26/02/2018 17:59 GMT+7

Bắc Kinh thảo luận về nhân sự mới của bộ máy chính phủ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Kỳ họp ba ngày tại Bắc Kinh của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là rất quan trọng trong thời điểm Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bắc Kinh thảo luận về nhân sự mới của bộ máy chính phủ - Ảnh 1.

Hình ảnh Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện đầy khắp các cửa hàng lưu niệm tại Quảng trường Thiên An Môn. Trong ảnh: một người chụp ảnh lưu niệm vào ngày 26-2 - Ảnh: REUTERS

Ngày 26-2, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 19 đã khai mạc kỳ họp kéo dài 3 ngày tại thủ đô Bắc Kinh để thảo luận về nhân sự của chính phủ và kế hoạch sắp xếp lại các cơ quan Đảng và nhà nước.

Theo Tân Hoa xã, kỳ họp này đã được quyết định trong phiên họp của Bộ Chính trị tiến hành vào ngày 24-2 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Tập Cận Bình.

Trong phiên họp ngày thứ bảy cuối tuần qua, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã xem xét danh sách các ứng viên cho bộ máy chính phủ và các ứng viên cho ban lãnh đạo Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp).

Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ thảo luận sâu thêm về nhân vật kế nhiệm thống đốc Ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) và các vị trí sẽ được trao cho Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi).

Hội nghị cũng sẽ thảo luận việc đưa một cơ quan chống tham nhũng mới vào Hiến pháp trong kỳ họp lần này, trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị thành lập cơ quan này trong năm nay để hợp nhất các bộ máy chống tham nhũng thành một cơ quan thống nhất.          

Hội nghị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này diễn ra trước thềm kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, dự kiến bắt đầu vào ngày 5-3 tới. Trong kỳ họp này của Quốc hội, việc sửa đổi Hiến pháp dự kiến sẽ được thảo luận và thông qua.

Hôm 25-2, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố các đề xuất về một số nội dung sửa đổi Hiến pháp nước này, trong đó có đề nghị bổ sung vào Hiến pháp nội dung nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng, nêu rõ "sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc mang đặc trưng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" và đề nghị xóa bỏ nội dung Hiến pháp quy định "Chủ tịch và phó chủ tịch nước không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp".

Hiến pháp của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1954. Hiến pháp hiện hành được thông qua ngày 4-2-1982 và có hiệu lực thi hành từ ngày 4-12-1982; sau đó được sửa đổi bổ sung vào các năm 1988, 1993, 1999 và 2004.

Bắc Kinh thảo luận về nhân sự mới của bộ máy chính phủ - Ảnh 2.

Hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình và cố chủ tịch Mao Trạch Đông trên đường phố ở Thượng Hải ngày 26-2. Với việc được tôn vinh bằng tư tưởng và vai trò điều hành, các nhà quan sát đang ví Chủ tịch Tập là "Mao Trạch Đông của Trung Quốc thế kỷ 21" - Ảnh: REUTERS

Việc sửa đổi nội dung Hiến pháp cho phép chủ tịch nước không bị giới hạn ở 2 nhiệm kỳ đang gây bàn tán nhiều nhất bởi nó cho thấy sự lãnh đạo tiếp tục của Chủ tịch Tập Cận Bình, 64 tuổi, người sẽ hết nhiệm kỳ 2 vào năm 2023.

Các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc vì thế đã có các bài viết cổ xúy cho những thay đổi Hiến pháp lần này.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu, trong một bài xã luận của mình đã khẳng định về sự thay đổi về nhiệm kỳ không có nghĩa là chủ tịch nước sẽ được giữ vị trí mãi mãi, mặc dù không giải thích kỹ hơn.

Tờ báo chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: "Từ khi tiến hành cải cách và mở cửa, đất nước Trung Quốc, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đã giải quyết thành công và sẽ tiếp tục giải quyết có hiệu quả vấn đề thay thế lãnh đạo đảng và quốc gia tuân thủ theo luật pháp và trật tự".

Một cách khéo léo, bài báo đã đề cập đến những thành quả của cải cách kinh tế bắt đầu từ bốn thập kỷ trước.

Trong khi đó, tờ Nhân Dân Nhật Báo đăng lại một bài viết dài của Hãng thông tấn Tân Hoa xã cho biết hầu hết mọi người ủng hộ những sửa đổi Hiến pháp, trong đó trích dẫn nhiều ý kiến ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

"Phần lớn các quan chức và đại đa số công chúng nói rằng họ hi vọng những cải cách Hiến pháp này được thông qua (tại Quốc hội)", bài báo viết.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 10-2017, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã bước vào một "kỷ nguyên mới" trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Những từ ngữ "mới" và "đổi mới" giữ vai trò khá quan trọng trong toàn văn bài phát biểu của ông.

Chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác lập vị thế mới Trung Quốc xác lập "tư tưởng Tập Cận Bình" trong điều lệ Đảng
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp