Phóng to |
Bác sĩ Phạm Thị Biên Thùy (bìa trái) trong một lần tham dự hội nghị phát triển thương mại VN tại Anh (tháng 10-2013) - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Bác sĩ Phạm Thị Biên Thùy với sản phẩm gạo lứt hữu cơ nhập khẩu từ VN - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trong bài viết với tiêu đề “Nhập gạo lứt hữu cơ VN - một bài học cho toàn thể chúng ta”, ông Mike Loftus cho rằng: “Thùy Phạm, một chuyên viên đang làm việc tại Birmingham, có tầm nhìn sâu rộng, không chỉ nói suông mà rất năng động trong công việc kinh doanh. Liên doanh với ông Võ Minh Khải, người khai thác một nông trại gạo hữu cơ tại VN, Thùy là người đầu tiên nhập khẩu gạo lứt hữu cơ VN mang tên Hoa Sữa sang Anh...”. Từ bài báo này, chúng tôi bắt đầu đi tìm hiểu và phát hiện nhiều điều thú vị về cô gái người Việt này.
Hành trình đưa gạo Việt sang xứ sương mù
BS Phạm Thị Biên Thùy (An Giang) là chị cả trong gia đình có năm người, tất cả đều theo ngành y (cha và mẹ Thùy đều là bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện ở An Giang). Năm 2002, Thùy sang Anh theo một chương trình học bổng A Level (chương trình bắt buộc cho những học sinh muốn đi tiếp lên đại học) tại thành phố Birmingham. Sau đó, Thùy trúng tuyển vào Đại học Liverpool, chuyên khoa mắt. Tốt nghiệp, BS Thùy đã có việc làm ngay tại Birmingham and Midland Eye Centre, một trong những trung tâm mắt lớn nhất của Anh và cả châu Âu. Tại đây, cô đã nhanh chóng trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật về mắt như lé, giảm thị lực, song thị... |
Lần đầu tiên chúng tôi liên lạc được với bác sĩ Thùy (tên đầy đủ là Phạm Thị Biên Thùy) khi cô vừa tham dự BBC Good food show, từ London trở lại Birmingham để bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Qua điện thoại, cô háo hức khoe: “Mệt nhưng vui lắm. Lần đầu tiên gạo hữu cơ đặc sản của VN mình có mặt trong một sự kiện lớn do BBC tổ chức nên khách hàng vây quá. Đây là thành công đáng kể trong việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm”. Tuy nhiên, do múi giờ và Thùy luôn bận rộn, chúng tôi phải nhiều lần liên lạc mới có được câu chuyện đầy đủ.
“Làm kinh doanh nhưng không phải vì mục tiêu lợi nhuận đâu nhé”, Thùy nói với chúng tôi khi kể về câu chuyện “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh gạo dù đang là một bác sĩ. Chuyện bắt đầu cách đây hơn hai năm khi cô tình cờ đọc được bài nghiên cứu trên báo Daily Mail (Anh) về giá trị sức khỏe của gạo hữu cơ. Điều bất ngờ hơn là Thùy phát hiện tại một nông trại ở VN cũng sản xuất được loại gạo này. Sản phẩm đã được trao chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ của Tổ chức Quốc tế BIO Organic và nhãn hiệu gạo hữu cơ an toàn tuyệt đối, có lợi cho sức khỏe (organic product) của Hoa Kỳ. Đó là Công ty cổ phần Viễn Phú (xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau).
“Phải đưa gạo hữu cơ của VN sang Anh, rồi sau đó mở rộng ra các nước châu Âu để thấy người Việt cũng sản xuất được thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe không thua kém gì các nước tân tiến; đồng thời giúp nông dân có thêm việc làm, cải thiện thu nhập”, Thùy nhớ lại suy nghĩ của mình khi đọc được bài báo. Sau khi trình bày ý tưởng này, Thùy được ba mẹ (đang sinh sống tại Long Xuyên, An Giang) ủng hộ nhiệt tình khi cho rằng “giúp được gì cho quê hương thì có vất vả cũng phải cố gắng làm”. Tuy nhiên, hành trình để đưa hạt gạo hữu cơ Việt sang Anh không đơn giản.
Sau những cuộc gọi và email từ Birmingham liên lạc với Công ty Viễn Phú, Thùy hướng dẫn cha mẹ xuống tận U Minh, Cà Mau để xem nông trại, nhà máy, sản phẩm. Sau khi đạt được thỏa thuận với công ty, mất sáu tháng để Thùy và cô em gái đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành dược tại ĐH Aston (Anh) thiết kế bao bì sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu và hoàn tất các thủ tục đăng ký với Hội Hữu cơ Anh, khai sinh ra Công ty Vietnamese Organic Black Rice Supplier để nhập khẩu gạo từ VN. Sau gần một tháng rưỡi vận chuyển bằng tàu, tháng 3-2013 lô hàng 6 tấn gạo đen hữu cơ Hoa Sữa lần đầu tiên đã có mặt tại Anh trong niềm phấn chấn xen lẫn hồi hộp của chị em Thùy.
Khách hàng nước ngoài với sản phẩm gạo lứt hữu cơ được giới thiệu và bán tại Anh - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nấu cơm để... tiếp thị gạo
Tận dụng hai ngày nghỉ cuối tuần và những buổi tối sau giờ làm việc chuyên môn, BS Thùy đến các nhà hàng, vào cả những ngôi chùa Việt, đền thờ của người Ấn Độ tại Anh để tự tay nấu cơm, mời khách nếm thử, đồng thời kể cho khách nghe cách thức sản xuất cũng như giá trị dinh dưỡng của gạo đen Hoa Sữa. Sau khi nhận những thìa cơm nóng hổi, thoảng mùi hương từ chính tay cô bác sĩ trẻ, những người VN xa quê cùng các vị khách Tây vốn chưa quen món cơm Việt đã bắt đầu gật gù. Đơn đặt hàng qua Internet liên tục được gửi về, dù giá bán khoảng 5 bảng Anh/kg.
Cách tiếp thị, quảng bá sản phẩm của BS Thùy đã gây sự chú ý. Tháng 5-2013, cô được Chính phủ Anh khích lệ bằng việc hỗ trợ 2.000 bảng cho các hoạt động xúc tiến thương mại, rồi được chọn là một trong số ít DN vừa và nhỏ của Anh tham gia trình bày kinh nghiệm xây dựng và kinh doanh thương mại liên kết gạo của VN tại hội nghị thương mại song phương do Bộ Công thương và Đại sứ quán VN phối hợp với một số cơ quan của Anh tổ chức tại Birmingham (cuối tháng 10-2013). Ngay sau đó cô lại tiếp tục được mời tham dự Good food show London - quảng bá mặt hàng thực phẩm có nhiều ưu điểm do BBC tổ chức.
“6 tấn gạo đưa sang bán thử nghiệm đã được tiêu thụ hết nhanh hơn dự kiến. Số lượng tuy không lớn nhưng có ý nghĩa khởi đầu. Từ thị trường Anh, hi vọng sản phẩm này sẽ lan tỏa ra thị trường châu Âu, góp phần mở ra triển vọng nhân rộng mô hình, liên kết với nông dân để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo” - BS Thùy phấn khởi. Tiếp thu những ý kiến đóng góp của khách hàng, Thùy đang xúc tiến làm video để đưa lên website và YouTube về giá trị dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe của sản phẩm, cách chế biến và cách ăn.
Cô cũng có một vài cải tiến về mẫu mã, đóng gói thêm sản phẩm có trọng lượng nhỏ hơn để những khách hàng mới không phải đắn đo khi mua về dùng thử.
Và Thùy, một bác sĩ còn rất trẻ, vẫn đang tận dụng tối đa những ưu đãi mà Chính phủ Anh dành cho DN trong nước (do cô đã được cấp giấy công dân Anh) muốn đầu tư phát triển kinh doanh tại các nước khác để góp phần xây dựng quê hương. “Gạo, trái cây, cá... ở vùng ĐBSCL vừa nhiều vừa ngon, nhưng nông dân vẫn thu nhập chưa cao do giá bán thấp quá. Ngoài việc mở rộng thị phần gạo đen hữu cơ, tới đây tôi sẽ cố gắng làm cầu nối, tìm đầu tư từ chính các công ty ở Anh, mời họ về đầu tư vào các lĩnh vực mà ĐBSCL đang có lợi thế”, BS Thùy nói.
Cầu nối đưa gạo sạch VN ra nước ngoài “Trong kinh doanh phải tính tới lợi nhuận, nhưng với BS Thùy đó không phải là yếu tố quyết định. Quan trọng hơn, cô muốn làm cầu nối để phát triển sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp an toàn, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, từ đó mang lại lợi ích lớn hơn, lâu dài hơn cho nông dân, cho quê hương cô”, ông Võ Minh Khải, tổng giám đốc Viễn Phú, nói. Theo ông Khải, để đạt được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, việc sản xuất lúa gạo phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt: hạt giống được chọn lọc từ quá trình canh tác hữu cơ và hoàn toàn thuần chủng, phân bón có nguồn gốc tự nhiên, nguồn nước không ô nhiễm, được kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt, trong suốt quá trình canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ bệnh hóa học mà chỉ sử dụng các biện pháp tự nhiên để kiểm soát như bọ rầy, bẫy đèn, thả vịt, thả cá, nhổ cỏ bằng tay... “Ngoài ra, quá trình thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, đóng gói được kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo sạch và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường...”, ông Khải nói. Năm 2013, với diện tích gieo trồng 350ha, Viễn Phú đã cung ứng cho thị trường khoảng 1.500 tấn gạo hữu cơ. Trong năm 2014, ông Khải cho biết sẽ liên kết với nông dân, hướng dẫn quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm khoảng 300ha. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận