Một tàu giã cào của ngư dân trên địa bàn huyện Long Điền. Ảnh: TTXVN
Đây là một hình thức đánh bắt có tính tận diệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, thực hiện cải hoán, khuyến khích ngư dân chuyển sang các nghề khác đối với tàu và ngư dân đang hành nghề này. Tuy nhiên, hiện nhiều ngư dân đang kêu khó khi chuyển đổi nghề.
Thiếu vốn, kỹ thuật và cả nhân công lao động trong khi nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề… là những khó khăn mà ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra khi các cơ quan chức năng tuyên truyền khuyến khích chuyển đổi từ nghề lưới giã cào sang các ngành nghề khác.
Theo ông Hồ Văn Điền, ngư dân hành nghề lưới giã cào tại ấp Phước Thuận, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, thực hiện chuyển đổi nhưng chính quyền địa phương cũng cần nghiên cứu xem xét cụ thể. Huyện Long Điền có số ghe, tàu hành nghề lưới giã cào lớn nhất tỉnh. Nếu thực hiện chuyển đổi hết sẽ không có ngư trường để đáp ứng cho nhu cầu đánh bắt.
Các cơ quan chức năng nên nghiên cứu thay vì chuyển đổi nghề, có thể thiết kế mắt lưới của lưới giã cào lớn hơn so với hiện nay để đánh bắt thủy sản có chọn lọc hơn. Ngoài ra, tỉnh cũng cần thành lập nghiệp đoàn nghề cá để hỗ trợ định giá thu mua giúp ngư dân sau khi chuyển đổi sang các nghề khác. Bởi hiện nay, đa phần hải sản đánh bắt được đều thông qua thương lái nên việc bị ép giá là khó tránh khỏi - ông Điền phàn nàn.
Ngư dân Trần Đình Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền có hơn 40 năm làm nghề lưới giã cào với 10 chiếc tàu đang hoạt động. Khi biết được địa phương có chủ trương, chính sách khuyến khích chuyển đổi nghề giã cào sang các nghề khác thì ông thực sự lo lắng. Dù muốn chuyển đổi sang nghề khác nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay của ông là vốn. Với 10 chiếc tàu lưới giã cào của gia đình, nếu như chuyển đổi sang nghề lưới rê thì ông cần khoảng 30 tỷ đồng để thực hiện việc cải tạo sửa chửa ghe, tàu, giàn lưới cho phù hợp với nghề mới.
Trong khi tình hình đánh bắt trên biển đang gặp nhiều khó khăn, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạt kiệt, nhiều chuyến đi biển còn phải chịu lỗ, thì đây là một khoản tiền quá lớn. Do đó, ngư dân mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn khi chuyển đổi - ông Tân kiến nghị.
Ngư dân Trần Văn Dư, phường 5, thành phố Vũng Tàu cũng đã có nhiều năm hành nghề lưới giã cào bày tỏ sự nhất trí chủ trương chuyển đổi dần nghề lưới giã cào sang các nghề lưới khác. Tuy nhiên, để chuyển đổi tập quán đánh bắt của ngư dân rất khó, cần có thời gian để tìm hiểu, làm quen với nghề mới. Thời điểm này, tìm được tài công biết nhìn được luồng cá nổi, chọn con nước, điểm đánh cá cũng "đỏ mắt". Bạn ghe đi lưới rê thì phải biết vá lưới, xông lưới, cột triêng… Hàng loạt cái khó đang bủa vây, ông Dư phân tích.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến cuối tháng 6-2017, tổng số tàu cá hành nghề giã cào trên địa bàn đã lên tới 1.765 tàu, với tổng công suất 685.887 CV. Tàu giã cào đóng góp đến hơn 70% tổng sản lượng thủy hải sản khai thác của toàn tỉnh, với hơn 220 nghìn tấn/năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nghề biển.
Lưới của ngư dân bị rách nát khi gặp tàu giã cào.
Trước tình hình hoạt động đánh bắt có nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, những năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý hoạt động nghề lưới giã cào như: cấm hoạt động khai thác thủy sản trong mùa sinh trưởng của các loài hải sản; cấm đóng mới phát triển tàu cá làm lưới giã cào…; đồng thời, ngành thủy sản tỉnh phối hợp với các đơn vị thành lập các đoàn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi trên biển.
Ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh đã có quy hoạch phát triển nghề khai thác thủy hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, duy trì, phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường như lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp chụp mực… Mục tiêu đến năm 2020, số lượng tàu lưới kéo chỉ dừng ở 1.450 chiếc.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có văn bản đồng ý chủ trương tạm dừng đóng mới tàu cá vỏ gỗ từ ngày 1/1/2017; tạm thời không giải quyết thủ tục đăng ký, đăng kiểm cho các tổ chức, cá nhân mua tàu cá vỏ gỗ ngoài tỉnh, kể từ ngày 10/10/2017; cho phép tổ chức, cá nhân có tàu cá giải bản hoặc các tàu hoạt động nghề lưới kéo giải bản được đóng mới tàu cá vỏ gỗ thay thế tàu giải bản; với điều kiện phải gắn máy thủy mới 100%, có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và hoạt động các nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp và dịch vụ hậu cần;
Tỉnh khuyến khích các tàu hoạt động nghề lưới kéo giải bản chuyển sang đóng mới tàu vỏ Composite và vỏ thép, cải hoán, nâng cấp chuyển đổi nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp. Ngày 1/8/2017, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có văn bản đồng ý chủ trương lập đề án chuyển đổi tàu cá hoạt động nghề lưới kéo và tàu cá hoạt động ven bờ.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh đang lấy ý kiến của bà con ngư dân trong việc chuyển đổi ngành nghề khai thác từ lưới giã cào sang các nghề lưới khác, để từ đó có thể xây dựng đề án triển khai phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và mong muốn của ngư dân, từ đó mới có hướng hỗ trợ bà con ngư dân trong việc chuyển đổi ngành nghề đánh bắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận