Mẹ con bà Đặng Thị Nga (ôm hoa) tại buổi xin lỗi - Ảnh: GIANG LONG
Ngày 1-2, luật sư Vũ Thị Nga, trưởng văn phòng luật sư Công lý Việt, cho biết bà vừa có đơn yêu cầu bồi thường oan sai cho 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên.
Mức bồi thường mà luật sư và gia đình bà Nga yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường cho gần 30 năm mang thân phận bị can với tội giết chồng, giết cha là hơn 18 tỉ đồng.
Theo đơn yêu cầu, bà Nga cho biết bản thân bà bị giam giữ 205 ngày, bị truy tố oan sai 28 năm (từ năm 1990 đến tháng 10-2017). Bà Nga yêu cầu được bồi thường tổn thất tinh thần gần 2 tỉ đồng, bồi thường tổn thất tinh thần cho 3 người con hơn 3 tỉ đồng. Ngoài ra bà Nga còn yêu cầu bồi thường khoản tiền giảm sút thu nhập, giảm sút sức khỏe… Tổng số tiền bà Nga yêu cầu bồi thường là 9,6 tỉ đồng.
Anh Trịnh Huy Dương (con trai bà Nga) bị bắt về tội giết bố, bị giam giữ hơn 800 ngày và bị truy tố oan sai không giam giữ gần 26 năm. Anh Dương yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần, giảm sút thu nhập, giảm sút sức khỏe, chi phí kêu oan với tổng số tiền là 4,5 tỉ đồng.
Anh Trịnh Công Hiến (con trai bà Nga) bị bắt, bị giam giữ hơn 800 ngày về tội giết bố. Anh Hiến cũng bị truy tố oan sai không giam gần 26 năm. Do buồn chán, uất ức vì mang tội giết bố oan, anh Hiến sinh bệnh tật và mất năm 2004 khi chưa được giải oan. Tổng số tiền gia đình yêu cầu bồi thường cho anh Hiến là 4 tỉ đồng.
Bà Nga cùng con trai đến TAND tỉnh Điện Biên gửi đơn yêu cầu bồi thường - Ảnh: LS Vũ Thị Nga
Trong đơn yêu cầu bồi thường, bà Nga cũng nhắc lại những ngày tháng đau khổ đến cùng cực khi phải mang tội giết chồng, 2 con trai bà mang tội giết cha.
Lúc bà và hai con trai bị bắt thì 3 người con còn lại vẫn thơ dại, chưa đến tuổi thành niên. Bà băn khoăn do bị ảnh hưởng bởi những vụ án oan mà nay một người con trai của bà mắc bệnh trầm cảm.
"Vụ án này xảy ra với tôi và gia đình là một mất mát vô cùng lớn không gì bù đắp nổi. Việc cả gia đình bao gồm tất cả những người trưởng thành và chưa trưởng thành đều bị điều tra, truy tố xét xử oan sai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín không chỉ tới tôi mà còn tới cả gia đình, họ tộc, dân làng, bị xã hội lên án. Chúng tôi không những chỉ bị suy sụp về tinh thần mà còn bị suy sụp nghiêm trọng về thể chất.
Các con tôi gồm Trịnh Thị Ngọc, Trịnh Huy Dũng, Trịnh Việt Vương vất vưởng không nơi nương tựa, thất học, đứa thì điên dại mất hết lý trí, đứa thì không có hạnh phúc riêng tư" - bà Nga viết trong đơn.
Bà Nga hy vọng TAND tỉnh Điện Biên sẽ sớm tổ chức thương lượng và thực hiện việc bồi thường vì nay tuổi bà đã ở ngưỡng "gần đất xa trời".
"Cuộc đời của tôi và các con tôi tan nát, khổ cực vì vụ án oan này đến nay là quá đủ rồi. Các cơ quan chức năng làm sai thì phải chịu trách nhiệm, tôi mong nhận được tiền bồi thường trước khi chết để có thể giúp các con bù đắp phần nào thiệt hại suốt những năm tháng qua", bà Nga nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án TAND Tối cao, cho biết đã nắm được thông tin gia đình bà Nga gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai. Ông Bình khẳng định các cơ quan chức năng có trách nhiệm sẽ nghiêm túc, cầu thị sớm thương lượng và bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ giết người bị bỏ ngỏ gần 30 năm
Câu chuyện án oan của gia đình bà Nga được báo Tuổi Trẻ phản ảnh trong bài viết "Kỳ án dưới chân đèo Pha Đin". Sau đó Các cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can và tháng 10-2017 tổ chức xin lỗi công khai 3 mẹ con bà Nga.
Năm 1989, thi thể ông Trịnh Huy Tùng (chồng bà Nga) được tìm thấy dưới giếng. Cơ quan công an huyện Tuần Giáo đã khởi tố, bắt giam ba mẹ con bà Nga để điều tra về tội giết người.
Năm 1990, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội không tố giác tội phạm.
Hai con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội đã giết ông Tùng, bị tuyên án 18 và 12 năm tù.
Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tháng 1-1992, trong quá trình điều tra lại, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) có quyết định hủy bỏ việc tạm giam với ông Hiến và ông Dương sau 28 tháng tạm giam.
Kể từ đó, vụ án bị treo lơ lửng suốt gần 30 năm không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận