Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
GS.BS NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) là một trong năm người vừa được Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay (được xem là giải "Nobel châu Á") vinh danh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng là người đã cống hiến gần cả đời tìm hiểu điều "bí ẩn khủng khiếp" gây hậu quả bi thảm với nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam, là người đặt nền móng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, "mẹ đẻ" cô đỡ thôn bản, khởi xướng chương trình "Ươm mầm hạnh phúc".
Lễ trao giải thưởng Ramon Magsaysay lần thứ 66 năm 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 16-11 tại Philippines. Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Tuổi Trẻ có cuộc đối thoại với bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng về hành trình cống hiến miệt mài với rất nhiều điều đáng kể.
* Xin chào GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng! Sự kiện bà được trao giải "Nobel châu Á" 2024 hẳn có ý nghĩa rất lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của bà khi "phục vụ quên mình vì người dân châu Á" như giá trị giải thưởng tôn vinh?
- Tôi rất hạnh phúc khi nhận thông tin Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay (được xem là giải "Nobel châu Á") công bố mình là một trong năm chủ nhân của mùa giải năm 2024.
Tuy nhiên, tôi có một niềm vui lớn hơn là thế giới đã công nhận các nghiên cứu về chất độc da cam/dioxin gây ra tác hại trên sức khỏe con người và sức khỏe sinh sản, dị tật bẩm sinh.
Điều này có nghĩa là quốc tế sẽ cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam góp phần nâng cao đời sống của các nạn nhân được tốt đẹp hơn, cũng như đấu tranh giành công lý cho họ.
* Điều gì đã thôi thúc bà phải tìm hiểu "bí ẩn khủng khiếp" gây "hậu quả bi thảm" và quyết tâm đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam?
- Lúc còn là sinh viên ngành y, bắt đầu sự nghiệp đỡ đẻ tại Bệnh viện Từ Dũ, tôi đã đỡ một đứa bé vô sọ. Lúc đó đôi tay tôi run, toàn thân mướt mồ hôi vì sợ.
Người mẹ chồm lên nhìn rồi hốt hoảng đẩy chính đứa con mình đẻ ra, la hét, khóc lớn trong vô vọng. "Trời ơi, sao tôi sinh ra con khỉ thế này?", người mẹ ấy hét lên.
Trái tim tôi cảm nhận được nỗi đau khổ tột cùng của người mẹ đáng thương này. Khoảnh khắc đó tôi thấy mình có lỗi vì đã đỡ đẻ ra một đứa bé "quái dị" làm cho gia đình người ta đau khổ.
Sau đó, cứ cách vài lần trực, tôi lại gặp một ca dị tật tương tự - điều mà trước năm 1965 rất hiếm gặp. Tôi đã không thể hiểu nguyên nhân.
Qua nhiều lần chứng kiến và có phần tò mò, tôi xin giữ lại những cháu bé khuyết tật đặc biệt, trong đó có nhiều đứa trẻ tội nghiệp khi vừa sinh ra đã qua đời.
Đến năm 1976, các cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam và đến thăm Bệnh viện Từ Dũ. Thấy các trẻ bị dị tật, họ thắc mắc và hỏi các trường hợp đó là vì sao. Tôi kể lại chuyện mình từng chứng kiến, nhưng để trả lời câu hỏi vì sao, cổ họng tôi nghẹn lại, khẽ nói: "Không biết".
Ngày họ ra về, họ hẹn sẽ trở lại bệnh viện để nghe được câu trả lời. Thế là tôi bắt đầu hành trình mày mò tìm kiếm tài liệu để tìm câu trả lời.
* Bà đã làm gì tiếp theo để dần "mở khóa" những câu hỏi vì sao đó?
- Tìm lại tài liệu từ các hồ sơ còn lưu trong Bệnh viện Từ Dũ từ năm 1963 - 1964 và những tài liệu, luận văn, luận án tốt nghiệp từ năm 1952 - 1975 của Trường đại học Y, tôi đều phát hiện điều kỳ lạ là số trẻ dị tật, quái thai vào năm 1952 thấp, nhưng trong hai năm 1960 - 1961 tăng và đến năm 1965 - 1967 tăng nhiều.
Tiếp tục, tôi may mắn được bác sĩ Phạm Hoàng Phiệt (Bệnh viện Chợ Rẫy) "mách" một tài liệu ở Thư viện TP.HCM về các chất độc hóa học đã rải xuống Việt Nam từ năm 1960 trở đi. Đặc biệt trong năm 1965, rất nhiều chất hóa học đã rải xuống.
Đó là chất độc da cam. Tôi nghi ngờ có mối liên hệ gì đó giữa chất độc hóa học và tỉ lệ trẻ dị tật bẩm sinh.
* Bà đã phải vượt qua những thách thức và khó khăn gì trong việc tiếp cận các chứng cứ thực tế để chứng minh nghiên cứu của mình là đúng, thưa bà?
- Lần theo các tài liệu đã đọc, tôi xin ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đưa một đoàn sinh viên về bờ biển Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) và tỉnh Cà Mau - nơi tài liệu của Mỹ xác định là rải nhiều chất độc hóa học.
Tôi cùng sinh viên đi đến từng nhà dân hỏi, tổng hợp thông tin thì nhận thấy tỉ lệ trẻ bị dị tật ở những vùng này cao. Nhiều bé gái 16 - 17 tuổi bị sứt môi, chẻ vòm hầu. Sau đó, tôi tiếp tục trở lại TP.HCM thực hiện điều tra. Kết quả tại Cà Mau và Bến Tre đều cao hơn ở TP.HCM.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, tôi so sánh tỉ lệ phơi nhiễm chất độc da cam ở nhóm phụ nữ sinh con khuyết tật và nhóm ngược lại.
Kết quả cho thấy: nhóm thai phụ sinh con bị dị tật có đến 64% bị phơi nhiễm đã từng sống ở vùng có rải chất độc hóa học, trong khi thai phụ không có con bị dị tật là 12%.
Sự khác biệt rất có ý nghĩa về phương diện thống kê. Gần đây, chúng tôi còn tìm thấy tỉ lệ bệnh gout ở nạn nhân chất độc da cam/dioxin cao hơn người bình thường.
* Dày công điều tra nghiên cứu, vậy bà đã làm gì để đòi lại công bằng cho nạn nhân chất độc da cam và thu hút sự quan tâm các nước trên thế giới về vấn đề này?
- Tháng 1-1983, một hội nghị quốc tế gồm 22 quốc gia tham dự về hậu quả lâu dài của việc sử dụng chất làm trụi lá vào diệt cỏ diễn ra tại TP.HCM. Tại đây, một số giáo sư Mỹ rất giỏi về xác suất thống kê đã hướng dẫn tôi làm xác suất thống kê để đúc kết ra kết quả cho thấy tỉ lệ so sánh tôi từng làm là đúng.
Đến năm 1987, ở Las Vegas (Mỹ) có tổ chức hội nghị quốc tế về chất độc hóa học dioxin tác hại trên môi trường và con người như thế nào.
Tôi có ba bài báo cáo được tạp chí khoa học Anh đồng ý đăng, trong đó có bài so sánh giữa Bến Tre với TP.HCM, Cà Mau với TP.HCM và những người đến Bệnh viện Từ Dũ sinh con bị dị tật so với những người không bị như có tỉ lệ phơi nhiễm chất độc da cam ra sao.
* Bước ra hội nghị quốc tế để chứng minh trẻ dị tật bẩm sinh tại Việt Nam là do chất độc dioxin liệu có dễ dàng không, thưa bà?
- Không dễ dàng. Mỗi hội nghị quốc tế, các công ty hóa chất như Dow, Monsanto đều cử luật sư và nhà khoa học tham dự. Họ phản biện và đặt câu hỏi để phủ nhận nguyên nhân gây khuyết tật cho người Việt Nam không phải do chất độc da cam/dioxin.
Tôi mạnh mẽ "cãi lại". Với sự tin tưởng tuyệt đối, tôi trả lời dõng dạc. Những gì tôi trình bày với quốc tế là "người thật, việc thật" do chính mình nghiên cứu được và đã tin.
Tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ năm 2008 và 2010, tôi được chính phủ cử qua. Tôi cũng đến Tòa án lương tâm quốc tế năm 2009 tại Paris để góp tiếng nói tố cáo các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất các chất độc hóa học gây hại cho con người.
* Bà cũng là người đặt nền móng đầu tiên cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam. Kỹ thuật này được gầy dựng thế nào khi đến nay đã đạt những thành tựu lớn, vượt nhiều nước trên thế giới?
- Tôi đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng không có con dẫn đến gia đình bất hòa, thậm chí ly hôn. Vì lẽ này, tôi bắt đầu tìm hiểu cách điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Khi đó nước mình còn nghèo khó, phần lớn các gia đình đều đông con, nhà nước còn phải khuyến khích kế hoạch hóa nên việc tôi làm được coi là ngược đời. Dù không được ủng hộ nhưng tôi không từ bỏ.
Vào năm 1994, tôi được phong và bổ nhiệm làm giáo sư tại Pháp với mức lương rất cao. Tôi bắt đầu chi tiêu tiết kiệm, dành dụm tiền lương của mình để mua trang thiết bị nghiên cứu, triển khai kỹ thuật điều trị vô sinh vì không ai giúp mình nên phải tự thân vận động.
Đằng đẵng suốt nhiều năm thì cũng hái được quả ngọt. Năm 1994, khi kế hoạch được Bộ Y tế đồng ý, tôi liền thông báo bệnh viện và kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chính thức được hoạt động.
Như một định mệnh và trùng hợp đến lạ thường, ba em bé được thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên đã chào đời lành lặn, khỏe mạnh vào đúng ngày thống nhất đất nước 30-4-1998, mở ra bao hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
* Bà còn được mọi người biết đến là người khai sinh chương trình "cô đỡ thôn bản", giúp giảm tỉ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh miền núi, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Hiện chương trình này ra sao?
- Khoảng năm 1990, tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các tỉnh miền núi, Tây Nguyên rất cao.
Được Bộ Y tế giao chỉ đạo tuyến 32 tỉnh thành phía Nam, tôi phân công các bác sĩ thường trú đến các tỉnh để nắm tình hình và hỗ trợ chuyên môn. Còn tôi đi đến các vùng xa, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số như ở Tây Nguyên, Cà Mau, Phú Yên...
Tại các tỉnh Tây Nguyên, tôi nhận thấy tình hình sinh con của các dân tộc thiểu số vẫn còn lạc hậu, không cho y tế can thiệp mà mời thầy mo cúng bái.
Nhiều phụ nữ chẳng may phải bỏ mạng khi chuyển dạ. Vào tình thế này, tôi triển khai đào tạo "cô đỡ thôn bản".
Họ là người tại chỗ, gần gũi địa phương, dễ dàng tuyên truyền và có thể đỡ đẻ tại nhà an toàn. Hiện chương trình đã nhân rộng, giúp giảm rất nhiều tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.
* Là người khởi xướng chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" hỗ trợ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn nay đã bước sang năm thứ 11. Vậy bà lấy động lực nào để duy trì chương trình khi chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cao?
- Từ một chương trình với mong muốn giúp đỡ gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn chỉ vỏn vẹn 30 ca, đến nay đã nâng số ca lên thành 100 mỗi năm. Trải qua 10 mùa liên tiếp, chương trình đã mang hy vọng, mở ra cơ hội điều trị cho hơn 600 cặp vợ chồng hiếm muộn trên cả nước.
Khi đưa một kỹ thuật cao, thành tựu khoa học về nước thì đối tượng phục vụ không chỉ là người có điều kiện mà cần có cả người hoàn cảnh khó khăn. Họ xứng đáng được hưởng và hạnh phúc. Để giúp họ, chúng tôi kêu gọi những tấm lòng nhân ái để quyên góp tiền.
* Bà từng nói: "Khi ta mới sinh ra thì ta khóc, mọi người nhìn ta mỉm cười. Hãy sống sao cho đến khi ta chết, mọi người nhìn ta khóc, còn ta thì mỉm cười". Đây có phải là lý tưởng sống mà bà khuyên nhủ bản thân mình và thực tế là vẫn miệt mài làm việc dù ở tuổi 80?
- (Cười) Thuở còn thiếu nữ, tôi ham mê đọc những cuốn sách của Liên Xô. Tâm hồn tôi say sưa những câu triết lý về cuộc đời từ các sách đó.
Lúc sinh ra, mình khóc oa oa thì mọi người đều nở nụ cười. Và rồi khi tạm biệt cõi đời, mình có thể mỉm cười mãn nguyện, còn những người quanh ta thì khóc tiếc thương, cảm ơn những gì mình đã làm được. Điều đó có ý nghĩa biết nhường nào.
Vậy khi tóc còn xanh, máu còn nóng thì cố gắng làm hết sức những điều cần làm và điều ấy phải có ích. Người khác cần, tôi giúp nhiệt tình không một chút suy nghĩ, vì được sống thôi đã là một hạnh phúc nên phải sống tốt.
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận