21/01/2025 20:59 GMT+7

Ba tuần thực thi nghị định 168: Số vi phạm bị xử lý giảm, ý thức chấp hành tăng

Trong 3 tuần thực thi nghị định 168/2024, số vi phạm giao thông bị xử phạt giảm hơn 18.100 trường hợp. Người dân đã tự giác chấp hành các quy định ngay cả khi không có lực lượng chức năng, theo đánh giá của Cục CSGT.

Ba tuần thực thi nghị định 168: số vi phạm bị xử lý giảm, ý thức chấp hành tăng - Ảnh 1.

Cảnh sát lập biên bản một trường hợp vi phạm hiệu lệnh đèn tín hiệu - Ảnh: HỒNG QUANG

Ngày 21-1, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau khoảng 3 tuần thực hiện nghị định 168/2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 230.672 trường hợp vi phạm trật tự an toàn đường bộ. So với thời gian trước liền kề, số vi phạm bị xử phạt giảm 18.122 trường hợp (-7,3%).

Cùng thời điểm trên, bộ mặt giao thông đã có những thay đổi tích cực về ý thức chấp hành của người dân. Tai nạn giao thông cũng giảm cả 3 tiêu chí.

Số vi phạm giảm

Cục Cảnh sát giao thông đánh giá so với thời gian trước liền kề, số vi phạm đã giảm rõ rệt, đặc biệt trong nhóm vi phạm dễ dẫn tới tai nạn như: không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (giảm 7,3%), vi phạm tốc độ (giảm 28%), vi phạm nồng độ cồn (giảm 13,5%), vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe (giảm 34,5%).

Theo đại tá Phạm Quang Huy (phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông), kể từ 1-1, có thể thấy rõ bộ mặt giao thông đã thay đổi với những tín hiệu tích cực, tình trạng người lái xe vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn.

Tại các nút giao, dễ dàng bắt gặp cảnh người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu kể cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông. Nhờ vậy, tình trạng ùn ứ giao thông không kéo dài, chỉ xuất hiện cục bộ, sau từ 2 đến 3 nhịp đèn tín hiệu thì có thể lưu thông.

Những điều trên góp phần thay đổi về nhận thức, ý thức của từng công dân, từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông văn minh.

"Nghị định 168 không chỉ tập trung vào việc xử phạt vi phạm mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và an toàn của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người già và trẻ em như: quy định nhường đường cho người đi bộ, quy định về việc sử dụng ghế ngồi an toàn cho trẻ em trong ô tô...", đại tá Phạm Quang Huy nói. Ông đồng thời đánh giá việc này góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn.

Bên cạnh đó, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho rằng việc trừ điểm bằng lái cũng tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục lái xe, khi mắc vi phạm mà chưa bị trừ hết điểm, đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, họ cũng ý thức về số điểm còn lại để lái xe một cách chủ động, có trách nhiệm.

"An toàn giao thông cũng là một hình thức kêu gọi đầu tư"

Dẫn đánh giá của bà Angela Pratt (đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam), Cục Cảnh sát giao thông cho hay WHO bày tỏ hoan nghênh và đánh giá thành công của Việt Nam trong việc cải thiện an toàn giao thông là đã áp dụng một cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề: luật pháp, thực thi pháp luật, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn an toàn phương tiện…

"Các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài đánh giá quyết tâm của Việt Nam trong thiết lập an toàn giao thông, khẳng định an toàn giao thông chính là một hình thức quảng cáo kêu gọi đầu tư nước ngoài, quảng bá du lịch, giữ chân khách du lịch và thúc đẩy khách du lịch quay trở lại", theo Cục Cảnh sát giao thông.

Ba tuần thực thi nghị định 168: số vi phạm bị xử lý giảm, ý thức chấp hành tăng - Ảnh 2.

Lượng xe cộ gia tăng cuối năm, nhưng người dân vẫn nghiêm chỉnh chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu - Ảnh: HỒNG QUANG

Liên quan tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao hiện nay, cơ quan chức năng cho rằng cũng tương tự tình trạng ở các nước tiên tiến hoặc các nước trong khu vực. Tức là tình trạng ùn tắc có xảy ra nhưng trong trạng thái trật tự hơn, không còn cảnh chen lấn, từ đó việc điều tiết để giải tỏa sẽ thuận tiện.

"Theo quy luật, thời điểm trước và sau Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng rất cao, tạo áp lực rất lớn đối với hạ tầng, nhất là tại các đô thị lớn. Ùn tắc diễn ra thường xuyên, phổ biến hơn, không chỉ vào các khung giờ cao điểm mà còn vào các khung giờ khác trong ngày", Cục Cảnh sát giao thông nêu.

Tuy nhiên, việc triển khai nghị định 168 cũng được nhận định còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến đèn tín hiệu, biển báo… Hiện các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ (đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, các điểm dừng đỗ…), công tác tổ chức giao thông để kiến nghị, khắc phục ngay những điểm bất hợp lý.

Lực lượng cảnh sát giao thông trong quá trình thực thi sẽ làm việc với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", xử lý giúp người dân hiểu, đồng thuận, chấp hành quy định.

"Đồng thời cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và của ngành công an", Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh.

Ba tuần thực thi nghị định 168: số vi phạm bị xử lý giảm, ý thức chấp hành tăng - Ảnh 3.Khi nào chở quá số người quy định bị phạt tới 150 triệu đồng hoặc tịch thu ô tô?

Theo quy định tại nghị định 168/2024, trường hợp chở quá số người quy định trên ô tô có thể bị phạt dưới 150 triệu đồng hoặc tịch thu xe. Đó là những trường hợp nào?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp