18/11/2010 01:16 GMT+7

Bà "tỉ phú" Mặt trận Tổ quốc

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Người dân ngụ P.12 (Q.4, TP.HCM) thường nói đùa bà Lê Ngọc Thu là cán bộ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) “giàu” nhất TP. Năm năm qua, bà là người giữ “tay hòm chìa khóa” hơn 2,5 tỉ đồng - số tiền giúp rất nhiều người có vốn làm ăn hoặc qua được lúc ngặt nghèo.

TquvTyNq.jpgPhóng to

Bà “tỉ phú” MTTQ Lê Ngọc Thu (bìa trái) hỏi thăm gia đình bà Võ Thị Thu về công việc làm ăn từ số tiền hỗ trợ của quỹ “heo đất tương trợ” - Ảnh: VIỄN SỰ

Bà Võ Thị Thu năm nay hơn 70 tuổi, đi đứng đã lọm khọm, căn nhà của bà ở khu phố 2 cũng tuềnh toàng, chẳng có gì đáng giá. Vậy mà không cần bảo lãnh, thế chấp, mấy năm rồi bà Thu vẫn mượn tới hơn 100 triệu đồng, lúc thì mua vải vóc cho đám con cháu may áo gối bỏ mối, lúc thì sửa sang lại căn nhà, cuộc sống nhờ vậy đã có phần sung túc.

Số vốn ấy chính là một phần trong tài khoản 2,5 tỉ đồng mà bà phó ban MTTQ khu phố 2 Lê Ngọc Thu đã nắm giữ.

Thoát nghèo nhờ tiền “mặt trận”

Bà Võ Thị Thu chỉ là một trong số hàng trăm “con nợ” của ban MTTQ khu phố. Không chỉ chuyện làm ăn, chuyện học hành của con cái, cưới xin, chữa bệnh, sửa nhà... đều có thể được giải ngân vào mỗi cuối tháng với số tiền từ 8-16 triệu đồng mỗi đợt vay.

"Tui muốn có cái gì mà dân cùng tham gia, chứ không phải chỉ có cán bộ hè nhau làm"

Lê Ngọc Thu

Những người nghèo được cho mượn vốn không cần thế chấp, không biên bản ghi nợ như bà Thu ở P.12 có rất nhiều. Bà Liên, bà Trâm ở khu phố 15 có con đậu ĐH nhưng kẹt tiền học phí cũng chạy tới ban MTTQ khu phố, mượn mỗi năm 8 triệu đồng, nay hai đứa nhỏ sắp ra trường. Bà Nguyễn Thị Nhị bị bệnh ung thư cũng được ban MTTQ cho mượn hơn 30 triệu đồng.

Nhiều người còn “bảnh” hơn, bà Nguyễn Thị Kim Chi mượn gần 20 triệu đồng mở quán phở, ăn nên làm ra, sắm luôn cả căn nhà bên Q.7...

Năm năm, từ lúc bắt đầu lập quỹ hỗ trợ cho người dân, đã có hơn 2,5 tỉ đồng được cho mượn. Nhưng căn nguyên của số tiền giúp dân ấy lại được bà “tỉ phú” MTTQ Lê Ngọc Thu kể bằng một câu chuyện không liên quan gì đến tiền bạc: 10 năm trước khu phố 2 nơi bà làm tổ trưởng là một trong ba khu phố đầu tiên của TP đạt tiêu chuẩn khu phố văn hóa.

Nhưng bà thiệt tình: “Đạt chuẩn, nhưng mỗi đợt kiểm tra, cán bộ lại xuống từng nhà kêu làm cái này cái kia, ráng cho đẹp đẽ, hoàn chỉnh. Tui muốn có cái gì mà dân cùng tham gia, chứ không phải chỉ có cán bộ hè nhau làm”.

Câu chuyện ấy cứ làm bà Lê Ngọc Thu nghĩ tới nghĩ lui. Đến một lần, có một phụ nữ trong khu phố bị ung thư, không có tiền xạ trị, bà cùng các hộ dân có điều kiện kinh tế gom góp được 16 triệu đồng cho vay chữa bệnh. Tưởng giúp một đợt rồi thôi, ai dè đến tháng sau lại có bà lân la hỏi thăm còn ai cần giúp nữa không.

Bất ngờ với lời hỏi thăm, bà Thu mừng húm. Bà lập ra ngay quỹ “heo đất tương trợ” để ai có tiền dư dả thì góp vô. Người 500.000 đồng, người 1 triệu đồng, có người vài triệu đồng góp vào mỗi cuối tháng và chọn ra ba hộ trong khu phố đang có hoàn cảnh khó khăn nhất để cho mượn trả góp.

Con số ấy cứ đều đặn suốt năm năm nay, hơn 2,5 tỉ đồng đã qua tay bà, trung chuyển đến những người dân khó khăn trong phường. Vốn góp ngày mỗi tăng lên nhưng vui nhất như bà nói, vì là chuyện người dân cùng tham gia góp vốn suốt năm năm với tinh thần tự giác. Chưa khi nào thiếu tiền cho vay và cũng chẳng ai “xù” số tiền đã mượn.

Chưa biết khi nào “nghỉ hưu”

Năm 58 tuổi, bà Lê Ngọc Thu mới nhận được quyết định nghỉ hưu khi đang là phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM. Sở dĩ có chuyện quá tuổi hưu mới được về vì bà Thu có tới ba lần nhận được giấy đề nghị tiếp tục công tác của UBND TP.

Về hưu, bà tính tham gia công tác ở khu phố cho có bè bạn vui vầy, nhưng cuối cùng bà được giao đủ “chức” từ tổ trưởng dân phố tới phó ban MTTQ... Rồi tới ngày thành bà “tỉ phú” ôm hòm tiền bạc tỉ thì bà không rứt ra được nữa. Lý do là quỹ “heo đất tương trợ” của bà giờ không gói gọn trong khu phố 2 nữa mà đã lan rộng ra khắp phường.

Người nào trong phường kẹt tiền cần làm việc chính đáng đều tìm tới bà. Bởi vậy nên cũng có nhiều hơn những người dân tự nguyện góp tiền vô quỹ, không chỉ ở P.12 mà nhiều người dân ở P.14, 16 lân cận cũng tham gia.

Gặp bà khi vừa được mời lên giao lưu về công tác MTTQ tại lễ mittinh kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất VN (nay là MTTQ) tại TP, bà cho biết: sắp tới còn bận nhiều nữa khi Q. 4 đã quyết định nhân rộng mô hình quỹ “heo đất tương trợ” của bà ra khắp quận.

Trước mắt, đã có một lớp tập huấn cho lãnh đạo 15 phường ở Q.4 do bà đứng lớp truyền đạt kinh nghiệm. Và lần “về hưu muộn” này của bà “tỉ phú” MTTQ dù không có văn bản nào đề nghị nhưng chắc không phải ba năm mà sẽ còn rất dài.

Truyền thống làm công tác MTTQ

Tấm ảnh thờ trong gia đình bà Lê Ngọc Thu đã làm chúng tôi bất ngờ, khi mẹ bà - người phụ nữ trong ảnh chính là bà Nguyễn Thị Thập - nguyên phó chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, người đã có hơn 20 năm liền tham gia đoàn chủ tịch của Trung ương MTTQ VN.

Xuất thân từ một giáo viên dạy văn, mãi tới năm 58 tuổi mới về tham gia công tác MTTQ ở phường, bà Thu nói bà không nghĩ có ngày mình tình cờ gắn bó với công tác MTTQ như mẹ mình. Nhưng câu chuyện tình cờ gắn với công tác MTTQ ấy của bà Thu nay đã kéo dài 16 năm. Và “vậy là cũng sắp sửa có thâm niên làm MTTQ bằng má tui rồi” - bà cười mãn nguyện.

Bà Lê Ngọc Thu là gương điển hình tiêu biểu vừa được Ủy ban MTTQ TP.HCM mời lên giao lưu về những kinh nghiệm làm tốt công tác MTTQ ở địa phương tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất VN vào sáng 17-11.

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp