Phóng to |
* Bác sĩ L.C.Th.:
“Đó là một việc tôi không bao giờ dám nghĩ tới...”
Tôi mới tốt nghiệp đại học y và về công tác tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên từ tháng 8-2013. Trưa 9-12, tôi được bác sĩ Lê Phải, trưởng khoa, yêu cầu chuẩn bị cùng điều dưỡng N.N.T. ở khoa đi công tác tại tỉnh Đắk Lắk để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn thi hành án. Theo lời căn dặn của bác sĩ trưởng khoa, tôi đã chuẩn bị hộp dụng cụ cấp cứu và thuốc men đầy đủ để đi cấp cứu người. Chiều 9-12, tôi và anh T. nhận được hai giấy giới thiệu, trong đó ghi là tham gia cùng đoàn thực hiện lệnh thi hành án tử hình của tỉnh Phú Yên mà không ghi nhiệm vụ cụ thể là gì. Tuy nhiên, xác định tư thế của bác sĩ đi cứu người, đây lại là chuyến công tác ngoại viện đầu tiên của tôi nên tôi bàn bạc với T. kỹ lưỡng về phương án cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân.
Không ngờ, trong bữa ăn chiều 10-12, tôi không nhớ ai đó cho biết nhiệm vụ của hai anh em chúng tôi là phải hỗ trợ tìm tĩnh mạch, đưa kim tiêm vào tĩnh mạch và đặt các dụng cụ đo điện cực để đo tim mạch của tử tù. Nghe như thế, cả hai chúng tôi rất sốc và hoảng hốt!
Tôi được đào tạo và huấn luyện để cứu người, giành giật lại mạng sống của các bệnh nhân thập tử nhất sinh, chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc mình phải hỗ trợ để cơ quan chức năng thi hành án tử hình một phạm nhân như thế này. Ngay tại bàn ăn, tôi đã nói với người trưởng đoàn thi hành án, là một phó chánh án TAND tỉnh Phú Yên: “Chúng cháu tưởng đi theo đoàn là để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe các chú, các anh trong đoàn và những người bị ảnh hưởng đến sức khỏe của việc thi hành án này, nên đã mang theo y cụ cấp cứu và nhiều thuốc men, chứ hoàn toàn không phải đi làm nhiệm vụ hỗ trợ để tử hình phạm nhân. Chúng cháu xin từ chối thực hiện nhiệm vụ”. Tuy nhiên, người trưởng đoàn và nhiều người khác, toàn là những người lớn tuổi, có chức trách, thuyết phục rằng luật đã có quy định như vậy và chúng tôi được cử đi để làm nhiệm vụ như thế. Không cách nào khác, chúng tôi đành phải tham gia để hỗ trợ việc thi hành án vào ngày hôm sau.
Thật sự cho đến giờ tôi vẫn còn sốc và rất ám ảnh. Tôi tự hỏi vì sao trong lực lượng công an cũng có bác sĩ, hoặc các bác sĩ pháp y, hoặc các cán bộ y tế trại giam, đều là những người có đủ độ vững về thần kinh và dễ dàng tìm tĩnh mạch tử tù để hỗ trợ cho lực lượng thi hành án mà lại không được cử đi, trong khi chúng tôi là những thầy thuốc điều trị, chuyên cứu người, còn rất trẻ, lại phải đi làm một việc mà trong cuộc đời mình không bao giờ dám nghĩ tới như vậy?
* Điều dưỡng N.N.T.:
“Chúng tôi chỉ được đào tạo để cứu người”
6g sáng 10-12, tôi và bác sĩ Th. có mặt ở trại tạm giam Công an tỉnh Phú Yên để cùng đoàn thi hành án lên đường đi Đắk Lắk. Đoàn chúng tôi đi bốn xe hơi, nhiều người lắm, tôi không nhớ là bao nhiêu. Đến bữa cơm chiều, khi nghe phân công nhiệm vụ thì chúng tôi “tá hỏa”. Suốt đêm 10-12, tôi và bác sĩ Th. không tài nào ngủ được khi nghĩ về nhiệm vụ của mình ngày mai. Hơn một năm công tác ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, tôi đã tìm tĩnh mạch để truyền dịch, truyền thuốc cho biết bao nhiêu bệnh nhân theo y lệnh của bác sĩ để chữa trị cho họ, chứ chưa bao giờ đi “lấy ven” để truyền thuốc độc vào cơ thể của người khác. Có lúc tôi tự đuổi suy nghĩ dằn vặt trong đầu mình bằng cách tự nhủ rằng đấy là một kẻ phạm tội man rợ, hiếp dâm trẻ em rồi ra tay giết người, cướp của không ghê tay, giờ thì người đó phải đền tội. Nhưng thật sự, nỗi ám ảnh về việc mình đi tìm tĩnh mạch để người ta truyền độc dược vào một cơ thể đang sống khiến tôi không khỏi bần thần. Tôi đã không được thông báo trước nhiệm vụ cụ thể, không được chuẩn bị tư tưởng để làm việc này.
Buổi sáng 11-12, khi đối diện với phạm nhân đã được cột chặt người trên giường, mắt và miệng được cột băng đen trong nhà thi hành án số 5 tỉnh Đắk Lắk, tôi không khỏi thất thần. Tay tôi run lên khi tìm tĩnh mạch trên tay người đàn ông ấy để đẩy kim vào và luống cuống đặt các điện cực vào ngực, tay, chân ông ta. Còn bác sĩ Th. thì giám sát. Sau khi xong nhiệm vụ, chúng tôi bước ra bên ngoài buồng thi hành án vì không dám chứng kiến các công đoạn còn lại của lực lượng chức năng.
Khi trở về bệnh viện, tôi không dám nói với ai về “nhiệm vụ” mà tôi và bác sĩ Th. vừa thực thi vì quá ám ảnh, không dám nghĩ tới, cầu mong mọi việc qua mau. Tôi không dám kể với cả gia đình mình về câu chuyện này vì tôi lo sợ mọi người sẽ trách cứ... Tôi cầu mong việc này đừng bao giờ xảy ra với mình và những đồng nghiệp khác nữa, bởi chúng tôi là những người chỉ được đào tạo để cứu người.
__________________
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):
Hội đồng thi hành án tử hình Phú Yên hiểu sai luật
Theo tôi, việc Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên buộc bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên thực hiện việc luồn kim vào tĩnh mạch của tử tù là không đúng quy định pháp luật.
Theo khoản 4, điều 59 Luật thi hành án hình sự năm 2010, nghị định 82/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự, thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 6-6-2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, TAND tối cao, Viện KSND tối cao hướng dẫn về thi hành án tử hình bằng thuốc độc đều xác định: Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh có trách nhiệm lập đội thi hành án tử hình làm nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình gồm đội trưởng và các tổ; áp giải, xác định tĩnh mạch và tiêm thuốc. Như vậy, nhiệm vụ xác định tĩnh mạch và tiêm thuốc đối với tử tù là công việc của cán bộ chuyên môn thuộc cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh hoặc cấp quân khu, không phải nhiệm vụ của cán bộ y tế thuộc sở y tế nơi hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định.
H.ĐIỆP ghi
Bác sĩ tiêm thuốc độc tử tù: tranh cãi về y đức
Đến nay, vấn đề giới y khoa tham gia việc tử hình bằng cách tiêm thuốc độc vẫn là một điều gây tranh cãi.
Theo tài liệu của Tổ chức Death Penalty Focus, mặc dù bác sĩ và y tá có lẽ là đối tượng đáng tin cậy nhất trong việc tiêm thuốc độc nhưng vấn đề về y đức lại không cho phép họ làm những điều như vậy. Hiệp hội Y khoa Mỹ từng ra một tuyên bố cấm các bác sĩ tham gia việc tử hình, nói rằng điều này đi ngược lại với lời thề Hippocrates và khiến lòng tin của công chúng đối với giới y khoa bị xói mòn. Hiệp hội Y tá Mỹ và Hiệp hội Bác sĩ gây mê cũng đưa ra các quan điểm tương tự.
Tuy nhiên, vấn đề khác lại nảy sinh. Việc cấm bác sĩ, y tá tham gia quá trình tiêm thuốc độc đã khiến việc tử hình bằng phương pháp này thường được thực hiện bởi các chuyên viên kỹ thuật thiếu kinh nghiệm hoặc những người bị buộc thừa hành lệnh, từ đó làm gia tăng rủi ro về sai sót trong tử hình bằng thuốc độc, gây đau đớn cho tử tù hoặc việc tử hình thất bại.
Death Penalty Focus cũng cho biết nhiều vụ tử hình có tiếng đã thất bại khi chuyên viên kỹ thuật sơ ý tiêm thuốc vào cơ bắp của tử tù hoặc đội hành quyết không thể tìm ra ven của tử tù.
Báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế còn cho biết nhiều chính phủ đã phải giấu danh tính của đội ngũ y bác sĩ tham gia thực hiện tử hình bằng thuốc độc để những người này bớt chịu các sức ép.
VIỆT PHƯƠNG
* Ông NGUYỄN PHI ĐÔ (phó chánh án, chủ tịch Hội đồng thi hành án TAND tỉnh Phú Yên): Thực hiện theo luật Chiều 14-12, ông Nguyễn Phi Đô cho biết việc thi hành án đối với tử tù Nguyễn Thành Khâu (33 tuổi, ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, bị tuyên án tử hình vì phạm các tội hiếp dâm trẻ em, giết người, cướp tài sản) đã có quyết định từ năm 2011, nhưng do chưa có hướng dẫn việc thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc nên phải chờ đến nay. Do đây là vụ án đầu tiên TAND tỉnh Phú Yên tiến hành thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, địa điểm thi hành lại ở Đắk Lắk nên phải đăng ký trước. Khi được phía tỉnh Đắk Lắk bố trí thời gian thi hành án thì TAND tỉnh mới hoàn tất các thủ tục để thi hành nên có phần cập rập. Tuy nhiên, việc ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình đối với tử tù và việc yêu cầu Sở Y tế tỉnh cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia trong vụ án này là đúng theo quy định của Luật thi hành án hình sự, nghị định 82/2011 của Chính phủ và thông tư liên tịch 05/2013 giữa các bộ Công an, Y tế, Quốc phòng, TAND tối cao, Viện KSND tối cao. “Luật thi hành án hình sự quy định rõ sở y tế phải cử bác sĩ của ngành tham gia hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết. Vì vậy khi TAND tỉnh gửi công văn đến yêu cầu ngành cử bác sĩ và điều dưỡng tham gia thì lãnh đạo Sở Y tế phải biết và việc cử ai tham gia thi hành án là do ngành y tế quyết định. Thực tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ L.C.Th. và điều dưỡng N.N.T. của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cũng chỉ xác định tĩnh mạch của phạm nhân mà thôi, còn việc bơm thuốc là việc của lực lượng khác”. * Bác sĩ Phan Vũ Nhân (giám đốc Sở Y tế Phú Yên): TAND tỉnh chưa bàn bạc kỹ Sở Y tế Phú Yên nhận được văn bản của Hội đồng thi hành án TAND tỉnh Phú Yên đề nghị hỗ trợ một bác sĩ và một điều dưỡng để tham gia cùng đoàn thi hành án tử hình tại Đắk Lắk. Thời gian rất gấp, công văn đến cuối tuần thì yêu cầu đầu tuần phải cử người ngay. Tôi định cử bác sĩ pháp y đi thì họ không chịu, chỉ nói là phải bác sĩ từ bệnh viện, đến để chứng kiến thôi. Thời gian gấp quá, họ lại hối, mình ngại không chấp hành chung thì sợ bị phê bình, nên cử người đi. Đây là một bài học kinh nghiệm vì đã không bàn bạc cụ thể, rõ ràng, không chuẩn bị tốt tinh thần cho các bác sĩ, điều dưỡng mà chỉ nói chung chung là có lực lượng y tế tham gia. * Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc (giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên): Nên có lực lượng riêng Chứng kiến bác sĩ và điều dưỡng tham gia cùng đoàn của Hội đồng thi hành án TAND tỉnh Phú Yên trở về hoảng loạn về tinh thần, chúng tôi xót xa và bất ngờ. Khi cử anh em đi, chúng tôi nghĩ chỉ tham gia để bảo vệ sức khỏe cho đoàn. Chúng tôi sẽ gửi công văn đề nghị Sở Y tế và các cơ quan liên quan giải thích rõ điều này, chứ nếu không mai mốt lại cử người của bệnh viện tham gia kiểu thế này thì không biết phải làm sao. Tôi nghĩ, để thực hiện việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc cần tuyển lực lượng riêng, không nên đưa các y, bác sĩ điều trị làm việc này vì nó hoàn toàn không tốt cho tâm lý và nghề nghiệp của anh em. KIM THỦY - PHƯƠNG TRÀ ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận