Tàu ngầm không người lái Qian Long 3 có thể sẽ hỗ trợ căn cứ AI dưới đáy biển Đông của Trung Quốc - Ảnh: WEIBO
Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong hôm nay 26-11 đưa tin Bắc Kinh đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ sâu dưới đáy biển để phục vụ các hoạt động khoa học và quân sự ở Biển Đông.
Các nhà khoa học tham gia dự án cho biết căn cứ này có thể sẽ trở thành căn cứ trí tuệ nhân tạo (AI) dưới đáy biển đầu tiên trên thế giới.
Dự án có tên Hades (nghĩa là "Địa ngục" trong thần thoại Hy Lạp) được khởi động tại Viện khoa học Trung Quốc (CAS) ở Bắc Kinh trong tháng này, sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tại một viện nghiên cứu biển sâu ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam hồi tháng 4 vừa qua.
Khi đó, ông Tập đã kêu gọi các nhà khoa học và kỹ sư nước này thực hiện những dự án chưa từng có trên thế giới.
"Không có con đường nào dưới đáy biển. Chúng ta không cần phải đuổi theo các nước khác bởi chúng ta là con đường" - ông Tập phát biểu.
Khu vực đặt căn cứ dự kiến nằm trong vùng sâu nhất của đại dương (thường là vực thẳm hình chữ V) ở độ sâu 6.000m - 11.000m.
Dự án sẽ ngốn 1,1 tỉ nhân dân tệ (160 triệu USD), bằng một nửa chi phí xây kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới ở tỉnh Quý Châu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà khoa học nước này trở thành người đi đầu dưới đáy biển - Ảnh: SCMP
Giống như một trạm vũ trụ trong không gian, khu phức hợp dưới đáy biển này sẽ có chỗ neo đậu. Thách thức trước mắt là các kỹ sư phải phát triển được loại vật liệu đủ sức chịu đựng áp lực nước ở độ sâu lớn như vậy.
Khi căn cứ đi vào hoạt động, các tàu ngầm robot sẽ được triển khai để khảo sát đáy biển, ghi lại các hình thái sống và thu thập các mẫu khoáng sản. Căn cứ sẽ phân tích các mẫu này và gửi báo cáo về đất liền.
Mặc dù có các đường dây kết nối với tàu hoặc trạm năng lượng và liên lạc, căn cứ này vẫn có thể thực hiện các nhiệm vụ tự động nhờ "đàu não" và hệ thống cảm biến của nó.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học hoài nghi về dự án này. Họ cho rằng các yếu tố chính trị và công nghệ sẽ đặt ra thách thức lớn.
Theo Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), khoảng 99% đáy đại dương hiện vẫn nằm ngoài tầm tay con người.
"Xây dựng căn cứ này còn khó hơn xây dựng một trạm vũ trụ. Chưa từng có quốc gia nào làm điều này" - Tiến sĩ Du Qing Hai đến từ Đại học hải dương Thượng Hải nhận định.
Đáy biển có môi trường khắc nghiệt. Áp lực nước lớn, tính xói mòn, địa chất không ổn định và động đất có khả năng đe dọa bất kỳ cấu trúc nào trên đáy biển. Điều này đồng nghĩa chi phí có thể vượt xa các ước tính hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận