Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc tham gia tập trận ở Tây Tạng hôm 13-2 - Ảnh: PLA
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần này tiết lộ quân đội nước này đang tăng cường xây dựng năng lực ở khu vực phía Tây giáp biên giới với Ấn Độ.
Cụ thể, theo tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc ngày 20-2, Quân đội Trung Quốc đã điều các chiến đấu cơ Chengdu J-10 và Shenyang J-11 tới khu vực phía tây nước này để thực hiện cuộc tập trận tác chiến trên không. Động thái diễn ra chỉ hai ngày trước kỳ nghỉ Tết cổ truyền theo âm lịch.
Quân đội Trung Quốc còn đăng lên trang thông tin bằng tiếng Anh của mình các hình ảnh cho thấy J-10 và J-11 hạ cánh ở Tây Tạng, khu vực giáp biên giới với Ấn Độ.
Tờ Hoàn cầu Thời báo viết rằng động thái "tăng cường năng lực của Chiến khu Tây bộ là để đối phó bất kỳ mối đe dọa nào từ Ấn Độ".
"Việc tăng cường sức mạnh cho các chiến đấu cơ thế hệ 3.5 hay điều các máy bay chiến đấu tiên tiến tới Chiến khu Tây bộ là việc làm cấp thiết của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)" - ông Tống Trung Bình (Song Zhong Ping), chuyên gia quân sự kiêm nhà bình luận trên đài truyền hình Phượng Hoàng tại Hong Kong, nhận định về hoạt động trên.
Ông Tống nói rằng hiện Ấn Độ sở hữu các chiến đấu cơ thế hệ 3, do đó Trung Quốc có thể ngăn chặn mối đe dọa từ quốc gia Nam Á này nếu Bắc Kinh điều động các chiến đấu cơ thế hệ 3.5 tới biên giới.
Với việc Ấn Độ nhập khẩu thêm các máy bay mới, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố năng lực của các máy bay chiến đấu của mình tại Chiến khu Tây Bộ"
Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc hạ cánh sau cuộc tập trận tác chiến trên không ở Tây Tạng ngày 13-2 - Ảnh: PLA
Chiến khu Tây bộ là một trong 5 chiến khu của quân đội Trung Quốc với bộ tư lệnh đặt tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Phạm vi quản lý của chiến khu này gồm Tây Tạng, Tân Cương, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thanh Hải, Cam Túc và Ninh Hạ.
Theo trang thông tin của quân đội Trung Quốc, ngay sau cuộc tập trận trên, quân đội nước này vẫn tiếp tục huấn luyện suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay.
Các binh sĩ Trung Quốc đã tham gia huấn luyện dưới chân dãy núi Kì Liên thuộc tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc. Trong khi đó, một trung đoàn hải không quân đã tham gia huấn luyện ở bán đảo Sơn Đông, miền đông nước này.
Ông Kanti Prasad Bajpai - giám đốc Trung tâm châu Á và Toàn cầu hóa tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho rằng thông qua cuộc tập trận ở Tây Tạng, Trung Quốc có thể đang gửi thông điệp tới Ấn Độ rằng căng thẳng trên cao nguyên Doklam "vẫn chưa kết thúc" và rằng Ấn Độ không nên "quá tự mãn".
Còn theo ông M. Matheswaran, cựu thống chế không quân Ấn Độ trước đây chỉ huy ở vùng tây bắc Ấn Độ, tiêm kích J-11 trên của Trung Quốc đã được sử dụng tại Tây Tạng ít nhất 5 năm. Việc điều động J-11 được đánh giá cũng để đáp trả việc Ấn Độ mua các chiến đấu cơ Sukhoi-30 của Nga.
"Không phải Ấn Độ đang đe dọa Trung Quốc, mà là Trung Quốc đang đe dọa Ấn Độ. Tôi không nghĩ Ấn Độ lại có quy mô lực lượng để đe dọa Trung Quốc vào thời điểm này" - ông M. Matheswaran nêu đánh giá.
Năm ngoái, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong tình trạng đối đầu tại cao nguyên Doklam - khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan - hơn 70 ngày sau khi công binh Trung Quốc đơn phương tiến vào cao nguyên này để xây dựng một con đường vào ngày 16-6. Sau thỏa thuận lui quân ngày 28-8, căng thẳng giữa hai bên đã chấm dứt.
Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, các báo cáo cho biết Trung Quốc vẫn tăng số lượng binh sĩ và tu sửa hạ tầng quân sự gần cao nguyên Doklam. Giới phân tích nhận định động thái này sẽ giúp Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các khu vực biên giới với Ấn Độ và đề phòng trước các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận