Áp-phích về Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu - Ảnh: Reuters |
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một sự kiện quốc tế lớn. Trước hội nghị G20 lần này có thể kể đến APEC 2014, Shanghai World Expo 2010, Olympics 2008…
“Bí quyết” thành công lớn nhất của Bắc Kinh (dù biết cũng khó ai theo nổi) đó là huy động nguồn nhân lực và ngân sách khổng lồ cho những sự kiện trên.
Chẳng hạn Olympics 2008 tiêu tốn hết 42 tỉ USD tiền thuế của dân Trung Quốc, trong khi kỳ thế vận hội London và Rio chỉ tốn 15 tỉ và 6,2 tỉ USD. Ngoài “bạo vì tiền”, sau đây là một số bí quyết khác của Trung Quốc:
1. Giữ cho bầu trời trong xanh
Ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Bạn không bao giờ muốn các nhân vật quyền lực nhất thế giới đến nhà chơi lại xì xào về bầu không khí ô nhiễm. Hàng trăm nhà máy trên khắp 5 tỉnh thành của Trung Quốc sẽ phải ngưng hoạt động cho đến khi Hội nghị G20 kết thúc.
9 thành phố thuộc tỉnh Sơn Đông, nằm cách Hàng Châu đến 400 dặm, cũng nằm trong tư thế ngưng làm việc bất cứ lúc nào có lệnh, theo báo Wall Street Journal.
Cư dân mạng Trung Quốc so sánh hình ảnh bầu trời Bắc Kinh trước và sau sự kiện APEC năm 2014 - Ảnh: Weibo |
Biện pháp này khá hiệu quả nhưng đôi khi cũng có tác dụng ngược: nó cho dân Trung Quốc thấy nhà cầm quyền hoàn toàn có khả năng kiểm soát ô nhiễm, chỉ là họ không thiết tha làm chuyện này!
2. Làm đẹp “mặt tiền”
Tiền có nhiều đến đâu cũng có giới hạn, do đó cần phải xài ở những nơi các vị khách có thể nhìn thấy ngay để họ trầm trồ. Chính quyền Hàng Châu trong nhiều tháng qua đã làm xong một đường cao tốc nối sân bay, sửa sang đường sá và lối đi dành cho khách bộ hành trong thành phố - theo báo SCMP của Hong Kong.
Chưa hết, lãnh đạo địa phương còn cho sơn phết lại tất cả các tòa nhà mặt tiền đường lớn, dựng ban công giả để che những dàn máy điều hòa xấu xí, thêm các bồn hoa bên cửa sổ…
Để có những bức hình chụp từ trên cao hấp dẫn, chính quyền còn ra lệnh các nhà máy, tòa nhà phải sơn lại nóc bằng màu xám!
3. Cấm một số thứ
Trước thềm Hội nghị G20, công tác an ninh tại Hàng Châu bị đẩy lên mức cao đến… bất tiện. Hành khách đi phương tiện công cộng thậm chí được yêu cầu phải uống nước trong chai của họ trước khi lên xe; các hãng taxi phải ngưng hoạt động; sinh viên không được ở trong trường; các nhà hàng nhỏ của người thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ bị đóng cửa; sân bay, bến tàu được áp đặt các biện pháp an ninh chống khủng bố…
Công tác an ninh đang được tăng cường cao tại Hàng Châu - Ảnh: Reuters |
Khó khăn hơn nữa, các khách sạn giá rẻ ở thành phố Quảng Châu, cách Hàng Châu đến 620 dặm, bị cấm tiếp khách du lịch từ 5 quốc gia có đông dân Hồi giáo; khách nước ngoài từ Hong Kong không được phép đi vào tỉnh Quảng Đông…
4. Dạy người dân vài câu tiếng Anh
Theo trang Quartz, trong quãng thời gian diễn ra sự kiện, chuyện dân địa phương phải tiếp xúc với khách nước ngoài là không tránh khỏi. Thôi thì nhân tiện dạy họ vài câu tiếng Anh.
Bản “Học nhanh: 100 câu tiếng Anh” được chính quyền Hàng Châu phát theo dạng tờ rơi cho người dân. Gần đây nó phát tán trên mạng Internet do phần giải thích cách phát âm kỳ quặc. Người dân được khuyến khích nói những câu đơn giản đại loại như “Hàng Châu, thiên đường hạ giới…”.
5. Huy động toàn dân
Hơn 1 triệu cư dân Hàng Châu đã tình nguyện tham gia công tác an ninh và công tác cộng đồng phục vụ Hội nghị thượng đỉnh G20.
Trong số này, một lực lượng đông đến 760.000 người (đa phần người lớn tuổi) được huy động tuần tra thành phố để giữ an ninh. Để so sánh, Thế vận hội Rio vừa diễn ra chỉ có 50.000 người tình nguyện.
Đội ngũ "tình nguyện viên" cao tuổi tham gia hỗ trợ cho G20 thành công - Ảnh: Weibo |
6. Đuổi bớt ra khỏi thành phố
Người tình nguyện đã có rồi, giờ chỉ còn phải giải phóng thành phố khỏi kẹt xe và những rắc rối khác vào ngày trọng đại. Theo đó, cư dân Hàng Châu, chỉ trừ bốn khu vực ngoại ô, được cho 7 ngày nghỉ trong thời gian Hội nghị G20 diễn ra. Họ được khuyến khích rời thành phố để tham quan (miễn phí) các địa điểm du lịch ở các thành phố lân cận.
7. Kiểm soát báo chí, phát ngôn
Nói một cách ngắn gọn: tin tức phải tích cực, bình luận bạn đọc phải sáng sủa, không thì khỏi đăng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận