Theo đó, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho thấy trong các mẫu bệnh phẩm phát hiện vi khuẩn tụ cầu (S.aureus - tụ cầu vàng).
Tuy nhiên hiện chưa xác định được đâu là nguồn lây vi khuẩn tụ cầu tới các người bệnh. Ban đầu, nghi ngờ nguyên nhân có thể từ bữa ăn tập thể hoặc do nguồn nước.
Hiện ngành y tế Bắc Kạn đang tiếp tục điều tra, xác định nguồn lây để xử lý triệt để. Đồng thời khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, các biện pháp phòng tránh bệnh.
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin ngày 20-9, có 20 học sinh tại xã Nông Thượng phải nhập viện với biểu hiện nôn, sốt, đau bụng, đau đầu, tiêu chảy, đang được theo dõi.
Đến trưa 21-9, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và Trung tâm Y tế TP Bắc Kạn đã tiếp nhận 49 trường hợp nhập viện với cùng triệu chứng trên, nâng tổng số người nhập viện lên 69 ca.
Tất cả bệnh nhân đều là học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn.
Hiện tại tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định. Sở Y tế Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung điều trị cho các bệnh nhân.
Vi khuẩn tụ cầu là gì?
Theo thông tin từ Bộ Y tế, vi khuẩn tụ cầu có hầu hết khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên.
Vi khuẩn tụ cầu có thể gây bệnh cho người bất cứ lúc nào, mùa nào nhưng mùa hè chúng thường gây nên một số bệnh nhiễm khuẩn cho con người, đặc biệt là trẻ em.
Vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) có 3 loại - đó là tụ cầu vàng (S.aureus), tụ cầu da (S. epidermidis) và tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus).
Trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nhất và có khả năng gây ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt chúng có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh. Gây bệnh của tụ cầu rất đa dạng, trong đó cần quan tâm đến một số bệnh mà tụ cầu gây ra hay gặp trong mùa hè.
Vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt thì rất dễ ngộ độc thực phẩm, trong đó ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu là thường gặp.
Do tụ cầu vàng có ngoại độc tố rất mạnh, thêm vào đó, ngoại độc tố của tụ cầu vàng khác với các ngoại độc tố của các vi khuẩn khác là khi ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 15 phút chưa bị phá hủy.
Do vậy, nếu ăn phải thực phẩm có tụ cầu vàng hoặc độc tố của chúng thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất có thể xảy ra. Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng rất dễ gây ra thành dịch.
Để tránh mắc ngộ độc thực phẩm do tụ cầu gây ra cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín như tiết canh, gỏi, nem chua, nem chạo và không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi. Cần vệ sinh môi trường thật tốt, nhất là vệ sinh môi trường bệnh viện, môi trường sinh hoạt trong mỗi gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận