07/01/2012 08:00 GMT+7

Ba người phụ nữ phía sau anh Hải

QUỲNH TRUNG - THANH LIÊM
QUỲNH TRUNG - THANH LIÊM

TT - Ca phẫu thuật cho anh Nguyễn Duy Hải thành công, lịch sử y học sẽ nhắc nhiều đến bác sĩ người Mỹ McKay McKinnon. Nhưng để có cuộc đời mới này, anh Hải mang ơn rất nhiều ba người phụ nữ đã chăm sóc cho anh suốt thời gian dài. Đó là mẹ anh, chị anh và cô em dâu.

nGiMUBS9.jpgPhóng to

Chị Nguyễn Thị Minh Châu, 40 tuổi, chăm sóc em ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tháng 11-2011 - Ảnh: Quỳnh Trung

Cuộc sống thường ngày của anh Hải trước khi phẫu thuật chỉ là cái tivi làm bầu bạn, là khung cảnh trước cửa nhà, quen thuộc đến nhàm chán. Anh từng tâm sự vui rằng nơi mà anh đi xa nhất trong mấy năm gần đây cũng “không quá cái tấm nệm đang nằm”.

Thú vui duy nhất của anh là mỗi tối “tám” với gia đình cậu em Út nhà sát bên cạnh và mấy bạn hàng xóm, rồi ăn những món ăn do cô em dâu nấu nướng. Mọi sinh hoạt cá nhân như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh của anh trong mười năm qua, kể từ khi anh nằm một chỗ, đều do mẹ già - bà Nguyễn Thị Cho Con - một tay chăm sóc.

Mẹ

“Chị luôn bảo vệ tôi từ lúc tôi còn quá nhỏ để hiểu hết được sự dị nghị, định kiến của người đời. Có lần khi chị cùng tôi đi thả diều, những người xung quanh nhìn vào cái bướu dị dạng của tôi và xầm xì bàn tán, tôi chỉ cười nhưng chị ấy đi thẳng tới họ và nói “mấy người không thương thì thôi, đừng xầm xì, tội nghiệp nó” rồi sau đó cõng tôi về, mặc kệ những ánh nhìn ái ngại” - anh Hải kể về chị gái mình.

Những ngày anh nhập Bệnh viện Pháp Việt (FV) tại TP.HCM, mẹ anh bồn chồn xen lẫn niềm vui vô bờ mà bà gắng giấu trong lòng. Khi chúng tôi tìm cách ghi hình những giờ phút trước khi anh lên bàn mổ, bà Cho Con cứ đi ra đi vào luôn miệng “thôi mấy chú đừng quay nữa”. Bà sợ người của bệnh viện phát hiện thấy phóng viên thì sẽ không mổ cho thằng Chẹm con bà - tên ở nhà của anh Hải.

Nỗi lo rất thực của bà mẹ nghèo. Sợ người ta không thèm mổ cho con bà, như hơn một tháng trước. Bà không muốn vi phạm, sai sót nào có thể làm hỏng mơ ước của bà và người con bất hạnh.

Mấy mươi năm qua, bà mẹ tuổi 60 này, vì cái nghèo, cái khổ chồng chất mà trông gương mặt hom hem hơn tuổi, chỉ có mỗi mơ ước đơn giản là “có ai đó lấy giùm khối u cho thằng con tội nghiệp”. Nhà nghèo, chồng làm thợ mộc, bà đi bán ve chai phụ thêm từ khi nghỉ việc điều dưỡng. “Tui đi khỏi nhà từ sáng sớm, vừa mua bán chai bao, vừa tranh thủ lượm thêm. Ngày nào chưa kiếm được mấy ký gạo nuôi con thì tui đi lượm thêm đến tối mịt. Có những hôm thấy nhà người ta lên đèn, nấu cơm mà tui còn ròng rã trên đường. Thương con đứt ruột” - bà mẹ già tâm sự.

Đến khi anh Hải nằm liệt giường cách đây mười năm và chồng qua đời thì bà cũng gần như phải ở nhà để chăm sóc cho con. Vì từ thời gian đó bà không những phải lo miếng ăn, miếng uống cho con mà còn phải giúp Chẹm không nghĩ quẫn tìm đến cái chết khi phải chịu đựng những cơn đau thấu ruột gan lúc trái gió trở trời.

Cuộc đời bà chẳng có mấy niềm vui cho đến khi có những thông tin cho biết có ông bác sĩ bên Mỹ “sẵn sàng mổ cho thằng Chẹm”.

Chị

Người đưa trường hợp anh Hải đi Mỹ chính là chị ruột anh, chị Nguyễn Thị Minh Châu. Kể về người chị đang định cư ở bang Florida (Mỹ), ánh mắt anh Hải luôn rạng ngời hạnh phúc và tự hào. Anh kể rằng không có chị, chắc anh không còn sống đến giờ này và càng không có hi vọng để có thể đi lại bình thường.

“Khi tôi còn nhỏ, lúc cái bướu khoảng 20kg, chị thường cõng tôi trên lưng vượt qua mấy con dốc trơn trượt và nguy hiểm đầu nhà để đưa tôi đi thả diều dọc bờ hồ Xuân Hương và xem ca nhạc hoặc đi đến bất cứ nơi đâu tôi thích, miễn là tôi thấy vui. Những đêm má tôi trực ở bệnh viện, tôi khóc vì đau đớn, chị ấy cũng khóc và ôm chặt tôi vào lòng, rồi ru cho đến khi tôi ngủ say”.

Kể về chị mình, dòng chảy quá khứ cứ như mới tươi rói trong anh Hải.

Năm 2001, chị Châu sang Mỹ định cư theo diện chồng bảo lãnh. Kể từ đó đến nay hai vợ chồng chị làm thuê cho các tiệm làm móng (nail) của người Việt ở bang Florida, thu nhập khá bấp bênh. Dù đã có gia đình riêng với hai con nhỏ trong tuổi đi học, chị vẫn cố gắng dành dụm gửi tiền sinh hoạt và thuốc thang cho mẹ và em trai mỗi tháng.

Anh Hải kể cách đây khoảng bảy tháng, anh đau như cắt da cắt thịt và bỏ ăn gần hai tháng, chỉ duy trì sự sống bằng sữa và cháo. Lúc ấy anh nghĩ chết còn sung sướng hơn cái kiếp đau đớn này, chị Châu gọi điện về động viên cho anh thêm động lực để sống tiếp và đợi chờ phép mầu.

Phép mầu đó cũng do chính chị xoay xở tạo ra cho em mình.

Năm 2009, bà Amanda Schumacher, nhà sáng lập quỹ từ thiện The Tree of Life, đến tiệm nail chị Châu đang làm việc và tình cờ nhìn thấy tấm ảnh anh Hải mà chị Châu luôn mang theo bên mình để vơi bớt nỗi nhớ thành viên bất hạnh nhất trong nhà. Bà Amanda xúc động và yêu cầu chị cung cấp cho bà thêm nhiều hình ảnh của anh Hải để bà gây quỹ từ thiện.

Mừng như bắt được vàng, chị cùng chồng làm khoảng 50 thùng từ thiện có dán hình anh Hải đi xin đặt ở các tiệm nail khắp bang Florida để gây quỹ thêm cho ca phẫu thuật vì nghe đâu chi phí rất lớn. “Có nhiều người thương cảm đồng ý cho đặt trước cửa tiệm, nhưng cũng có những người xua đuổi chúng tôi hoặc giấu những cái thùng này đi vì cho rằng chúng tôi lừa đảo” - chị Châu kể.

Rồi thì bác sĩ McKay McKinnon, chuyên gia phẫu thuật hàng đầu những khối u cỡ lớn người Mỹ, biết đến trường hợp của anh Hải thông qua quỹ từ thiện The Tree of Life và bày tỏ mong muốn phẫu thuật miễn phí cho anh Hải. Khi bác sĩ McKay McKinnon thông báo sẽ phối hợp với Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phẫu thuật cho anh Hải vào ngày 18-11-2011, chị vui mừng đến phát khóc và quyết định về nước để động viên và chia sẻ niềm vui với em trai.

Nhưng hi vọng nhanh chóng tiêu tan khi ca phẫu thuật được thông báo hoãn vào phút cuối. Bác sĩ McKinnon và vợ rơm rớm nước mắt khi chia tay anh Hải để trở về nước vì không thể giúp gì được cho anh.

Chị Châu không đầu hàng. Chị lại liên hệ với quỹ The Tree of Life và liên lạc lại với bác sĩ McKinnon để tìm hướng đi mới cho em trai.

Hơn một tháng sau đó, Bệnh viện FV thông báo tiếp nhận anh Hải và lấy phí tượng trưng 12.000 USD (khoảng 240 triệu đồng), một số tiền quá lớn với gia đình.

Ngoài khoảng 160 triệu đồng do các nhà hảo tâm trong nước đóng góp, chị Châu vay mượn số tiền còn lại từ bạn bè.

Em dâu

Khi ca mổ cho anh Hải tại Bệnh viện FV được truyền hình trực tiếp, mẹ anh và hầu hết những người thân trong gia đình đều không dám chứng kiến, chỉ một người phụ nữ nhỏ nhắn, ôm con ngồi dán mắt vào màn hình. Đó là chị La Thị Thu Hằng, em dâu anh Hải, người thường nấu những món ăn ngon cho anh Hải trong nhiều năm qua để giúp anh có thêm niềm vui sống.

“Thường tôi rất sợ máu, nhưng khi thấy anh Hải được đưa vào phòng mổ, tôi vẫn muốn vào xem và cầu nguyện cho ca mổ thành công để tôi có thể tiếp tục nấu ăn cho anh ấy” - chị bộc bạch.

Không chỉ khéo vun vén cho mái ấm nhỏ với một đứa con thơ kháu khỉnh cùng anh Nguyễn Duy Sang, em trai út của anh Hải, chị Hằng cũng rất quan tâm đến gia đình chồng, đặc biệt là anh Hải. Có lần chồng chị phải vào TP.HCM để cùng mẹ chăm sóc cho anh Hải hơn một tháng, chị không những không can ngăn mà còn động viên chồng mặc dù chị phải một tay chăm sóc con, lo công việc buôn bán ngoài chợ mà không có ai phụ giúp.

Ở sát cạnh nhà, gia đình chị Hằng tối nào cũng qua thăm và trò chuyện với anh Hải và nấu những món ăn ngon cho anh. “Nếu anh thèm món gì, tôi đều cố đi chợ và mua bằng được. Tuy vậy có những lúc anh Hải thấy gia đình khó khăn nên không đòi ăn món ngon nữa” - chị Hằng kể thật thà.

jpJSRzn0.jpgPhóng toAnh Nguyễn Duy Hải đang được chăm sóc, theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện FV, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Ca mổ cắt bướu cho anh Nguyễn Duy Hải:

Sáng 6-1, Bệnh viện FV tổ chức họp báo về ca mổ cắt khối bướu khổng lồ cho anh Nguyễn Duy Hải (32 tuổi, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Hầu hết các bác sĩ của Bệnh viện FV tham dự ca phẫu thuật này đều có mặt, nhưng PGS.BS McKay McKinnon - phẫu thuật viên chính ca mổ - lại vắng mặt vì ông bận phẫu thuật cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Jean - Marcel Guillon - tổng giám đốc Bệnh viện FV - cho biết có 60 người tham dự vào tiến trình thực hiện ca phẫu thuật. Trong đó, 32 người tham gia trực tiếp cho ca phẫu thuật trong phòng mổ ngày 5-1. Bác sĩ Jean - Marcel Guillon xúc động nói: “Tôi rất cảm kích và cảm ơn tất cả mọi người đã hỗ trợ chi phí, chung tay cùng với bệnh viện để ca phẫu thuật cho bệnh nhân được thực hiện, trong đó có báo Tuổi Trẻ”.

Theo bác sĩ Gerard Desvignes - giám đốc y khoa Bệnh viện FV, khối bướu của anh Hải sau khi cắt bỏ có trọng lượng chính xác là 82kg. Ca phẫu thuật kéo dài đúng 11 giờ 23 phút. Êkip mổ đã lấy lại bảy lít máu của chính anh Hải trong khi mổ để truyền máu hoàn hồi cho anh.

Dự kiến anh Hải phải nằm phòng ICU khoảng một tuần để được chăm sóc, theo dõi đặc biệt diễn tiến sức khỏe và mất 2-3 tuần nữa Bệnh viện FV mới có thể kết luận ca mổ thật sự thành công trọn vẹn hay không.

* 10g10 sáng 6-1, chuyên gia phẫu thuật người Mỹ McKay McKinnon tiếp tục phẫu thuật cho một cô gái có nhiều khối u ở mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Đó là Kiều Thị Mỹ Dung, 23 tuổi, ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Bệnh nhân được chẩn đoán có khối u đa sợi thần kinh.

Sau đúng tám giờ phẫu thuật, ông McKinnon đã kết thúc ca mổ. GS.BS Trần Quyết Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá ca mổ thành công nhiều hơn mong đợi. Êkip mổ đã cắt những khối u ước tính nặng khoảng 1,5kg cho bệnh nhân. Do khối u trên mặt bệnh nhân đã khoét vào hốc mắt bên phải nên êkip mổ đã lấy xương sọ tái tạo trần hốc mắt cho bệnh nhân, sau đó định vị xương gò má phải để cân bằng với má bên trái, tái tạo các cơ nâng mi để đảm bảo hoạt động của mắt.

QUỲNH TRUNG - THANH LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp