Người Hong Kong xuống đường chiều 24-5 để phản đối dự luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc chuẩn bị áp lên đặc khu này - Ảnh: Reuters
Dự luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh dự định áp đặt lên Hong Kong nhiều khả năng sẽ trở thành cơn địa chấn mới làm nứt gãy mối quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều nước khác. Hàng trăm chính trị gia trên khắp thế giới đã phản đối "sự xâm phạm của Trung Quốc" vào nền tự chủ của Hong Kong.
Cảnh sát chống bạo động Hong Kong đã xịt hơi cay để giải tán hàng ngàn người biểu tình phản đối dự luật an ninh quốc gia mới ngày 24-5, lần đầu tiên sau nhiều tháng im ắng vì đại dịch COVID-19. Không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ nhượng bộ.
“Nếu cộng đồng quốc tế không thể tin những gì Bắc Kinh đã hứa với Hong Kong, họ sẽ miễn cưỡng khi nghe những lời hứa của Trung Quốc trong các vấn đề khác. .
Tuyên bố chung của 200 trí thức, chính trị gia phản đối dự luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong
"Vì tương lai Hong Kong"
Cuộc biểu tình ngày 24-5 ban đầu được lên kế hoạch phản đối một dự luật liên quan tới quốc ca Trung Quốc của chính quyền Hong Kong. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dự luật an ninh quốc gia mới đã lôi kéo thêm nhiều người xuống đường, do lo sợ dự luật có thể đặt dấu chấm hết cho các quyền tự do còn lại theo quy định trong thời chuyển tiếp và giúp mở rộng các vụ bắt giữ người của an ninh Trung Quốc trên đất Hong Kong.
Đám đông đổ về khu mua sắm sầm uất ở vịnh Đồng La và hô vang các khẩu hiệu như "Độc lập cho Hong Kong là lối thoát duy nhất". Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong cho biết cảnh sát chống bạo động lập tức được triển khai để giải tán đám đông hàng ngàn người bằng hơi cay và vòi rồng.
Những cảnh báo người biểu tình đang vi phạm lệnh cấm tụ tập trên 8 người để phòng dịch COVID-19 hầu như bị phớt lờ. Tiếng chửi rủa cảnh sát, chính quyền trung ương Bắc Kinh xen lẫn với những tiếng la hét "độc lập cho Hong Kong" và âm thanh lựu đạn cay rời khỏi nòng súng cảnh sát.
"Tôi sợ bị bắt, nhưng tôi phải ra ngoài và biểu tình vì tương lai của Hong Kong", nữ sinh 16 tuổi tên Twinnie nói với Hãng tin Reuters. Hoàng Chi Phong cũng tham gia cuộc biểu tình và cho biết đã lên kế hoạch đấu tranh, tiếp tục vận động sự ủng hộ từ nước ngoài.
Một ngày trước cuộc biểu tình, hơn 200 trí thức và chính trị gia đến từ 23 quốc gia, trong đó có 17 nghị sĩ liên bang Mỹ, đã cùng ký vào một tuyên bố phản đối dự luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc. Họ gọi đó là "cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị, luật pháp và các quyền tự do cơ bản của Hong Kong", là sự "vi phạm trắng trợn" Tuyên bố chung Trung - Anh khi Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997.
Cảnh sát Hong Kong trang bị súng phóng lựu đạn cay và khiên để giải tán các cuộc tụ tập không được phép vào ngày 24-5 - Ảnh: REUTERS
Bắc Kinh quyết thông qua dự luật
Chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc của các nước gọi dự luật là "sự can thiệp của chính quyền trung ương vào tình hình Hong Kong" và khẳng định dự luật là cần thiết, nhấn mạnh nó sẽ không xâm phạm các quyền tự do và mức độ tự chủ của Hong Kong hay các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính quyền Trung Quốc lập luận Hong Kong là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, do đó Bắc Kinh có trách nhiệm phải bảo vệ an ninh cho Hong Kong. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong đã không thể tự ban hành luật đảm bảo an ninh cho chính mình và để xảy ra các cuộc biểu tình rầm rộ, buộc lòng Bắc Kinh phải ra tay làm thay.
"Luật an ninh quốc gia mới sẽ chỉ nhắm vào những kẻ cố gắng chia rẽ đất nước, lật đổ quyền lực nhà nước, tổ chức và thực hiện các hoạt động khủng bố, cũng như các lực lượng bên ngoài đang tìm cách can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong", Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc có bài viết nêu lập luận.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 24-5, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố "Hong Kong là chuyện nội bộ của Trung Quốc" và cảnh báo các nước đừng can thiệp. Ông này nhấn mạnh dự luật mới chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ người có ý định xấu ở Hong Kong và sẽ tiếp tục bảo đảm các quyền tự do của Hong Kong.
"Hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi an ninh quốc gia ở Hong Kong phải được thiết lập và không được chậm trễ một chút nào" - ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi, đồng thời cho rằng thay vì lo lắng, người dân Hong Kong nên ủng hộ và tin rằng dự luật sẽ đem lại sự ổn định, phát triển cho Hong Kong, theo Reuters.
Ông Hàn Chính, phó thủ tướng Trung Quốc, cũng đưa ra một tuyên bố mang tính trấn an tương tự hôm 23-5. Theo SCMP, Quốc hội Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đưa ra một nghị quyết trong tuần này, mở đường cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng các chi tiết của dự luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận