Chị Thu Giang (28 tuổi, Hà Nội) bị đau bụng âm ỉ kéo dài 4 ngày nay kèm theo sốt nhẹ. Đi khám tại một bệnh viện, bác sĩ kết luận chị Giang bị viêm ruột thừa, phải phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết viêm ruột thừa là một cấp cứu bụng ngoại khoa có tần suất gặp hàng đầu tại các cơ sở y tế, chiếm khoảng 30%. Viêm ruột thừa gặp ở mọi lứa tuổi, độ tuổi hay gặp từ 15 - 40 tuổi.
Viêm ruột thừa hay gặp trên lâm sàng, dễ chẩn đoán, nhưng nếu không chẩn đoán đúng và sớm sẽ để lại những hiểm họa khôn lường, biến chứng nặng nề có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
"Chẩn đoán đúng và can thiệp ngoại khoa sớm trong vòng 24 giờ giúp giảm thiểu những tai biến và biến chứng của viêm ruột thừa", bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh.
Triệu chứng dễ nhầm lẫn
Bác sĩ Nghĩa cho biết thêm, viêm ruột thừa có những triệu chứng lâm sàng thường khởi phát bằng triệu chứng đau bụng. Đau bụng thường khu trú ở vị trí hố chậu phải, đau âm ỉ và liên tục.
Tuy nhiên nhiều trường hợp có những khởi phát đau bụng vị trí thượng vị hoặc trên rốn sau mới lan dần dến hố chậu phải khiến người bệnh chủ quan, nhầm lẫn với những bệnh nội khoa thông thường như viêm dạ dày…
Người bệnh sốt 37,5 - 38 độ C, người mệt mỏi, có dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu không phát hiện điều trị sớm, mức độ đau và sốt sẽ tăng lên phụ thuộc các mức độ nặng và biến chứng của viêm ruột thừa.
Vì vậy, bác sĩ Nghĩa cảnh báo nếu có dấu hiệu đau bụng vùng hố chậu phải kèm những biểu hiện của sốt và nhiễm trùng nên đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm.
Biến chứng khó lường
Theo bác sĩ Nghĩa, chẩn đoán viêm ruột thừa giai đoạn cấp tính đa phần các trường hợp không khó. Tuy nhiên nhiều trường hợp biểu hiện không rõ ràng, người bệnh chủ quan không thăm khám kịp thời, sử dụng thuốc giảm đau không đúng chỉ định, viêm ruột thừa có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm cho tính mạng. Trong đó có những biến chứng như:
- Viêm phúc mạc ruột thừa: Người bệnh bị viêm ruột thừa đến muộn, ruột thừa vỡ gây nhiễm khuẩn toàn bộ ổ bụng, dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng. Trường hợp này phải phẫu thuật càng sớm càng tốt cắt bỏ ruột thừa làm sạch ổ bụng kết hợp với hồi sức tích cực người bệnh.
- Áp xe ruột thừa: Ruột thừa vỡ và hình thành một ổ mủ trong ổ bụng. Trường hợp này cần sớm tìm cách dẫn lưu hết mủ trong ổ áp xe bằng phương pháp can thiệp dưới hướng dẫn siêu âm ổ bụng hoặc phẫu thuật.
Phòng ngừa viêm ruột thừa
Theo các chuyên gia về sức khỏe, không có giải pháp phòng ngừa viêm ruột thừa tuyệt đối. Tuy nhiên, một chế độ ăn giàu chất xơ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Nhóm thực phẩm này bao gồm: hoa quả; rau; các loại đậu (đậu lăng, đậu tách hạt…); bột yến mạch; gạo lứt; lúa mì nguyên hạt và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận