Tác giả thường xuyên theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân Đức và trực tiếp đi cùng trái tim từ Hà Nội vào Huế trong câu chuyện sau đây.
Có bao giờ bạn từng nghĩ trái tim mình sẽ sống trong một lồng ngực khác? Có bao giờ bạn nghĩ mình mang một trái tim khác trong lồng ngực mình? Có bao giờ bạn nghĩ trái tim chúng ta sinh ra để làm gì không?
Trái tim lỡ nhịp...
Đức - một thiếu niên vừa bước sang tuổi 16 với bao hoài bão của tuổi trẻ. Em đột nhiên phát hiện mắc bệnh giãn cơ tim giai đoạn cuối. Các bác sĩ chỉ định em chỉ còn cách duy nhất để đi tiếp con đường của cuộc đời là ghép tim.
Ghép tim? Ghép tim? Ghép tim? Ghép tim là gì? Đức chưa từng nghe đến điều đó bao giờ. Nhưng rồi em cũng dần hiểu, là phải có một ai đó chết não sẽ tặng cho em trái tim trước khi người đó ra đi. Em hiểu, đó là điều không dễ nhưng em không nguôi hi vọng. Em mới 16 mà! Em còn cả tương lai cơ mà! Em còn hứa sẽ về gặp bạn bè và lại chơi đùa như xưa cơ mà...
Nằm trên giường bệnh, cơ thể Đức đuối dần đi trong trạng thái vẫn còn minh mẫn. Mỗi lần thấy bóng bác sĩ đi qua, em rướn mình lên hỏi: "Bác ơi, bao giờ có tim ạ?...".
Người bác sĩ trưởng khoa già cười tươi động viên em: "Cố lên cháu ạ, chúng mình cùng chờ, chắc là sắp có rồi...". Rồi ông quay đi, lòng quặn thắt.
Ông hiểu rằng để có một trái tim của ai đó cho em, có các chỉ số phù hợp với em cũng giống như việc trúng số độc đắc. Ông đã chứng kiến biết bao bệnh nhân ra đi vì không thể chờ đợi. Liệu Đức có được may mắn hơn? Nhưng ông vẫn đợi và hi vọng...
Hôm ấy, tim Đức ngừng đột ngột. Cả kíp trực liên tục thay nhau ép tim cho em suốt mấy tiếng đồng hồ để giành giật với tử thần. Cứ tưởng em đã ra đi. May thay, các bác sĩ đã chiến thắng. Nhưng đó cũng chỉ là bước đầu, để em khỏe lại vẫn chỉ là chờ đợi một trái tim...
Sau lần đó, Đức phải dùng các loại máy trợ lực tối tân nhất để có thể duy trì sự sống. Các bác sĩ cho biết em chỉ có thể còn 3 tuần nữa.
Một tuần nữa trôi qua, gia đình Đức và các bác sĩ hồi hộp chờ đợi. Và một tia hi vọng đã lóe lên: một thanh niên hơn Đức vài tuổi đột quỵ và rơi vào tình trạng chết não, có nhóm máu trùng khớp với Đức.
Cả gia đình người thanh niên xấu số ấy đồng ý hiến tặng mô tạng của anh với mong muốn anh tiếp tục được sống một cuộc đời khác trên cơ thể mới. Nhưng cuộc đời luôn có những điều khó nói. Cha của chàng trai kia vì quá thương con của mình, ông muốn con mình được ra đi nguyên vẹn khi trở về với đất mẹ. Cái gật đầu đó đã không xảy ra.
Người thanh niên ấy ra đi, mang theo trái tim vẹn nguyên, mang theo tình yêu thương vô bờ bến của những người thân yêu của mình.
Vài ngày sau, Đức yếu dần, yếu dần và em cũng không còn chờ được nữa. Gia đình đưa em về nhà để em được ngắm nhìn ngôi nhà thân thương một lần cuối.
Chuyến xe đưa Đức rời bệnh viện trong sự tiếc nuối của các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức. Em ra đi ở tuổi 16!
Sau những điều như thế, ngay từ bây giờ, tôi sẽ chăm sóc mình cho thật tốt. Để làm gì? Để một ngày nào đó, nếu không may tôi ra đi, tôi cũng sẽ muốn mình được tiếp tục sống một cuộc đời thứ hai - trong những cơ thể hoàn toàn xa lạ!
Trái tim hồi sinh
Ở một góc khác bên hành lang bệnh viện, nơi Đức từng nằm, còn có một người mẹ, một người cha của một nam bệnh nhân khác. Anh mang nhóm máu A, còn trẻ, nằm bất động, máy móc dây nhợ chằng chịt quanh người.
Người thân biết rằng họ sắp tuột khỏi tầm tay một điều rất thiêng liêng bởi anh đã được các bác sĩ chẩn đoán là chết não.
Chết não? Chết não là anh sẽ không thể sống quá 3 ngày nữa bằng máy móc. Nhưng thận anh vẫn hoạt động, gan anh vẫn tuần hoàn và tim anh vẫn đập.
Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào để níu giữ nhau ở lằn ranh mong manh này của số phận? Phải để anh sống tiếp thôi. Anh sẽ sống một cuộc đời rất khác, anh sẽ sống trên những cơ thể mới đang mòn mỏi đợi chờ...
Thời khắc ấy, trong đau đớn tột cùng, trái tim tan vỡ, những người thân của anh lặng lẽ gật đầu để anh được tiếp tục sống: sống trong cơ thể người khác.
Cửa phòng phẫu thuật khép lại. Lá gan của bệnh nhân nam kia được chuyển sang cơ thể một người bệnh gan giai đoạn cuối. Hai quả thận của anh được ghép cho hai người bệnh suy thận nặng mà cái chết đang chực chờ bên cạnh. Hai giác mạc của anh được ghép cho 2 người mù lòa đang ngày đêm chờ được nhìn thấy ánh sáng.
Còn trái tim anh rời khỏi cơ thể anh và được đưa vào thùng bảo quản lúc 7h30 sáng hôm đó. Chiếc thùng được đưa lên xe cấp cứu đưa ra sân bay, vượt 700km từ Hà Nội để đến với một bệnh nhân suy tim nặng đang chờ ở thành phố Huế.
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ rời khỏi thân thể, trái tim của chàng trai đã được đặt vào một "lồng ngực Huế". Lúc 13h26 ngày
16-5, trái tim phập phồng đập lại những nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực mới trong niềm vui vỡ òa của kíp y bác sĩ tham gia ca ghép tim!
Giây phút chiếc xe chở Đức rời bệnh viện, cái lắc đầu của người cha... Và khoảnh khắc trái tim Hà Nội vượt muôn trùng xa cách đập lại như trong chuyện viễn tưởng. Bạn nghĩ gì không?...
Còn tôi, sau những điều như thế, ngay từ bây giờ, tôi sẽ chăm sóc mình cho thật tốt. Để làm gì? Để một ngày nào đó, nếu không may tôi ra đi, tôi cũng sẽ muốn mình được tiếp tục sống một cuộc đời thứ hai - trong những cơ thể hoàn toàn xa lạ!
Thư đi tin lại
Kể từ ngày phát động cuộc thi vào 8-5 đến nay, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận rất nhiều bài dự thi từ bạn đọc khắp mọi miền đất nước. Ban tổ chức cuộc thi xin giải đáp một số thắc mắc của bạn đọc dự thi.
* Bài viết có độ dài tối đa bao nhiêu chữ?
- Thể lệ cuộc thi có chút sai sót khi đưa ra hai con số khác nhau. Nay xin nói lại cho rõ: bài dự thi được viết tối đa 1.500 chữ.
* Mỗi tác giả được gửi bao nhiêu bài?
- Mỗi tác giả được gửi tối đa 2 bài dự thi.
* Gửi truyện ngắn được không?
- Tiêu chí của cuộc thi là câu chuyện có thật. Tác giả là người trong cuộc hoặc chứng kiến. Các sáng tác đều không hợp lệ với cuộc thi này.
Từ ngày 21 đến 25-5, Tuổi Trẻ đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Mai Thiện Tính (Vĩnh Long); Nguyễn Phan Thu Thảo, Kim Phúc (Bình Thạnh, TP.HCM); Vũ Đình Thẩm (Tân Phú), Nguyễn Thiên Ngân (quận 11); Nguyễn Thị Quỳnh Nhi, Lê Quang Thọ (Đắk Lắk); Nguyễn Văn Lộc, Huỳnh Văn Nguyệt (Cần Thơ); Lê Thị Thu Thanh (Quảng Trị); Đoàn Thị Ngọc Hằng (Vũng Tàu); Vũ Thị Huyền Trang, Triệu Thị Tuyết Nhung (Phú Thọ); Nguyễn Thị Thùy Trang (Huế); Isabella Duong; Nguyễn Thị Thùy Trang (Kon Tum); Nguyễn Hoài Thu (Lâm Đồng); Nguyễn Lương Xin (Đà Nẵng); Phạm Đình Phong (Hà Nội); Nguyễn Thị Cẩm Vân, Lâm Phú Quý (Long An); Lê Đại (Hải Dương), Lê Đình Quỳ (Huế); một bạn đọc không nêu tên ở Suối Nho, Đồng Nai; Ninh Văn Hải...
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc qua email [email protected]. Trân trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận