vui nhất khi ca ghép gan thành công là người nhà bệnh nhi, sau đó phải kể đến đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 vì đã thực hiện được hoài bão "ghép gan để cứu bệnh nhi".

Bác sĩ Trí kể: "Cách đây 19 năm, GS Trần Đông A đã cử 4 bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2, trong đó có tôi, qua Bỉ một năm để học ghép gan với mục đích sau này bệnh viện có thể tiến hành ghép gan cho trẻ em.

Sau khi đi học về, tôi đã trình bày những gì học được tại Bỉ về ghép gan trong một sinh hoạt kỹ thuật tại bệnh viện. Lúc đó, bác sĩ nào nghe xong cũng "cười" vì không ai nghĩ có ngày có thể ghép gan cho trẻ em vì đây là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng. Ghép gan là đỉnh cao của phẫu thuật".

Là một bác sĩ đi học "kỹ thuật đỉnh cao" này, dù biết rất khó nhưng trong thâm tâm bác sĩ Trí luôn mơ ước một ngày nào đó ông cùng những đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tự ghép gan cho bệnh nhi. Và ca ghép gan thứ 15 này đã biến ước mơ đó trở thành hiện thực.

Là một nhạc trưởng chỉ huy "dàn nhạc" gồm gần 70 y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca ghép gan này, bác sĩ Trí cùng nhiều đồng nghiệp ở nhiều chuyên khoa trong bệnh viện đã phải chuẩn bị cả tháng với nhiều lần hội chẩn.

Bác sĩ Trí đã lên kịch bản thật chi tiết, kỹ lưỡng cho ca ghép gan này. Ca ghép gan đã diễn ra từ 9 giờ sáng ngày 1-12-2021 và kết thúc sau 12 giờ. "Do kịch bản chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên ca ghép thực tế đã diễn ra dễ hơn kịch bản một chút" - bác sĩ Trí chia sẻ.

Sau hơn hai tuần được ghép gan từ lá gan của ba ruột, bệnh nhi H.G.H. hồi phục tốt, đã đi lại được, đã tự ăn uống. Dự kiến bệnh nhi được xuất viện vào cuối tháng 12. Còn ba của bệnh nhi đã xuất viện sau mổ một tuần.

Bác sĩ Việt Nam ghép gan thành công cho bệnh nhi 7 tuổi - Ảnh 2.

Hai cha con trước ngày cho và nhận gan - Ảnh: BVCC

200 trẻ suy gan giai đoạn cuối

Theo GS Đông A, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) hiện có khoảng 200 trẻ em bị suy gan giai đoạn cuối đang chờ được ghép gan. Nếu không được ghép gan, những trẻ em này sẽ tử vong. Đây là điều rất đau lòng cho gia đình bệnh nhi cũng như với đội ngũ y bác sĩ.

Không có gì vui và hạnh phúc hơn!

Bà Nguyễn Thị Lộc, 40 tuổi, mẹ của bé H.G.H., mừng đến rơi nước mắt khi biết con gái bà đã được ghép gan thành công. "Hạnh phúc này thật khó diễn tả, không có gì vui và hạnh phúc hơn!" - bà xúc động.

Khi con gái khoảng 20 ngày tuổi, vẫn đi phân bất thường, bà Lộc đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám thì được chẩn đoán bị teo đường mật đã mổ Kasai lúc 2 tháng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Sau mổ, bé nhập viện nhiều lần vì nhiễm trùng đường mật, gan xơ, lách rất to, gây cường lách.

Những năm sau đó bé khỏe mạnh, hoạt bát, vui vẻ nhưng đến khi bé gần 5 tuổi thì bé mệt, thi thoảng khó tiêu. Đến khi bé vào lớp 1, đi học được một tháng thì bị sốt cao nhập viện. Bé suy dinh dưỡng do chức năng gan xấu, giảm tiểu cầu máu nặng, thường xuyên chảy máu mũi... Bé bị bệnh gan giai đoạn cuối và được chỉ định mổ ghép gan.

Biết ba mình sẽ cho gan để bé ghép, trước lúc ghép bé nói với ba: "Ba ơi! Con ngủ nằm mơ thấy ba lấy tiên đơn (thuốc tiên) trong người ba ra để con hết bệnh".

"Lúc đầu, tôi cũng cho con gan vì ba bé là lao động chính trong nhà. Thế nhưng khi làm xét nghiệm thì tôi không cùng nhóm máu với con, lại thêm bệnh lý nền nên không cho con gan được. Thời điểm cả chồng và con cùng vào phòng mổ, tôi lo lắng cực độ, không ăn được, không ngủ được, tâm trạng hỗn loạn, rất lo lắng", chị Lộc chia sẻ.

Chị Lộc có cửa hàng tạp hóa nhỏ, chồng chị chở hàng giao hàng và hai vợ chồng chị có 3 bé, bé đầu 12 tuổi, đến bé G.H., bé nhỏ 2,5 tuổi khỏe mạnh. Dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng chị vẫn vay 300 triệu đồng để đóng tiền ghép gan cho con.

Chị Lộc kể bé G.H. rất thích đi học. Giờ phải nằm bệnh viện theo dõi sau ghép gan nhưng bé vẫn luôn nói với mẹ: "Mẹ ơi, đăng ký cho con học online với mẹ". Nếu sau này sức khỏe bé tốt, chị Lộc dự tính sẽ cho con đi học trở lại như mong ước của con.

Ca ghép gan thành công tự chủ đầu tiên tại khu vực phía Nam Ca ghép gan thành công tự chủ đầu tiên tại khu vực phía Nam

TTO - Sáng 20-12, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đã tự thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên cho một bệnh nhi 7 tuổi từ lá gan của cha ruột. Đây là lần đầu tiên các y bác sĩ phía Nam hoàn toàn chủ động, tự thực hiện ghép gan mà không cần hỗ trợ.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp