05/10/2019 12:22 GMT+7

‘Bác sĩ Filatov’ Nguyễn Thiện Thành - di sản sống mãi với thời gian

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Tròn 100 năm ngày sinh và 5 năm kể từ ngày GS.TS Nguyễn Thiện Thành về với đất mẹ, những di sản mà vị giáo sư đáng kính để lại cho ngành y tế vẫn còn nguyên giá trị với thời gian.

‘Bác sĩ Filatov’ Nguyễn Thiện Thành - di sản sống mãi với thời gian - Ảnh 1.

Hình ảnh GS.TS Nguyễn Thiện Thành bên người vợ, y tá chiến trường - bà Dương Thị Minh - Ảnh: TL

"Di sản" ấy chính là 35 tác phẩm y học có giá trị; nghiên cứu thành công về hai loại thuốc mới chữa một số bệnh về hệ tim mạch và gan; nghiên cứu cho ra đời phương pháp Filatov. Đặc biệt, ông còn được biết đến là người đặt nền móng cho ngành lão khoa phía Nam.

"Bác sĩ Filatov"

Cố GS.TS Nguyễn Thiện Thành có quá trình học tập, được đào tạo chính quy tại Trường ĐH Y Hà Nội, gắn bó và đóng góp với quân đội 30 năm liên tục. Ông có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển y học nước nhà trên các lĩnh vực điều trị lâm sàng, nghiên cứu khoa học, đào tạo và phổ cập kiến thức y học.

Trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, ông luôn trăn trở làm thế nào để có thuốc trị bệnh cho nhân dân và nâng cao sức đề kháng của cơ thể người lính trong điều kiện thiếu thốn của kháng chiến trường kỳ.

‘Bác sĩ Filatov’ Nguyễn Thiện Thành - di sản sống mãi với thời gian - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng má, bà Dương Thị Minh tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố giáo sư Nguyễn Thiện Thành - Ảnh: H.L

Ông đã tiếp cận với phương pháp Filatov một cách tình cờ. Trong tạp chí y học Presse Médicale của Pháp năm 1949 nêu những kết quả đạt được nhờ phương pháp Filatov. Nhưng tác giả của bài này cho rằng thuyết "đấu tranh với nghịch cảnh" của bác sĩ Liên Xô (cũ) Filatov mới chỉ là một giả thuyết.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành nhận thức được triển vọng áp dụng phương pháp Filatov trong điều kiện chiến trường vì ông cho rằng đó là một lý thuyết có căn cứ khoa học. Đến năm 1951, ông đã thuyết trình về phương pháp và học thuyết Filatov trước cán bộ quân y và được mọi người đón nhận.

Phương pháp cấy nhau theo học thuyết Filatov ra đời, có hiệu quả cao, dễ làm. Phương pháp Filatov từng bước được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế chữa bệnh cho người dân. Ngày 27-11-1951, phương pháp này bắt đầu được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam đem lại kết quả khả quan.

‘Bác sĩ Filatov’ Nguyễn Thiện Thành - di sản sống mãi với thời gian - Ảnh 3.

Gia đình Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố giáo sư Nguyễn Thiện Thành - Ảnh: H.L

Ảnh hưởng của phương pháp Filavtov vào những năm cuối của kháng chiến chống Pháp khá sâu rộng trong đời sống y học Việt Nam và từ đó ông được gọi là "bác sĩ Filatov".

Thời gian sau đó, ông cùng đơn vị hợp tác với Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 24 nghiên cứu thành công hai loại thuốc mới - Kaglutam (Kali glutamat) và Spirulina - Linavina, tảo Spirulina của Việt Nam (tảo xoắn xanh), có tác dụng chữa một số bệnh về hệ tim mạch và gan.

Đặc biệt, ông còn được biết đến là người đặt nền móng cho ngành lão khoa phía Nam. Nổi bật trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học từ 1965 đến nay, ông đã viết 35 tác phẩm y học có giá trị.

Tấm gương của bao thế hệ bác sĩ

Buổi kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố GS.TS Nguyễn Thiện Thành được Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM tổ chức long trọng sáng 5-10.

‘Bác sĩ Filatov’ Nguyễn Thiện Thành - di sản sống mãi với thời gian - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Thành - thư ký riêng của cố giáo sư Nguyễn Thiện Thành - chia sẻ bức ảnh kỷ niệm chụp chung - Ảnh: H.L

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Thành ủy, UBND TP.HCM, Đại sứ quán Trung Quốc, Lào, Campuchia tại TP.HCM cùng hàng trăm đại biểu là đồng nghiệp, đồng chí, học trò của cố giáo sư Nguyễn Thiện Thành. Đặc biệt là sự có mặt của phu nhân giáo sư Nguyễn Thiện Thành, bà Dương Thị Minh.

Là học trò và là thế hệ thứ 5 lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất, ông Nguyễn Đức Công - nguyên giám đốc của bệnh viện - chia sẻ thầy Thành có một sức hút rất ghê gớm với nhiều thế hệ bác sĩ, mỗi lần gặp gỡ thầy đều cho ông những cảm nhận rất riêng.

"Đó thật sự là một nhà khoa học học hành nghiêm túc với một mục đích là vận dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống. Nhà khoa học ấy đồng thời là một nhà giáo, một kiến trúc sư, người đặt nền móng cho ngành lão khoa Việt Nam và là người có công gầy dựng nên Bệnh viện Thống Nhất ngày nay" - ông Công chia sẻ.

‘Bác sĩ Filatov’ Nguyễn Thiện Thành - di sản sống mãi với thời gian - Ảnh 5.

Cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của cố GS.TS Nguyễn Thiện Thành do Bệnh viện Thống Nhất dày công biên soạn - Ảnh: H.L

Ông Công chia sẻ trước khi được gặp trực tiếp, ông biết đến thầy qua những cuốn sách thầy viết. Đó là những cuốn sách về phương pháp Filatov hay khái niệm cơ sở trong khoa học tuổi thọ…

Và ngoài kiến thức uyên thâm, giáo sư Nguyễn Thiện Thành còn gây ấn tượng trong ông về sự hài hước, nét chữ rất đẹp, kiểu tác phong nề nếp của quân đội với những "kỷ luật thép" khi bàn về những vấn đề khoa học, có những công việc cần làm ngay nhưng lại không làm người đồng cấp, cấp dưới phải căng thẳng.

"Bởi thầy luôn biết cách nói những vấn đề quan trọng một cách giản dị, dễ hiểu và nhiều khi thầy pha trò trong những câu chuyện" - ông Công kể.

Và không chỉ với ông Công, tình cảm ấy còn được biết bao nhiêu thế hệ học trò lưu giữ. Trong bài cảm nhận của mình về người thầy quá cố, ông Lê Đình Thanh - giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - nói rằng cả cuộc đời thầy Nguyễn Thiện Thành dành trọn tình yêu và nặng nợ với ngành y.

Nhắc về thầy Thành, với ông đó là nhắc tới sự nghiêm khắc với cấp dưới và chính mình. Bởi thầy hiểu rõ, bất cứ một sai sót nào của bác sĩ dù là nhỏ cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh con người.

"Xuyên suốt cuộc đời mình, thầy chỉ có một luận án duy nhất, đó là sức khỏe của nhân dân và thầy đã tận hiến không mệt mỏi để hoàn thành xuất sắc luận án đó" - ông Thanh chia sẻ.

Xúc động chia sẻ tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, con trai của cố giáo sư Nguyễn Thiện Thành, chia sẻ cha mình có một đặc điểm là ít nói về mình, ông luôn tự quyết định phải làm gì ở những thời điểm mà ông có sự lựa chọn và dù cuộc đời có khó khăn tới đâu, ông cũng không bao giờ bế tắc.

‘Bác sĩ Filatov’ Nguyễn Thiện Thành - di sản sống mãi với thời gian - Ảnh 6.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu cảm ơn các đồng đội và học trò của cố giáo sư Nguyễn Thiện Thành - Ảnh: H.L

Và năm 1939, ông đã lựa chọn học ngành y thay vì nhận học bổng sang Pháp học 3 ngành gồm võ bị, chính trị và thương mại cao cấp. Đối với ông, vào thời điểm đó cả 3 ngành này đều không thể phụng sự đất nước, nhân dân.

Nhắc về những cống hiến mang đậm dấu ấn cho cách mạng nói chung và cho ngành y tế nói riêng của cha mình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đó là nhờ vào sự chia sẻ, đùm bọc của má, bà Dương Thị Minh. Rồi từ khi tham gia cách mạng đến nay, cha ông luôn được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên, chia sẻ của đồng đội, đồng chí.

"Tự tận đáy lòng mình, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, UBND TP.HCM, quê hương Trà Vinh, Bệnh viện Thống Nhất cùng đội ngũ y bác sĩ luôn dành cho cha tôi sự hỗ trợ về tinh thần và điều kiện làm việc trong những năm tháng vừa qua" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân xúc động nói.

Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý

GS.TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 30-9-1919 tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, Trà Vinh. Là thân sinh của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Ông qua đời ngày 8-10-2013 tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 95 tuổi. Quá trình hoạt động, ông được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý với 16 huân, huy chương các loại; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; danh hiệu Anh hùng lao động (1985); danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (1989).

Để ghi nhớ những đóng góp to lớn cho cách mạng và ngành y tế, năm 2015 Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đã cho ra đời cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS Nguyễn Thiện Thành.

​Ra mắt sách về cuộc đời, sự nghiệp cố GS.TS Nguyễn Thiện Thành ​Ra mắt sách về cuộc đời, sự nghiệp cố GS.TS Nguyễn Thiện Thành

TTO - Việc ra mắt sách về cuộc đời, sự nghiệp của cố GS Nguyễn Thiện Thành là tâm nguyện, sự tri ân của cán bộ và nhân viên Bệnh viện Thống Nhất đối với công lao to lớn của ông.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp