17/08/2017 10:06 GMT+7

“Bác sĩ” rađa của A29

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Chỉ mấy năm sau khi về A29, thiếu úy Mai Văn Ba đã trở thành một trong những kỹ sư giỏi của nhà máy phòng không duy nhất ở phía Nam, nơi sửa chữa tổng hợp vũ khí, khí tài phòng không như rađa, tên lửa, pháo...

*** Error ***
Kỹ sư Mai Văn Ba (giữa) trao đổi với một nhóm thợ, kỹ thuật viên đang lắp ráp từng khối đơn khí tài rađa tại phòng lắp ráp đơn - Ảnh: MY LĂNG 

Tám năm trước, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, thiếu úy Mai Văn Ba nhận nhiệm vụ về Nhà máy A29 công tác. Bây giờ thiếu úy Mai Văn Ba đã mang hàm đại úy và hiện là phó quản đốc phân xưởng rađa Nhà máy A29.

Phó quản đốc phân xưởng rađa trẻ nhất của A29

Nhớ lại quãng thời gian mới ra trường với vai trò là kỹ sư đi thực tế ở Nhà máy A29, đại úy Mai Văn Ba cười bảo: “Lúc đó tôi chỉ biết công việc, máy móc, linh kiện, không biết yêu đương là gì. Tôi đam mê công nghệ và kỹ thuật. Để áp dụng lý thuyết vào từng linh kiện, từng mạch điện phải có thời gian dài nghiên cứu, thực tế”.

Cho nên những ngày nghỉ hay buổi tối, thay vì ra ngoài chơi uống cà phê, anh Ba chỉ thích vào xưởng nghiên cứu cách sửa chữa các bộ khí tài. Anh làm việc với thiếu tá Bùi Trần Thành, phó quản đốc phân xưởng, một người rất yêu nghề, say nghề, hiểu biết sâu.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh Ba trở thành một trong những kỹ sư giỏi về rađa của Nhà máy A29. Bình thường với một kỹ thuật viên phải mất 7-8 năm mới được đi cơ động, với kỹ sư là 3 năm. Thiếu úy Mai Văn Ba nhanh hơn, chỉ mất 2 năm.

Năm 2012, kỹ sư Mai Văn Ba đã là trưởng đoàn của các đoàn đi cơ động sửa chữa khí tài, quản lý con người và công nghệ để Hội đồng Quân chủng phòng không không quân nghiệm thu tại đơn vị. Những năm sau đó, kỹ sư Mai Văn Ba liên tục là trưởng đoàn. Anh là một trong những trưởng đoàn cơ động trẻ nhất Nhà máy A29. Tháng 11-2015, anh được bổ nhiệm là phó quản đốc phân xưởng rađa, trở thành người trẻ nhất Nhà máy A29 đảm nhiệm vị trí này.

Kỹ sư Mai Văn Ba đã có những đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Quân chủng phòng không không quân công nhận. Không chỉ tích hợp thành công phần mềm sửa chữa vào giá thử công nghệ cao để sửa chữa rađa, anh còn tích hợp được phần mềm sửa những khối đơn mà giá thử chưa sửa được.

Những cải tiến, sáng kiến của người kỹ sư quân đội ấy đã giúp nhà máy không chỉ tiết kiệm được nhân công mà quan trọng nhất là lưu được các dữ liệu người trước đã thao tác sửa chữa, có thể in ra những phiếu công nghệ để kiểm soát chất lượng khối từ sửa chữa giúp người chỉ huy quản lý được thời gian, tiến độ làm việc trên hệ thống giá thử sửa chữa khối đơn và kiểm tra được khối có sửa chữa theo đúng quy trình công nghệ, đúng tham số.

Ra Trường Sa “chữa bệnh” cho rađa

Không chỉ sửa chữa rađa trong đất liền, trên núi cao, rừng sâu, Nhà máy A29 còn phụ trách sửa chữa rađa cho phòng không cả ở biển đảo. Năm 2014, kỹ sư Mai Văn Ba đi chuyến công tác đầu tiên ra đảo Trường Sa. Ra đúng thời điểm Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, bộ đội trên đảo trực chiến ngày đêm, có những lúc anh phải ngủ dưới hầm vừa tối, ẩm thấp vừa nhớp nháp muối biển.

“Để Tổ quốc không bị bất ngờ trên không, rađa phải hoạt động tốt 24/24 giờ bất kể ngày đêm, sẵn sàng làm nhiệm vụ trong mọi thời tiết, địa hình. Thời gian mở máy chiến đấu của một trạm rađa liên tục 24/24 giờ trong một ngày. Do đó mức độ xảy ra hỏng hóc khí tài là thường xuyên” - đại úy Mai Văn Ba kể.

Đại úy Mai Văn Ba cho biết: “Nhiều linh kiện không có trong dự kiến vẫn hỏng hóc vì ở Trường Sa khí hậu và môi trường khắc nghiệt. Trang thiết bị mang theo do quá trình vận chuyển và tác động của nước biển, có những cái bị hỏng, những lớp muối đóng vô linh kiện".

"Lúc đó chúng tôi phải sử dụng các linh kiện tương đương, làm ra những bộ mạch có tính năng tương đương dựa trên những linh kiện mang từ đất liền ra. Khó khăn nữa là điều kiện thực tế ở Trường Sa để sửa chữa rađa không có địa vật chuẩn (các vật đứng yên như dãy núi, tòa nhà cao tầng...) làm trung tâm, làm canh chuẩn hiệu chỉnh khí tài. Chúng tôi phải dựa vào đảo, tàu, thuyền ở cự ly xa làm địa vật chuẩn”.

Đảm bảo vũ khí lâu dài, bền bỉ

Năm 2016, thượng úy Mai Văn Ba đoạt giải ba cuộc thi sáng tạo trẻ quân đội. Anh được Nhà máy A29 chọn là điển hình tiên tiến đại diện A29 ra Cục Kỹ thuật (Quân chủng phòng không không quân) dự buổi gặp mặt gương điển hình cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng.

“Khi tôi còn ở học viện, các thầy luôn nói những người lính ngành rađa rất vất vả vì đơn vị trải dài trên mọi miền từ biên giới đến biển đảo. Những nơi khó khăn, gian khổ, vất vả, xa xôi trên núi hay ngoài biển, đảo, nhà giàn... đều có bộ đội rađa đảm bảo thời gian chiến đấu của vũ khí lâu dài, bền bỉ. Công việc luôn có nhiều bài toán khó. Chúng tôi luôn tâm niệm để vũ khí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc được, phải làm bằng cái tâm, không thể làm cho xong” - đại úy Mai Văn Ba nói.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp