06/03/2016 14:59 GMT+7

Bác sĩ gia đình tại Nga và Việt Nam

PGS.TS.BS NGUYỄN DUY PHONG - LAM XUÂN ghi
PGS.TS.BS NGUYỄN DUY PHONG - LAM XUÂN ghi

TTO - Từ năm 2005, tại Đại học Quốc gia TP. St-Petersburg (Liên bang Nga), môn học “Y học gia đình” được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy và học tập.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong
PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong

Mục tiêu của khóa đào tạo nhằm hình thành được khái niệm về tổ chức và bản chất của quá trình thực hành y học đa khoa lâm sàng diện rộng tại Nga. Trên cơ sở đó, việc giảng dạy Y học gia đình cung cấp khái niệm, mục tiêu, nhiệm vụ, khối lượng công việc và hướng thực hành chủ yếu của một bác sĩ gia đình (BSGĐ).

Bác sĩ gia đình tại Nga

Tại Nga, khái niệm “Thực hành đa khoa tổng quát” được hiểu là hệ thống tổ chức thăm khám bậc 1 do một bác sĩ thực hiện độc lập hay cùng với các đồng nghiệp, bao gồm việc theo dõi và điều trị liên tục cho các bệnh nhân, cho các thành viên trong gia đình, không phân biệt giới tính và tuổi tác.

Theo văn bản của Bộ Y tế Liên bang Nga, “bác sĩ thực hành đa khoa tổng quát” là một chuyên viên y tế có trình độ đại học, có quyền pháp lý thực hiện việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.

Hiện nay, BSGĐ tại Nga chính là bác sĩ đa khoa tổng quát theo tên gọi trước đây. Tuy nhiên, khái niệm này được hiểu rộng hơn với sự bổ sung cụm từ “hệ thống tổ chức” chăm sóc sức khỏe ban đầu. Công việc của BSGĐ nhằm chăm sóc sức khỏe cho mỗi một thành viên trong gia đình cùng chung sống.

Ví dụ như sức khỏe của một em bé 5 tuổi trong một gia đình sẽ chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền, lối sống, tập quán… của cha mẹ, ông bà. Để việc chăm sóc này được triệt để, hiệu quả, người BSGĐ cần nắm vững được tất cả các thông tin trên.

Phân tích hoạt động của các khoa, các trung tâm Y học gia đình tại TP. Saint-Petersburg cho thấy hiệu quả không chỉ về mặt sức khỏe người dân mà còn là hiệu quả về kinh tế. Tỉ lệ người dân đến khám tại các trung tâm chuyên khoa sâu giảm 50% và tỉ lệ nhập viện của người dân giảm từ 30-35% so với số liệu thống kê trung bình hàng năm của thành phố trước đây.

Hoạt động của bác sĩ gia đình cũng làm cải thiện mối quan hệ “bác sĩ-bệnh nhân”, nhất là trong việc chăm sóc người già (chiếm 30% dân số tại Saint-Petersburg).

Hoạt động của bác sĩ gia đình còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tật: các bệnh cấp tính (cúm, viêm phổi, tiêu chảy cấp…) và các bệnh mạn tính (cao huyết áp, tiểu đường…), phát hiện và điều trị sớm bệnh ung thư…

Mô hình bác sĩ gia đình tại Việt Nam

Tại Việt Nam, quan niệm “gia đình” có rất nhiều điểm khác biệt so với “gia đình” tại Nga cũng như tại các nước Âu - Mỹ.

Trước hết, trong một gia đình tại VN thường có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Giao tiếp trong gia đình cũng có nhiều điểm khác biệt so với sự giao tiếp trong gia đình các nước khác.

Về mặt y học, trong điều kiện tại VN, chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc chung “y học gia đình” của Nga với sự điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của phong tục, tập quán, khí hậu… tại từng địa phương.

Như vậy, một BSGĐ tại Việt nam cần thiết phải là:

- Một bác sĩ lâm sàng giỏi: BSGĐ tại VN phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe đa dạng, nắm vững các yếu tố dịch tễ, phong tục tập quán có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tại địa phương mình phụ trách. Phải thực sự nắm vững các bệnh thường gặp tại địa phương thì người BSGĐ mới có thể chẩn đoán chính xác căn bệnh và có hướng xử trí thích hợp.

- Một chuyên viên thông thạo về khoa học y tế công cộng và y học cộng đồng: biết cách tổ chức và sử dụng nguồn lực sẵn có, biết cách phối hợp với các chuyên viên ngành khác nhằm giải quyết triệt để vấn đề sức khỏe của người dân.

- Một chuyên viên về khoa học hành vi: việc giao tiếp trong gia đình VN bao gồm nhiều thế hệ rất phức tạp và khó hiểu đối với người nước ngoài. Người BSGĐ cần đối thoại để chuyển biến tư tưởng, suy nghĩ của bệnh nhân. Mối quan hệ SBGĐ và bệnh nhân là một mối quan hệ liên tục và lâu dài.

- Một bác sĩ nắm vững về nguyên tắc nghiên cứu khoa học, nắm vững về y học chứng cứ nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc xử trí các vấn đề sức khỏe trong gia đình.

Nói tóm lại, tại VN nói chung và TP.HCM nói riêng, so với các chuyên khoa khác, chuyên khoa “y học gia đình” vẫn còn non trẻ. Nhằm phát triển nhanh và vững chắc chuyên ngành y học gia đình, việc học tập kinh nghiệm phát triển y học gia đình tại các nước, nhất là tại Nga trở nên cần thiết.

Những khó khăn, thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển y học gia đình tại Nga có những điểm tương tự tại VN. Cả hai nước từng có nguyên tắc chung về cơ cấu tổ chức hệ thống y tế, từng trải qua thời kỳ bao cấp và chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, điều kiện ở mỗi nước có nhiều điểm khác biệt nhau, chúng ta không thể rập khuôn mà chỉ học tập những kinh nghiệm và những nguyên tắc chung.

Vì nền tảng BSGĐ là bác sĩ đa khoa, nên sau 6 năm học bác sĩ đa khoa nếu chọn làm BSGĐ, bác sĩ học tiếp 9 tháng định hướng (được cấp chứng chỉ), tiếp tục tham gia kỳ thi quốc gia tuyển sinh sau đại học (thông thường là tháng 3 hàng năm, năm 2016 rơi vào ngày 24,25-3). Sau đó tiếp tục học 2 năm lên bác sĩ chuyên khoa I và tiếp tục 2 năm cho bác sĩ chuyên khoa II. Đây là theo hướng thực hành.

Nếu theo hướng nghiên cứu, bác sĩ có thể học lên thạc sĩ và tiến sĩ BSGĐ. Hiện nay, có nhiều trường đào tạo BSGĐ như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Nguyên, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Cần Thơ, ĐH Y dược Huế và ĐH Y dược TP.HCM.

Hiện tại, ĐH Y dược TP.HCM chỉ đào tạo đến thạc sĩ BSGĐ.

PGS.TS.BS NGUYỄN DUY PHONG - LAM XUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bác sĩ gia đình
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp