Các nhân viên y tế Quảng Bình hỗ trợ Khăm Muộn lấy mẫu trong cộng đồng - Ảnh: M.TIẾN
Đến thời điểm hiện tại Khăm Muộn đã kiểm soát được dịch bệnh và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ đội ngũ cán bộ bác sĩ tỉnh Quảng Bình.
Ông BUNMI PHIMMẠSỎN
Thời gian trên đất Lào, những y bác sĩ Quảng Bình đã làm được điều kỳ diệu. Số ca nhiễm từ 3 con số mỗi ngày đã được đẩy lùi về trên dưới 10 ca mỗi ngày. Khi rời đất Lào trở về, nhóm y bác sĩ này đã để lại nhiều máy móc, phương tiện hỗ trợ cùng nhiều kinh nghiệm chống dịch.
Hỗ trợ nhanh chóng
Ông Lê Minh Tiến, phó giám đốc CDC Quảng Bình, là người đứng đầu nhóm chuyên môn của đoàn y bác sĩ Quảng Bình trong chuyến chống dịch giúp tỉnh bạn.
Những ngày chống dịch trên đất Lào là thời gian ông Tiến thấm thía nhất sự khốc liệt của cuộc chiến với COVID-19. Nhưng đó cũng là nơi ươm mầm cho những giá trị kỳ diệu mà ông và nhóm y bác sĩ Quảng Bình đã tạo ra.
Ngày nhóm y bác sĩ Quảng Bình đặt chân đến Khăm Muộn, toàn tỉnh này đã có gần 3.000 ca dương tính trên tổng số dân chỉ khoảng 350.000.
Con số ca tăng lên mỗi ngày với hàng loạt ổ dịch mới khiến chính quyền tỉnh này rơi vào tình trạng gần như không kiểm soát nổi.
Xác định từ đầu là sẽ qua hỗ trợ xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng giúp tỉnh bạn nên đoàn mang theo cả 2 hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR, tủ an toàn sinh học cùng rất nhiều sinh phẩm xét nghiệm và thiết bị y tế hiện đại.
"Một phòng xét nghiệm "made in Việt Nam" nhanh chóng được lắp ráp ngay trong bệnh viện tỉnh Khăm Muộn. Chính quyền tỉnh này coi như được "cứu viện" nên dồn gần như toàn bộ số mẫu lấy được về đây xét nghiệm" - ông Tiến nhớ lại.
Sau 3 ngày đầu tiên, những người trong đoàn y bác sĩ Quảng Bình nhận ra sự bất thường - ngày nào tỉ lệ dương tính trong tổng số mẫu xét nghiệm được gửi tới cũng trên 50%. "Đây là tỉ lệ quá cao và không bình thường" - những người trong đoàn đánh giá.
"Và đúng như dự cảm của đoàn. Vì thấy công suất xét nghiệm của phòng xét nghiệm này rất cao nên tỉnh bạn dồn toàn bộ nhân lực lấy mẫu của hai ổ dịch lớn nhất tỉnh là mỏ muối và trại giam gửi về đây. Cách làm này khiến tỉ lệ dương tính cao, và không hiệu quả trong việc ngăn dịch lan rộng trong cộng đồng" - ông Tiến nói.
Đoàn quyết định góp ý với chính quyền tỉnh bạn để thay đổi chiến lược chống dịch sau khi "cân nhắc" kỹ càng. Chính quyền Khăm Muộn đã nghe theo và hai ổ dịch lớn này được "gói" riêng lại ngay sau đó.
Trọng tâm xét nghiệm được chuyển ra ngoài cộng đồng. Tỉ lệ dương tính giảm xuống còn khoảng 5 - 7%.
"Đây có thể coi là bước ngoặt quan trọng nhất. Vừa khoanh vùng ổ dịch lớn, vừa ngăn được các ca dương tính lan rộng trong cộng đồng. Chỉ sau khoảng 10 ngày, con số ca nhiễm mỗi ngày đã giảm từ hơn 100 ca xuống trên dưới 10 ca" - đoàn y bác sĩ Quảng Bình thở phào.
Kề vai cùng vượt khó
Quảng Bình và Khăm Muộn có chung đường biên giới dài hàng chục cây số. Không phải đến giờ hai tỉnh mới kề vai sát cánh cùng nhau mà trước đó rất nhiều lần chính quyền hai tỉnh đã cùng giúp nhau vượt qua khó khăn.
Tại Khăm Muộn hiện cũng đang có nhiều người Việt định cư, làm ăn sinh sống. Nên khi dịch bệnh bùng phát ở tỉnh này, Quảng Bình đã quyết định cử đoàn y bác sĩ cùng mang máy móc, thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm qua Khăm Muộn giúp bạn chống dịch.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, phó giám đốc Sở Ngoại vụ kiêm trưởng đoàn công tác Quảng Bình qua Khăm Muộn, kể thời gian chống dịch ở Khăm Muộn, nhóm y bác sĩ Quảng Bình đều làm việc xuyên đêm. Hôm nào nghỉ sớm nhất là 3h sáng.
"Buổi sáng nhân viên y tế tỉnh bạn sẽ đi lấy mẫu. Khoảng 14h - 19h chiều thì mẫu mới về, sau đó mình mới tổ chức xét nghiệm. Phải xét nghiệm thật nhanh để bạn kịp phát hiện bóc tách F0 nên mình hầu như trắng đêm" - ông Xuân kể.
Có mặt tại Khăm Muộn được vài ngày, nhóm y bác sĩ Quảng Bình phát hiện ra một "lỗ hổng" khác trong việc chống dịch của tỉnh bạn. Đoàn y bác sĩ Quảng Bình tư vấn cho chính quyền tổ chức các tổ tuyên truyền đi bắc loa hướng dẫn cách phòng dịch.
Tổ này cũng giúp việc kêu gọi, khuyến khích người dân đi lấy mẫu để bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Những tổ tuyên truyền cộng đồng đã ra đời và phát huy hiệu quả tức thì.
Những ngày ở Khăm Muộn, các y bác sĩ Quảng Bình cũng nhận ra một "điểm kỵ" trong phòng chống dịch. Đó là tâm lý "ngại đụng chạm" khi kiểm tra xét nghiệm cho đội ngũ cán bộ viên chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước.
"Mình nói thẳng, nếu không tập trung bóc tách F0 ở các cơ quan này ra thì sớm muộn các cơ quan này cũng phải đóng cửa. Sau đó họ đã thực hiện theo và có hiệu quả. Số mẫu xét nghiệm được lấy trong ngày từ chưa đến 200 được đoàn hỗ trợ đã tăng lên 700 - 800. Nhờ thế mà sau nửa tháng, cơ bản tình hình dịch ở Khăm Muộn đã về trong tầm kiểm soát" - ông Tiến nói.
Ngày thứ 10 của đoàn ở Khăm Muộn, lượng sinh phẩm mang theo sắp cạn. Ông Trần Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, kể rằng khi bắt đầu chuyến đi, tỉnh đã trích tổng kinh phí 2,2 tỉ đồng mua thiết bị, sinh phẩm qua tặng tỉnh bạn.
Khi nghe đoàn báo về hết sinh phẩm, lãnh đạo tỉnh đã ngay lập tức trích thêm 500 triệu đồng mua sinh phẩm nhanh chóng chuyển lên biên giới bàn giao để đoàn hỗ trợ tiếp tục việc xét nghiệm giúp tỉnh bạn.
"Hai tỉnh kề cận nhau và đã có mối quan hệ khăng khít nhiều năm qua. Tương trợ nhau lúc khó khăn chính là nghĩa tình" - ông Thắng chia sẻ.
Đoàn y bác sĩ Quảng Bình mang theo cả máy xét nghiệm RT-PCR qua Khăm Muộn giúp tỉnh bạn xét nghiệm bóc tách F0 - Ảnh: M.TIẾN
Ngày đoàn y bác sĩ Quảng Bình trở về, lãnh đạo tỉnh Khăm Muộn tiễn đoàn ra tận cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ông Bunmi Phimmạsỏn, phó bí thư tỉnh Khăm Muộn, nói đợt hỗ trợ lần này của đoàn bác sĩ Quảng Bình có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tỉnh Khăm Muộn kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế dịch lây lan ra nhiều nơi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận