Phóng to |
Khuôn mặt lo âu của phụ huynh trong thời gian đợi con làm bài thi - Ảnh: Như Hùng (Ảnh có tính chất minh họa) |
Nếu hỏi rằng mười hai năm đi học để làm gì, câu trả lời của tôi chắc chắn sẽ là để thi đậu vào đại học ngành điện tử, để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đó là kỳ vọng rất lớn của Ba tôi đối với tôi.
Từ nhỏ, tôi đã tập tành sửa chữa máy móc lặt vặt để phụ giúp công việc sinh kế của gia đình. Biết tôi có năng khiếu, Ba tôi đã chắt chiu cho tôi theo lớp học nghề điện tử từ năm 14 tuổi. Lúc đó là sau năm 1975, hoàn cảnh chung của đất nước và của gia đình tôi còn nghèo lắm. Số tiền học phí là cả một sự hi sinh không nhỏ của gia đình.
Buổi đầu tiên khai giảng lớp học nghề, tôi tái mặt khi nhìn hàng chữ in đậm và đóng khung trên trang bìa tài liệu học tập "Học viên phải tự trang bị đồng hồ đo vạn năng để làm phương tiện thực tập". Biết không thể nào làm khổ gia đình hơn nữa, tôi lẳng lặng "học chay", giờ thực hành chỉ ngồi nhìn bạn bè đồng khoá đo đạc, thực hành.
Rồi tình cờ Ba tôi biết được việc này, người quyết tâm sắm cho tôi chiếc đồng hồ đo. Tôi còn nhớ buổi chiều mưa, hai cha con đi qua đi lại biết bao gian hàng bán máy đo cũ ở chợ Kim Biên. Cuối cùng, như một giấc mơ, tôi trở thành chủ sở hữu của chiếc máy đo tốt nhất thời bấy giờ, cho dù là chiếc máy cũ.
Ngồi sau yên xe trên đường về, cầm chiếc máy đo Simpson 260B, lòng tôi rộn ràng hạnh phúc và nỗi ân hận bởi sự chăm sóc quá lớn của Ba tôi dành cho mình. Sau này đường đời trăm lối, biết tôi có làm được gì với nghề điện tử mà Ba tôi đã quá ưu ái kỳ vọng vào con mình. Ngồi sau yên xe, lần đầu tiên tôi thấy mái tóc Ba tôi đã bắt đầu lốm đốm những sợi bạc, lòng tôi xốn xang vô cùng, vừa vui mừng vì có chiếc máy đo vừa cảm thấy ăn năn hối lỗi vì đã nhận quá nhiều sự hi sinh của Ba.
Ba tôi rất mong muốn tôi trở thành kỹ sư điện tử sau này. Bốn năm sau, tôi quyết tâm thi vào ngành điện tử trường đại học Bách khoa, một ngành học có điểm chuẩn cao nhất thời bấy giờ.
Cuộc đời không êm xuôi may mắn. Vào những ngày tôi bắt đầu dồn sức cho cuộc thi tuyển cam go thì bàng hoàng nhận được hung tin: Ba tôi mắc bệnh ung thư máu cấp tính, chỉ có thể sống vài tháng nữa!
Trời đất đảo lộn, đau đớn tột cùng. Tôi đã học thi trong những ngày tháng khổ đau nhất của cả gia đình, nhất là khi biết được Ba tôi sợ ảnh hưởng việc thi cử của tôi, đã cố giấu những cơn đau, tìm cách tạo tâm lý bình thường, lành lặn cho tôi an tâm học tập. Tôi chỉ còn biết cố gắng hết sức mình.
Đêm trước ngày thi, 12 giờ đêm, gấp cuốn sách ôn tập cuối cùng, tôi cảm thấy vậy là mình đã làm hết sức có thể được để đền đáp công ơn cha mẹ. Bây giờ chuyện đậu hay rớt chỉ còn là chuyện của rủi may, nó nằm bên ngoài mình.
Nhìn bạn bè được ba mẹ chở đi thi mà lòng buồn buồn, chiếc xe đạp cọc cạch, buổi trưa chạy vội về nhà ăn miếng cơm rồi lại vội vàng đạp xe cho kịp buổi thi chiều. Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến sức khỏe của Ba, ước mong có phép màu.
Tôi thi xong khoảng 20 ngày thì Ba tôi bắt đầu khi hôn mê khi tỉnh. Những ngày cuối cùng của cuộc đời Ba đã cận kề. Oái ăm thay, vẫn chưa có kết quả tuyển sinh. Lòng tôi như lửa đốt, chạy đi chạy lại dò la kết quả mà không thể có một thông tin nào.
Ba tôi ngày càng yếu dần, yếu dần. Ngày 5-8 năm đó, Ba tôi đã rất yếu, hôn mê nhiều và rất ít khi tỉnh lại. Tôi thì vẫn không một chút tin tức gì về kết quả tuyển sinh.
Đêm khuya hôm đó, tự dưng Ba tôi chợt tỉnh. Một linh cảm không lành! Và một quyết định trong tích tắc. Tôi ôm Ba tôi trên giường bệnh, nói thật lớn vào tai người: Ba ơi con đậu đại học Bách Khoa ngành Điện tử rồi! Ba tôi nhấp nháy mắt tỏ ý vui mừng. Và sau đó, người đã trút hơi thở cuối cùng.
Cả một đời tôi chưa hề nói dối Ba tôi điều gì. "Ba ơi con đậu đại học Bách khoa ngành Điện tử rồi!" là câu nói dối đầu tiên, và cũng là cuối cùng của tôi với Ba tôi. Bởi kết quả tuyển sinh mãi sau đó nửa tháng mới có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận