Từ ngày 24 đến 26-11, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức lễ tốt nghiệp tháng 11-2023 cho 11 nghiên cứu sinh, 259 học viên cao học và 3.203 sinh viên đại học.
Trong đó, buổi lễ cấp trường sẽ diễn ra sáng 24-11. Nhà trường sẽ trao bằng tiến sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc, khen thưởng 14 học viên cao học tốt nghiệp xuất sắc, trao bằng cho sinh viên có điểm tốt nghiệp từ 8,5 trở lên và trao tặng cúp toàn năng.
Bên cạnh đó, còn có 43 sinh viên được nhà trường trao tặng huy chương vàng tốt nghiệp.
Đáng chú ý, đợt tốt nghiệp này có đến 11 sinh viên được nhà trường trao tặng cúp toàn năng (có nhiều thành tích học tập, hoạt động nổi bật), trong đó có 3 bạn xếp loại xuất sắc, gồm: Trương Công Thành (khoa điện - điện tử), Nguyễn Hoàng Trung (khoa khoa học kỹ thuật và máy tính) và Hồ Thảo Nguyên (khoa kỹ thuật hóa học).
Nữ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc
Hồ Thảo Nguyên (K2019, khoa kỹ thuật hóa học) là nữ sinh viên duy nhất tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc của trường đợt này với điểm trung bình tích lũy GPA 9,16.
Bốn năm trước, cô cựu học sinh chuyên hóa Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong này trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa bằng giải học sinh giỏi quốc gia môn hóa.
Thảo Nguyên rất đam mê nghiên cứu. Dự án nghiên cứu đặc biệt quan trọng đối với cô chính là đồ án tốt nghiệp đại học.
"Nghiên cứu này không chỉ đứng độc lập mà còn kết hợp cùng một đề tài khác về tổng hợp benzoxazoles, nhằm tạo ra bài báo khoa học hoàn chỉnh, dự kiến sẽ được đăng trên tạp chí Organic & Biomolecular Chemistry vào cuối năm nay", Nguyên chia sẻ.
Hiện tại, cô gái trẻ này đang thử sức trong lĩnh vực vật liệu hữu cơ có nguồn gốc thiên nhiên: vật liệu hydrogel từ sợi chuối. Loại vật liệu này đã và đang thu hút sự chú ý của giới khoa học với tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y sinh.
Nguyên đã chọn tập trung vào ứng dụng thấm hút, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất băng vệ sinh. Đề tài này đã đoạt giải ba cuộc thi "Bach Khoa Innovation 2023".
Nữ sinh viên này có thành tích học tập "khủng" với việc đạt được nhiều học bổng khuyến khích học tập các kỳ, học bổng Vallet, AmCham, ACWES.
Đặc biệt, Thảo Nguyên còn sở hữu IELTS 8.5. Nguyên chia sẻ bản thân cố gắng biến việc sử dụng tiếng Anh thành một thói quen và luôn học với tinh thần "không sợ sai".
Cô còn có mặt trong nhiều tình nguyện ở ký túc xá đợt dịch COVID-19, mùa hè xanh; thi hùng biện tiếng Anh ở Trường đại học Y Dược TP.HCM và nhiều cuộc thi ngoài trường.
Hiện nay, Nguyên đang làm nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu Trường đại học Bách khoa và dự kiến sẽ học lên cao học ở nước ngoài vào năm sau.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Thảo Nguyên nói: "Điều mình luôn hướng tới trong mỗi năm học đơn giản chỉ là cố gắng hiểu những gì mình học".
Giải pháp xanh tận dụng nguồn lợi từ rác thải
Nguyễn Hoàng Trung (K2019, khoa khoa học kỹ thuật và máy tính) sở hữu GPA 9,15 và TOEIC 965.
Khởi đầu là học sinh chuyên hóa với 2 giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn hóa năm lớp 11 và lớp 12, Hoàng Trung quyết định rẽ hướng học về máy tính.
"Ban đầu, tôi không đặt mục tiêu quá cao vì chưa có nhiều kinh nghiệm ở ngành học này, chỉ cố gắng hết sức để đạt được kết quả đủ tốt. Trong hai năm đầu, tôi tập trung vào việc học kỹ những môn cơ sở ngành và hai năm tiếp theo dành thời gian để vừa đi thực tập vừa học các môn còn lại trên trường và làm đồ án tốt nghiệp", Trung chia sẻ.
Ngoài ra, Hoàng Trung cũng tham gia nghiên cứu khoa học. Dự án tâm đắc nhất là Gcollector hướng đến giải pháp xanh hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng được tối đa nguồn lợi từ rác thải và xây dựng hệ tuần hoàn sản xuất bền vững bằng cách ứng dụng công nghệ trong khâu nhận diện và phân loại rác thải tại nguồn.
Dự án còn có sự tham gia của 4 bạn đến từ Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học tự nhiên và Trường đại học Ngoại thương. Dự án đã đoạt một số giải thưởng: giải ba cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ - S&IP năm 2021, top 10 cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC năm 2021, và top 2 cuộc thi SV Startup Trường đại học Ngoại thương.
Tìm hiểu thật kỹ những vấn đề khó
Trương Công Thành (K2019 khoa điện - điện tử) với GPA 9,12.
Công Thành đặt chân vào nhóm ngành điện - điện tử của trường bằng giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2019 môn vật lý và 2 huy chương vàng kỳ thi Olympic 30-4 (2017 và 2018), 1 huy chương vàng kỳ thi Trại hè phương Nam năm 2017.
Với Thành, bước vào giai đoạn làm bài tập lớn và thí nghiệm ở trường là khoảng thời gian khó khăn nhất. "Bài tập lớn và các môn thí nghiệm thường sẽ xuất hiện và kết thúc cùng nhau dẫn đến khối lượng công việc tăng gấp đôi và mình phải làm việc với cường độ cao. Sau đó thường sẽ là thi học kỳ nên không khí là càng ngột ngạt hơn. Đứng trước một vấn đề khó nào đó, tôi sẽ tìm hiểu và nghiên cứu đến khi cảm thấy không còn thắc mắc thì sẽ dừng lại", Thành cho hay.
Công Thành là chủ nhiệm đề tài "Design stabilizing two-axis inertial platform" đã nghiệm thu đợt 1, nghiên cứu khoa học cấp sinh viên năm 2022. Đồng thời, anh cũng đã nhận hàng loạt học bổng học tập xuất sắc trong và ngoài trường.
Thành bắt đầu công việc hiện tại ở vị trí Embedded Software Engineer (kỹ sư phần mềm nhúng) vào giữa tháng 6-2023 theo đúng những gì được đào tạo tại trường.
Để sinh viên được trao cúp toàn năng?
Tiêu chí để xét huy chương vàng gồm: tốt nghiệp đúng thời gian đào tạo kế hoạch; có điểm trung bình tích lũy nằm trong top 10 của khoa; xếp loại học lực khi tốt nghiệp đạt loại giỏi trở lên; điểm bảo vệ tốt nghiệp từ 8,0 (thang 10) trở lên.
Sinh viên của chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến phải có chứng chỉ quốc tế tương đương IELTS từ 6.5 trở lên; điểm rèn luyện toàn khóa đạt loại xuất sắc; không bị bất kỳ hình thức kỷ luật nào trong toàn khóa học.
Để xét chọn sinh viên đạt cúp toàn năng, hội đồng cũng sẽ dựa trên các tiêu chí này, đồng thời kết hợp thêm các tiêu chí về các thành tích khác trong quá trình học tập, hoạt động nghiên cứu, hoạt động xã hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận