01/09/2020 17:57 GMT+7

Bắc Kinh muốn ông Trump hay ông Biden thắng cử?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Chiến dịch tranh cử của Joe Biden được hiểu rộng rãi là trao cho cử tri Mỹ cơ hội "quay lại bình thường cũ" - khoảng thời gian ít sóng gió trước kỷ nguyên Donald Trump, nhưng có một thứ khó quay lại như cũ là quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Bắc Kinh muốn ông Trump hay ông Biden thắng cử? - Ảnh 1.

Giới quan sát chưa thống nhất được trong dự đoán ông Tập Cận Bình muốn làm việc với Donald Trump hay Joe Biden sau năm 2020 - Ảnh: AP

Theo báo South China Morning Post (SCMP), tuy cựu phó tổng thống Mỹ đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, giới quan sát lại dự báo cuộc đua Trump - Biden sẽ sát nút chứ không nghiêng hẳn về bên nào. 

Càng sát ngày bầu cử, chủ đề "Trung Quốc" sẽ càng nóng trong các cuộc tranh luận vì đây đang là ưu tiên đối ngoại của Mỹ.

Bắc Kinh chuẩn bị nhiều kịch bản

Cả ông Trump và Biden đều từng khoe về "mối quan hệ cá nhân tốt đẹp" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng khi gió đổi chiều thì cả hai đồng loạt đổi thái độ, quay sang cạnh tranh xem ai sẽ là người cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Gần đây phía Trung Quốc cũng đã giảm bớt giọng điệu chủ nghĩa dân tộc, kín tiếng hơn về bầu cử Mỹ. Giới ngoại giao và chuyên gia nhận xét sự thận trọng khác thường này mang ý nghĩa: Cho dù kỷ nguyên hợp tác giữa hai nước đã chuyển sang đối đầu, Bắc Kinh vẫn hi vọng cuộc bầu cử 2020 mở ra một cơ hội khởi động lại quan hệ.

Mặt khác, cũng do kết quả thắng thua khó dự đoán, cộng thêm tình báo Mỹ công khai cáo buộc Trung Quốc muốn can thiệp bầu cử, Bắc Kinh không muốn thể hiện ra mặt ưu ái ứng viên nào hơn.

Theo học giả Gu Su - nhà khoa học chính trị của Đại học Nam Kinh, sự thận trọng của Bắc Kinh càng cho thấy dàn lãnh đạo Trung Quốc quan ngại về mối thù địch ngày càng tăng trong quan hệ với Mỹ, có thể nói là trở lực lớn nhất Trung Quốc đương đầu trong 4 thập niên qua.

Năm vừa qua, Trung Quốc đã đánh giá sai quyết tâm của chính quyền Tổng thống Trump khi ông quyết cho can dự vào nhiều vấn đề vốn nhạy cảm như Hong Kong, Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương và nhiều thứ khác, học giả Gu liệt kê.

"Cũng do tầm quan trọng lịch sử của cuộc bầu cử 2020, có một cơ hội hẹp dành cho hai bên để xuống thang cuộc đối đầu kiểu chiến tranh lạnh này, dù là ai bước vào Nhà Trắng. 

Có vẻ như Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn cho các kịch bản khác nhau, họ không muốn bị bất ngờ thêm lần nữa" - ông Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Hàng hải Trung Quốc, nhận định.

Còn theo học giả George Magnus của Đại học Oxford (Anh), chính sách Mỹ của Bắc Kinh có thể thay đổi về hình thức trong 4 năm tới, dù bản chất vẫn như cũ, họ muốn xem điều gì xảy ra trong tháng 11 trước khi phản ứng hoặc điều chỉnh thế đứng.

"Thận trọng trước vẫn khôn ngoan hơn. Có lẽ Bắc Kinh đã chấp nhận bản chất khó khăn của mối quan hệ với Mỹ trong tương lai gần, và không muốn tạo thêm những khuấy động không cần thiết vào thời điểm này", ông Magnus bình luận.

Theo nhà báo Shi Jiangtao, cựu viên chức ngoại giao Trung Quốc, dưới vẻ ngoài trấn tĩnh của Bắc Kinh, một cuộc tranh luận đang nổ ra trong giới làm chính sách đối ngoại nước này rằng giữa Biden và Trump, bên nào đỡ hơn trong 2 lựa chọn đều không mấy dễ chịu?

Bắc Kinh muốn ông Trump hay ông Biden thắng cử? - Ảnh 2.

Ông Joe Biden từng ca ngợi mối quan hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình - Ảnh: AP

Bắc Kinh vẫn mong kiểu hòa hoãn thời Obama

Ông Jiangtao tiết lộ trong nhiều tháng, các học giả và cố vấn Chính phủ Trung Quốc liên tục kêu gọi cấp lãnh đạo nhìn xa hơn nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump - người mà theo họ chịu trách nhiệm chính khiến quan hệ Mỹ - Trung lao dốc không phanh.

Ông Trump nhiều lần tố Bắc Kinh muốn chống lưng cho ông Biden - một nhận định được ủng hộ bởi William Evanina, giám đốc Trung tâm Phản gián và an ninh quốc gia Mỹ - nhưng sự thật có thể chưa đến mức đó.

Trong thông điệp gửi đến Nhà Trắng ngày 13-8, đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải công khai kêu gọi đối thoại giữa hai nước, bác bỏ quan ngại rằng Bắc Kinh muốn câu giờ chờ ông Trump hết nhiệm kỳ để bắt tay với đối thủ Đảng Dân chủ.

"Chúng tôi sẵn sàng làm việc với chính quyền đương nhiệm để tìm giải pháp cho các vấn đề tồn tại, bất cứ lúc nào, ở đâu, thậm chí hôm nay hoặc ngày mai... 

Những chuyển biến, nội lực của Mỹ vượt quá khả năng dự báo và tác động của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định hoặc ham muốn dây vào", ông Thôi Thiên Khải nói thẳng vào vấn đề.

Quay lại hai lựa chọn, phe ủng hộ Biden ở Trung Quốc tin rằng ông sẽ mang lại cách tiếp cận hòa hoãn như những năm tháng Barack Obama, không còn giọng điệu búa bổ kiểu Trump, nhưng luồng ý kiến ngược lại cho rằng Biden khó quay lại kiểu chính sách của 4 thập niên trước khi mà thái độ chống Trung đã dâng cao khắp nước Mỹ.

"Với Bắc Kinh, lựa chọn nằm giữa giảm bớt căng thẳng và chiến tranh, ông Biden có cơ may mang lại cái đầu tiên", chuyên gia Gal Luft của Viện Phân tích an ninh toàn cầu (Washington) đánh giá.

Từng là một người hay bênh vực Trung Quốc, được ông Tập Cận Bình gọi là "bạn cũ của tôi", thái độ ông Biden thay đổi hồi tháng 3 khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thúc đẩy thuyết âm mưu "quân đội Mỹ thả virus corona ở Vũ Hán".

"Sự lột xác của Biden, và cả Trump, từ tháng 4 đến nay rất đáng chú ý", giáo sư Robert Sutter, Đại học George Washington, nhận xét.

Biden và nhóm cố vấn đối ngoại của ông phục vụ trong chính quyền Obama thường bị chỉ trích là quá mềm mỏng với Trung Quốc, nhưng chuyên gia Orville Schell của Tổ chức Asia Society (New York) cho rằng khác với bề ngoài, nhóm này "cứng, thông minh và tin rằng tham vọng hiện tại của Bắc Kinh là quá đáng, bất hợp pháp, nguy hiểm và không thể chấp nhận".

"Nói vậy nhưng tôi nghĩ nếu Bắc Kinh thật sự muốn xây dựng vài cơ chế mới - chứ không chỉ xài chiến lược câu giờ - những người này (nhóm Biden) là đối tác đàm phán tốt hơn Donald Trump", ông Schell nêu quan điểm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói nhiệm kỳ 2 của ông Trump sẽ mang lại nhiều cơ hội lâu dài hơn cho Trung Quốc. Theo chuyên gia Robert Daly của Viện Kissinger, 4 năm ngồi Nhà Trắng của ông Trump chứng kiến lần đầu tiên người dân Trung Quốc có thái độ ghét Mỹ kể từ năm 1979, và Mỹ buông vai trò lãnh đạo toàn cầu đúng vào lúc Trung Quốc đã sẵn sàng nhận lãnh...

"Phe chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc vì thế sẽ thích Trump tái đắc cử dù họ không ưa chính quyền này. Lợi ích lớn nhất của Trung Quốc trong bầu cử Mỹ không phải là chiến thắng của ứng viên nào, mà là chứng kiến nền dân chủ Mỹ mất thêm uy tín. Một cuộc bầu cử chia rẽ, hỗn loạn khiến giới quan sát toàn cầu nghi ngờ hệ thống chính trị Mỹ là điều họ mong muốn", ông Daly bình luận.

Tình báo Mỹ: Trung Quốc muốn ông Trump thất cử, Nga lại can thiệp bầu cử Mỹ 2020 Tình báo Mỹ: Trung Quốc muốn ông Trump thất cử, Nga lại can thiệp bầu cử Mỹ 2020 Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Trung Quốc nhắm đến hạ tầng bầu cử Mỹ Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Trung Quốc nhắm đến hạ tầng bầu cử Mỹ Bầu cử Mỹ: Các thăm dò dư luận có đáng tin cậy? Bầu cử Mỹ: Các thăm dò dư luận có đáng tin cậy?
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp