Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung, chia sẻ về việc thu hút đầu tư và chủ trương phát triển năng lượng sạch và tăng trưởng xanh của tỉnh. Ông cho biết:
Ông Dương Thành Trung - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ảnh: C.QUỐC
- Trước đây, Bạc Liêu có quy hoạch cụm nhà máy nhiệt điện than tại Cái Cùng, huyện Đông Hải với tổng quy mô công suất lên đến 3.600MW. Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030 (còn gọi là Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII) thì đến năm 2029 sẽ đưa vào vận hành tổ máy đầu tiên 600MW và đến năm 2030 sẽ đưa vào vận hành tổ máy tiếp theo thêm 600MW nữa.
Việc đầu tư xây dựng cụm nhà máy này sẽ mang lại cho Bạc Liêu nhiều lợi ích to lớn về mặt kinh tế, nhất là tăng trưởng GRDP, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ phát triển…
Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thì nhà máy nhiệt điện than tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, khó kiểm soát các chất xả thải khói bụi, xỉ than… Do đó, tập thể Lãnh đạo tỉnh đã cân nhắc, thảo luận rất kỹ, đánh giá được - mất ở nhiều mặt và cuối cùng thống nhất ưu tiên yếu tố môi trường nhằm phát triển bền vững. Từ đó Bạc Liêu đã mạnh dạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho rút cụm Nhà máy nhiệt điện than nêu trên ra khỏi Quy hoạch tổng sơ đồ điện VII. Đồng thời đề xuất cho phép tỉnh bổ sung các dự án năng lượng tái tạo để tạo nguồn điện khác thay thế và Thủ tướng Chính phủ đồng tình, đánh giá cao.
* Sau quyết định bước đầu được đánh giá cao này là gì, thưa ông?
- Ngoài dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu 99,2MW đã đưa vào hoạt động, lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện nay, thì hiện nay Bạc Liêu đã và đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tiếp cận nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Hongkong... với năng lực kinh nghiệm tốt và và tiềm lực tài chính mạnh.
Đến nay đã có 3 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, gồm dự án nhà máy điện gió giai đoạn 3 (công suất 142MW), dự án nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (công suất giai đoạn 1 là 60MW, dự kiến mở rộng thêm 240MW ở giai đoạn sau) và dự án nhà máy điện gió Đông Hải 1 (công suất giai đoạn 1 là 50MW, dự kiến mở rộng thêm 250MW ở giai đoạn sau). Cả 3 dự án này sẽ triển khai thi công trong năm 2018, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Ngoài ra, tỉnh cũng lựa chọn và đã chấp thuận cho 8 nhà đầu tư khác tiếp cận nghiên cứu khảo sát, gồm 5 dự án điện gió đang tiến hành đo gió: Hòa Bình 2, Hòa Bình 3, Đông Hải 2, Đông Hải 3 và nhà máy điện gió trên bờ tại Vĩnh Lợi. Cùng với 3 nhà máy điện mặt trời, với tổng quy mô công suất nghiên cứu của 8 dự án này là 2.000 MW. Tỉnh đánh giá đây đều là những nhà đầu tư thực sự nghiêm túc, có năng lực, tiếp cận nghiên cứu đầu tư bài bản để tiến tới đầu tư thực sự trong thời gian tới.
Cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
* Từ thực tế này, kinh nghiệm của tỉnh Bạc Liêu là gì để thu hút được các nhà đầu tư, đầu tư vào năng lượng sạch?
- Hiện tỉnh đã hoàn thành các quy hoạch để tạo khung pháp lý cho công tác đầu tư, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, ưu đãi về đất đai, về thuế; rút ngắn tối đa các thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện... Song song đó, tỉnh cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư, phát triển dự án. Nói cách khác, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ với mức cao nhất trong khung quy định cũng như kịp thời xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, song nhà đầu tư phải triển khai bài bản, thực chất, trên tinh thần các bên cùng có lợi.
* Thưa ông, nhiều nhà đầu tư cho biết vấn đề họ quan tâm nhất là giá bán điện vì đây là yếu tố quyết định sự thành bại của dự án. Tỉnh đã có sự hỗ trợ gì đối với các nhà đầu tư về vấn đề này?
- Có nhiều yếu tố quyết định hiệu quả đầu tư của dự án như chi phí đầu tư (chủ yếu là thiết bị, nền móng, đường điện đấu nối...), chi phí lãi vay, hệ số phát huy công suất của tuabin, chi phí quản lý vận hành… Song một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư là giá bán điện. Hiện nay, giá bán điện đang được áp dụng chung là 7,8 cents/kWh. Tuy nhiên, đối với nhà máy điện gió Bạc Liêu, xuất phát từ các yếu tố đặc thù như đầu tư điện gió trên biển với suất đầu tư cao hơn, đường điện cao thế đấu nối chưa có, địa bàn vùng sâu vùng xa làm cho chí phí vận hành lớn hơn… Do đó, tỉnh Bạc Liêu đã tích cực hỗ trợ, cùng với nhà đầu tư giải trình các chi phí liên quan, làm cơ sở kiến nghị áp dụng cơ chế giá mua điện đặc thù cho dự án. Kết quả nhà máy điện gió Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho hưởng mức giá mua điện 9,8 cent/kWh, cao nhất tại Việt Nam hiện nay.
* Lãnh đạo tỉnh kỳ vọng gì trong chủ trương phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của tỉnh?
Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là xu thế phát triển chung của thế giới. Đối với tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi đã xác định phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là một trong bốn trụ cột phát triển của tỉnh. Trong thời gian tới, Bạc Liêu sẽ làm hết sức mình để trụ cột này phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của tỉnh, kết hợp với nguồn ngoại lực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để xây dựng Bạc Liêu phát triển bền vững, sớm trở thành "viên ngọc xanh trên bờ biển phía Nam đất nước" như kết luận chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ đối với Bạc Liêu.
Đối với các dự án khác, tỉnh cũng đã cam kết sẽ đồng hành với nhà đầu tư, trước hết là tìm cách tối ưu hóa các chi phí đầu vào, đồng thời ghi nhận các chi phí của dự án để cùng với nhà đầu tư báo cáo, giải trình theo quy định, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định mức giá mua điện cụ thể theo hướng đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các bên.
Ngoài ra, các dự án điện gió trên vùng bãi bồi ven biển Bạc Liêu đều là những dự án có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, địa bàn đầu tư là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, các dự án này có tác dụng giúp gây bồi, tạo bãi, hạn chế xói lở bờ biển. Do đó, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế kéo dài thêm thời hạn cho thuê đất lên mức tối đa (70 năm - thay vì 50 năm như các dự án khác) nhằm tăng thêm hiệu quả đầu tư, qua đó làm tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đổi lại, nhà đầu tư phải thực hiện phương án trồng rừng trên diện tích đất thuê này.
Kiến nghị này của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng tình, ủng hộ và giao cho tỉnh triển khai thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận