Bác sĩ Tạ Thị Chung (trái) và nhà văn Trầm Hương - chủ biên tập sách Tấm lòng rộng mở tại buổi ra mắt sách - Ảnh: L.Điền |
Người đưa ra chủ trương táo bạo và cận nhân tình như vậy chính là bác sĩ Tạ Thị Chung - người đến nay là một Anh hùng lao động, có công lớn trong ngành y TP.HCM nói chung và Bệnh viện Từ Dũ cũng như chuyên ngành phụ sản nói riêng.
Và nay, từng trang đời của vị bác sĩ lừng danh này được nhà văn Trầm Hương, các đồng nghiệp, bạn bè, người thân, cả người thầy đáng kính Trần Hữu Nghiệp nữa, cùng tập hợp lại trong tập sách Tấm lòng rộng mở vừa ra mắt bạn đọc cả nước.
Tập sách quy tụ bài viết của hơn 20 tác giả, một số bài ghi lại chính lời kể của bác sĩ Tạ Thị Chung về cuộc đời mình. Bạn đọc sẽ hiểu thêm về xuất thân của một thôn nữ Bến Tre quyết định theo cách mạng và dấn thân vào ngành y dưới mưa bom bão đạn như thế nào.
Đọc sách về cuộc đời của một vị anh hùng như bác sĩ Tạ Thị Chung, có cái thú là được cảm nhận lịch sử thông qua lăng kính của những chứng nhân đặc biệt.
Đọc, mới biết con trai nhà văn Anh Đức ra đời trong một ca đẻ khó có vai trò của bác sĩ Chung. Đọc, mới thấy ngành y và chuyên khoa sản “của Việt cộng” hoạt động bài bản như thế nào trong những căn hầm đội bom đạn và chịu biết bao cam go khắc nghiệt.
Đọc, mới hiểu tại sao ca mổ Việt - Đức chấn động một thời lại diễn ra ở Bệnh viện Từ Dũ mặc dù đây là một trường hợp bệnh nhi... Tất cả tựu trung lại ở vai trò của người phụ nữ đặc biệt Tạ Thị Chung.
Sách do NXB Hồng Đừc ấn hành - Ảnh: L.Điền |
Năm 2010, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong lá đơn kiến nghị phong Anh hùng lao động cho bác sĩ Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung còn nhắc lại việc bác sĩ Chung đã vượt qua rào cản dư luận, ủng hộ bác sĩ Phượng trong chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản, đến nay qua thực tiễn cho thấy mỗi năm giảm hàng ngàn trường hợp bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong do những hủ tục trong sinh sản...
Và nếu có ai đến Làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ sẽ chứng kiến nhiều thế hệ con em ở đây thân mật gọi bác sĩ Tạ Thị Chung là bà nội.
Câu chuyện này bắt nguồn từ những năm 1978-1979 trong điều kiện còn nhiều khó khăn, bác sĩ Tạ Thị Chung và ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã ủng hộ kế hoạch nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin với sức khỏe con người và vấn đề sinh sản.
Từ nghiên cứu này, cộng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Làng Hòa Bình tại Bệnh viện Từ Dũ ra đời, đến nay đã đón nhận nuôi dưỡng hơn 2.000 cháu khuyết tật bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam.
Mấy chữ Tấm lòng rộng mở thật không đủ để nói về chân dung một con người quá nhiều đặc biệt như bác sĩ Tạ Thị Chung, nhưng chính những tấm lòng rộng mở như vậy gieo vào cuộc đời những niềm tin về điều thiện và khơi dậy ý thức lương tâm chức nghiệp cho mỗi công dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận