Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn giải đáp các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp - Ảnh: ĐĂNG HÒA
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến đối thoại với gần 200 doanh nghiệp FDI diễn ra ngày 17-7, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết doanh nghiệp FDI và tỉnh Bắc Ninh luôn đồng hành hợp tác chặt chẽ.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt thứ tư là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân.
"Đối với doanh nghiệp FDI, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua nhiều biện pháp sáng tạo để hạn chế tối đa dịch xâm nhập vào nhà máy, tiêu biểu là việc tổ chức cho công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy. Qua đó, vừa tạo nên thành công của doanh nghiệp, vừa có sức lan tỏa mạnh mẽ với những chuyển biến mang tính động lực kiến tạo, thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh Bắc Ninh.
Bắc Ninh sẽ tiếp tục duy trì việc tập trung đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như một hoạt động thường kỳ, thể hiện cam kết và trách nhiệm của tỉnh trong suốt quá trình phát triển với mục tiêu tăng cường trao đổi, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp" - bà Lan khẳng định.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (thứ hai từ trái sang) kiểm tra khu vực bếp ăn của Tập đoàn KHKT Hồng Hải (Khu công nghiệp Quế Võ) - Ảnh: ĐĂNG HÒA
Tại hội nghị, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh Bắc Ninh các vấn đề cấp phép lao động và nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19. Việc triển khai thực hiện nghị quyết số 68 của Chính phủ và quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, việc thực hiện quy định phòng, chống dịch và kế hoạch tiêm vắc xin, cơ chế cho vay để trả lương ngừng việc do dịch COVID-19...
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, rà soát các nội dung kiến nghị của doanh nghiệp trên tinh thần quyết liệt, triệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
"Các sở, ngành, địa phương cần khắc phục tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh', tạo sự đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các cấp huyện, xã trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phải xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc. Trường hợp cơ quan trả kết quả chậm, thủ trưởng cơ quan phải có thư xin lỗi tới người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi phiền hà, nhũng nhiễu, giải quyết không đúng hạn hồ sơ của doanh nghiệp" - bà Giang nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra mắt Tổ phản ứng nhanh "3 nhất" hỗ trợ doanh nghiệp (tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất) do Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn làm tổ trưởng.
Bắc Giang hỗ trợ thợ xây, phụ hồ, bốc vác… 1,5 triệu đồng
Ngày 17-7, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn.
Cụ thể, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thuộc các hộ gia đình phi nông nghiệp được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người khi có đủ điều kiện như sau:
- Mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 27-4 đến hết năm nay, không có nguồn thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng /tháng với khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/tháng đối với khu vực thành thị (mức chuẩn nghèo của quốc gia giai đoạn 2021 - 2025), gặp khó khăn trong cuộc sống.
- Làm một trong những công việc như thu gom phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hóa (chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, xe môtô 2 bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các chợ đầu mối, các ga đường sắt, cảng sông); lái xe môtô 2 bánh chở khách (xe ôm); bán lẻ xổ số lưu động; thợ xây, phụ hồ.
- Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống (nhà hàng, quán ăn; quán rượu, bia, quầy bar; quán cà phê, giải khát), cơ sở làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, sơn sửa móng tay).
Ông Mai Sơn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - nhấn mạnh: "Nguyên tắc hỗ trợ bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi người chỉ được hỗ trợ một lần".
Người lao động gửi đơn hỗ trợ tại UBND xã/phường/thị trấn nơi cư trú. Thời gian tiếp nhận đơn đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.
Kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ của UBND cấp huyện, UBND UBND cấp xã phải thực hiện chi hỗ trợ trong vòng 3 ngày làm việc.
Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm về việc xét duyệt đảm bảo đúng đối tượng, đủ điều kiện đề nghị hỗ trợ.
Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, nghị quyết số 68 của Chính phủ và các nguồn huy động hợp pháp khác.
HÀ QUÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận