04/09/2010 07:30 GMT+7

Bác sĩ tình nguyện Việt trên đất Campuchia

MAI VINH
MAI VINH

TT - “Đoàn bác sĩ TP.HCM đến với nhân dân Campuchia thật là tốt. Các bạn đã giúp chúng tôi nối dài cánh tay y tế đến với bà con ở những vùng xa xôi hẻo lánh”.

jOzHpt0R.jpgPhóng to
Một ca phẫu thuật răng hàm mặt trong phòng phẫu thuật lưu động - Ảnh: Mai Vinh

Đó là những cảm xúc của ngài Phó thủ tướng Campuchia Sau Dech Kong Sam Ol, ngay khi đoàn bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM và ĐH Y dược TP.HCM đặt chân đến thủ đô Phnom Penh. Theo khảo sát của đoàn tiền trạm, người dân ở các tỉnh Kpong Chnua, Kpong Chnang mắc nhiều nhất các bệnh về đường ruột, cao huyết áp, răng miệng. Trong mỗi bữa cơm tối, câu chuyện khám bệnh trong ngày và ngày sau được các bác sĩ Việt Nam mang ra bàn bạc, thảo luận sôi nổi...

Đưa phòng khám lưu động đến với bạn

Để tránh bị động do thiếu dụng cụ khi gặp những ca khó, Trường ĐH Y dược TP.HCM đã điều động một chiếc xe tải chở sáu giường khám bệnh chuyên về răng hàm mặt với đầy đủ dụng cụ khám và làm tiểu phẫu. Thùng xe tải được bọc chì - để tránh nhiễu xạ tia X, có máy X-quang kỹ thuật số... trở thành một phòng phẫu thuật răng hàm mặt lưu động.

Giảng viên ĐH Y dược TP.HCM Lương Văn Tomy cho biết: “Ở TP.HCM phòng khám nha khoa loại tốt như thế nào thì chiếc xe này được trang bị như thế đó!”. Đường sá Campuchia không được tốt lắm, xe rung bần bật mỗi khi đi qua một đoạn đường đang làm, các nha sĩ cứ xuýt xoa cho thiết bị trong xe.

Dù đã đưa phòng khám lưu động đi tình nguyện nhưng khi khám bệnh tại xã Khun Ron, huyện Bo Ri Po, Kpong Chnang, đoàn bác sĩ đã không khỏi xót xa khi gặp phải một ca bệnh nặng mà không dám can thiệp.

Theo lời bà Sóc Sray Mong (khoảng 30 tuổi), bà bị đau răng cộng với bướu máu mà không hề hay biết. Cách đây sáu tháng bà đến một phòng khám địa phương để chữa răng. Sau khi chữa răng thì bướu máu phát triển lớn che hết cả vùng cổ và đẩy hàm răng dưới của bà ra ngoài. Khuôn mặt bà Sóc Sray Mong gần như biến dạng hoàn toàn phía bên phải. Khi nói với người phiên dịch: “Hãy nói với bà ấy chúng tôi không thể can thiệp ngay tại đây vì e ảnh hưởng đến sinh mạng của bà”, bác sĩ Đăng Khoa như lặng người.

Những buổi khám bệnh được chính quyền địa phương ấn định kết thúc khoảng 12 giờ trưa, nhưng các bác sĩ trẻ Việt Nam đã “xin” thêm thời gian để khám cho bằng hết bệnh nhân. Các gian phòng mượn tạm của trường học được sắp xếp lại để làm phòng khám không ngớt bệnh nhân ra vào.

Vừa tu nghiệp tại Mỹ về, bác sĩ Minh Hoàng - Bệnh viện An Sinh - đã tham gia ngay đợt khám bệnh. Anh tâm sự: “Đã cất công qua tận đây thì phải dốc hết toàn lực. Nhìn bệnh nhân xếp hàng dài đợi tới phiên khám mà mình bỏ ngang sao được, bệnh nhân nước nào cũng có máu có thịt như mình”.

Ấm lòng Việt kiều

14 giờ, đoàn bác sĩ đóng ở xã No To Ru, Bo Ri Po, Kpong Chnang (một xã bên dòng Tonlé Sap) đang dùng bữa trưa muộn. Phần cơm dã chiến đựng trong cặp lồng còn dang dở thì bác sĩ Vũ Chí Thanh, bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, thông báo vội: “Bà con Việt kiều tới đông rồi đấy”.

Các y bác sĩ vội khoác áo blouse ra phòng khám. Bác sĩ Vũ Chí Thanh bàn bạc thêm với các bác sĩ trong đoàn: “Theo kế hoạch mình ăn trưa xong sẽ rút quân, nhưng giờ bà con Việt kiều mới tới đủ nên mình sẽ tiếp tục khám và bổ sung 360 phần quà thuốc. Anh em chịu khó về trễ tí”. Mọi người lại hào hứng vào việc.

“Nghe có bác sĩ Việt Nam qua khám bệnh, bà con sống trên Tonlé Sap mừng lắm. Không phải vì viên thuốc đâu mà vì được hỏi thăm vài câu với người Việt Nam. Do ở vùng sâu nên xuôi ghe từ sáng giờ tui mới ra đây được”, bà Huỳnh Thị Mỹ vui vẻ nói chuyện với một bác sĩ trẻ trong đoàn.

Các chú Huỳnh Văn Minh, Lê Văn En và bà Nguyễn Thị Tuyết thì túc trực bên đoàn bác sĩ liên tục trong hai ngày khám tại Kpong Chnang để làm phiên dịch. Trong một câu chuyện, ông Huỳnh Văn Minh nói: “Uống một viên thuốc của bà con Việt Nam gửi qua tui sung sướng lắm, dù ba đời nhà tui đều sống ở Campuchia”.

Từ ngày 21 đến 27-8, Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức cho 50 y bác sĩ ở Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM và ĐH Y dược TP.HCM sang khám chữa bệnh cho bà con hai tỉnh Kpong Chnua và Kpong Chnang theo lời mời của Quốc hội Campuchia. Đây là chuyến tình nguyện nối dài chương trình tình nguyện quốc tế của Thành đoàn TP.HCM tại hai nước Lào, Campuchia trong nửa đầu tháng 8. Trong đợt tình nguyện quốc tế lần này, đoàn đã khám chữa bệnh và phát quà cho hơn 3.000 người dân với tổng chi phí hơn 500 triệu đồng do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hỗ trợ.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp