12/01/2020 20:50 GMT+7

Bác sĩ David Dương Bảo Long: Tôi từng xấu hổ vì màu da của mình

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - David Dương Bảo Long, Daniel Hoài Tiến lớn lên tại Mỹ, những tưởng mình là người Mỹ 100%, nhưng màu da vẫn là yếu tố khiến họ thấy "lạc loài".

Bác sĩ David Dương Bảo Long: Tôi từng xấu hổ vì màu da của mình - Ảnh 1.

Ba nhân vật (từ trái qua): bác sĩ David Dương Bảo Long, Daniel Hoài Tiến, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc chia sẻ câu chuyện của họ trong buổi ra mắt sách "Ngày trở về: Mẹ ơi, con là người Việt Nam!" - Ảnh: NGỌC DIỆP

Cả hai từng nghĩ mình sẽ sống bên Mỹ mãi mãi, nhưng bằng cách nào đó dòng máu Việt Nam vẫn âm thầm thúc đẩy họ trở về quê hương.

Tại Việt Nam họ đã trả lời được câu hỏi quan trọng nhất trong đời: Tôi là ai?

Giống như mọi người Mỹ khác, tôi cũng có một giấc mơ Mỹ. Suốt thời kỳ từ cấp một đến cấp ba, trong giấc mơ Mỹ của tôi chưa bao giờ có Việt Nam. Bởi vì lúc đó tôi chưa biết gì về Việt Nam. Tôi sống ở một tiểu bang toàn người da trắng, tôi bị người ta nhìn như một vật thể lạ, đã có thời gian tôi cảm thấy xấu hổ vì màu da của mình.

Bác sĩ David Dương Bảo Long

Nếu David Dương Bảo Long di cư sang Mỹ thì Daniel Hoài Tiến sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Nhưng cảm giác của Hoài Tiến cũng không khác Bảo Long bởi màu da chính là yếu tố khiến anh luôn cảm thấy mình không thuộc về cộng đồng này.

Khác với David Dương Bảo Long và Daniel Hoài Tiến, nhà phát minh, doanh nhân Trần Ngọc Phúc du học Nhật Bản trước năm 1975. Dù Nhật Bản - Việt Nam "gần" nhau hơn, nhưng không dễ để một người da vàng ngoại quốc như ông Phúc hòa nhập được vào xã hội Nhật Bản.

Nhưng với quyết tâm: "Khi mình sống tha hương và ở trong nước của người ta, mình phải để lại vết chân và đường đi của mình", ông Phúc đã làm nên một sự nghiệp rạng danh người Việt tại Nhật Bản.

Ba người đàn ông này từng là nhân vật trong Gala Ngày trở về, chương trình của VTV4 - Ban đối ngoại Đài Truyền hình Việt Nam. Năm nay kỷ niệm 10 năm phát sóng Ngày trở về, những người làm chương trình đã ra mắt ấn phẩm Ngày trở về: Mẹ ơi con là người Việt Nam!

Câu chuyện về TS Nguyễn Thanh Mỹ trong Gala Ngày trở về 2019 - Video: VTV

Bảy nhân vật, bảy câu chuyện là minh chứng cho thấy người Việt dù ở bất cứ nơi đâu, làm công việc gì, thì quê hương vẫn là nguồn năng lượng nuôi dưỡng tâm hồn họ, tiếp thêm sức mạnh để họ vươn lên trong cuộc sống và nhiều người đã làm rạng danh đất nước.

Biên tập viên Lê Hoàng Linh, phó trưởng phòng Tiếng Anh, VTV4, người tham gia viết cuốn sách, cho biết: "Tôi tin rằng câu chuyện cuộc đời của bảy nhân vật, cũng như những triết lý nhân sinh sâu sắc của họ không chỉ có ích cho độc giả mà còn có ích cho thế hệ sau này".

Bác sĩ David Dương Bảo Long: Tôi từng xấu hổ vì màu da của mình - Ảnh 4.

Daniel Hoài Tiến (giữa) giới thiệu với bác sĩ David Dương Bảo Long và MC Hạnh Phúc những loại thảo mộc đặc biệt ở miền núi phía Bắc - Ảnh: NGỌC DIỆP

Sáng 12-1, ba nhân vật bác sĩ David Dương Bảo Long, Daniel Hoài Tiến, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc bằng xương bằng thịt đã xuất hiện trong lễ ra mắt cuốn sách và chia sẻ câu chuyện của họ.

Daniel Hoài Tiến đã mang đến một gùi gồm giống ngô bản địa, các loại thảo mộc đặc sắc của một số dân tộc miền núi phía Bắc và rượu Sông Cái, loại rượu được làm từ các giống ngô này do anh nghiên cứu.

Bác sĩ David Dương Bảo Long: Tôi từng xấu hổ vì màu da của mình - Ảnh 5.

Ấn phẩm 'Ngày trở về: Mẹ ơi con là người Việt Nam!' do Nhà xuất bản Trẻ phát hành - Ảnh: NGỌC DIỆP

"Nông sản không chỉ là lương thực mà còn là tâm linh, sắc tộc. Tôi sưu tầm và khôi phục lại các giống bản địa không chỉ để giữ giống mà còn giúp bà con sinh kế trên nền tảng văn hóa của họ.

Việt Nam đang thay đổi quá nhanh, nếu không biết giữ chỉ năm trước năm sau có thể biến mất những giống bản địa. Mất giống cây, có thể kéo theo mất nhiều thứ khác. Đối với khu vực miền núi phía Bắc còn là vấn đề an ninh quốc phòng", Daniel Hoài Tiến chia sẻ.

Bác sĩ David Dương Bảo Long hiện đang là phó giám đốc Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) và là người sáng lập tổ chức phi chính phủ Crossing Borders đưa tình nguyện viên người Mỹ và người Mỹ gốc Việt đến làm việc tại trạm xá ở Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Khi về Việt Nam tôi chỉ muốn khám phá, tò mò muốn tìm hiểu tôi là ai. Sau này tôi đã nhìn thấy Việt Nam trong tương lai của mình và tìm được chỗ của mình trong tương lai của Việt Nam. Với nghề nghiệp, vị trí của tôi trong xã hội, tôi thấy có thể đóng góp, giúp đỡ cho đất nước rất nhiều. Mong muốn được đóng góp là động lực để tôi lên máy bay về Việt Nam rất nhiều lần.

Bác sĩ David Dương Bảo Long

Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc là người đầu phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số (HFO) Hummingbird. Trước khi có phát minh này, tại Nhật Bản, 90% trẻ sinh non tử vong. Nhờ phát minh này 99,7% trẻ sinh non được cứu sống.

Đây là phát minh của một người yêu trẻ con, chỉ tâm niệm một điều làm sao cứu sống được trẻ sinh non càng nhiều càng tốt. Nhiều năm qua ông đã đưa rất nhiều chuyên gia về Việt Nam đào tạo cho hàng trăm bác sĩ.

Và hiện tại ông đã lập công ty tại Việt Nam với tâm niệm muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp