Các bị hại tại buổi công khai xin lỗi và cải chính - Ảnh: CHÍ TUỆ
Sáng 9-10, tại hội trường UBND xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai, giải oan cho các ông Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám và Khổng Văn Đệ - cùng ở thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú cũ, nay là tỉnh Vĩnh Phúc.
Cả 3 người bị VKSND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) kết án oan trong vụ án ông Chu Văn Quản (bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh) bị giết chết ngày 28-1-1980.
Từ sáng sớm 9-10, gia đình, người thân ông Chinh, ông Thám, ông Đệ và hàng trăm người dân xã Đồng Thịnh đến trụ sở UBND xã theo dõi buổi xin lỗi, song chỉ những ai có giấy mời mới được vào hội trường để chứng kiến trực tiếp buổi xin lỗi công khai.
Thay mặt các cơ quan tố tụng, ông Ngô Khương Tiến - phó viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc - đã đọc lời xin lỗi ông Chinh, ông Thám và ông Đệ cùng toàn thể người thân của 3 ông vì các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (cũ, đã tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) đã điều tra khởi tố, tạm giam oan sai gây thiệt hại về vật chất, sức khỏe, tinh thần và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của 3 ông.
Thay mặt các cơ quan tố tụng, ông Ngô Khương Tiến, phó viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, đã đọc lời xin lỗi đối với ông Trần Ngọc Chinh, ông Trần Trung Thám và ông Khổng Văn Đệ - Ảnh: CHÍ TUỆ
Sau lời xin lỗi công khai của VKSND tỉnh, thay mặt gia đình, ông Trần Văn Mạnh - con trai ông Trần Trung Thám (ông Thám đã tử vong trong khi bị tạm giam để điều tra) - nghẹn ngào khi kể về những oan ức mà người cha mang theo xuống mồ khi vụ án chưa được làm sáng tỏ.
"Đã gần 40 năm kể từ khi cha tôi bị vướng vào vòng lao lý mang tội giết người, những ký ức về chuỗi ngày kinh hoàng, đắng cay tủi nhục lại hiện về trong tâm trí của mẹ tôi, của những đứa con thơ côi cút bóng cha là anh, chị, em chúng tôi. Những tháng ngày cha bị bắt mang danh kẻ giết người, chúng tôi sống trong ánh nhìn ghẻ lạnh của người đời, mang thân phận con của kẻ giết người.
Gia cảnh nghèo khó phải bỏ học giữa chừng, mẹ kiếm sống lay lắt qua ngày nuôi chúng tôi khi không có cha. Nỗi nghiệt ngã chưa dừng lại ở đó, cha tôi bị chết không rõ lý do sau gần 3 tháng bị tạm giam, ông ra đi mang theo nỗi oan ức lớn" - ông Mạnh nói.
Ông Khổng Văn Hậu - con trai ông Khổng Văn Đệ - tâm sự rằng 40 năm qua, vụ án oan ngày nào vẫn hằng ngày đeo bám dai dẳng những ám ảnh, giày vò gia đình ông suốt chừng ấy thời gian.
"Đến tận bây giờ chúng tôi cũng không thể biết suốt 833 ngày bị giam giữ nhưng bố tôi cương quyết không nhận tội, bố tôi đã thật sự phải chịu đựng những điều khủng khiếp. Án oan của bố tôi còn là ‘án tử’ cho cả gia đình tôi. Ngày bố tôi bị bắt giam cũng là ngày bắt đầu bi kịch của gia đình tôi, phải sống trong sự căm hận, khinh thường của người dân vì mang danh là vợ, là con của kẻ giết người" - ông Hậu nói.
Ông Trần Ngọc Chinh cho biết thời gian bị tù oan gần 3 năm đối với ông là những nỗi đắng cay, tủi nhục. "Mang trong mình nỗi oan tày đình là kẻ giết người nhưng kêu không thấu ai. Nhiều lần tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến cái chết. Giờ đây tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác đau thương đã từng trải qua. Trong khi đó, người thân gia đình chịu cảnh cha là kẻ giết người" - ông Chinh chia sẻ.
Theo ông Chinh, việc liên ngành tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai minh oan cho các bị hại trong vụ án, dù muộn nhưng cũng đã trả lại công bằng cho các gia đình.
"Nhân dịp đặc biệt này, tôi đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật cần phối hợp thực hiện nghiệp vụ tốt hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trên cơ sở pháp luật và tình người, để không phạm phải những sai lầm như đã xảy ra đối với tôi và mọi người" - ông Chinh nói.
Phát biểu kết thúc buổi xin lỗi, phó viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc thay mặt cơ quan tố tụng chúc mừng ông Chinh, ông Thám và ông Đệ là những người bị thiệt hại trong vụ án giết người xảy ra cách đây gần 40 năm. "Chúng tôi cũng bày tỏ tình cảm chân thành về những lời phát biểu của các gia đình. Vì lời xin lỗi của thế hệ đi sau thay thế hệ đi trước đã được chấp nhận" - ông Tiến nói.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 28-1-1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra án mạng, nạn nhân là ông Chu Văn Quản, bí thư chi bộ thôn. Ông Chinh nghe tin, tò mò nên cùng mọi người đi xem song chỉ dám đứng ở vòng ngoài.
Sau khi vụ án xảy ra, ông Chinh cùng 3 người khác bị cảnh sát cáo buộc về tội giết người. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phú sau đó xác định chỉ có một mình Nguyễn Đình Ký (ở thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú cũ, nay là tỉnh Vĩnh Phúc) gây án. Sau đó, ông Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên phạt tù chung thân ngày 15-6-1983.
Khi cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú xác định được hung thủ gây ra cái chết cho ông Chu Văn Quản, lần lượt ông Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám, Khổng Văn Đệ đều có quyết định đình cứu (đình chỉ điều tra bị can) từ VKSND tỉnh Vĩnh Phú, với nội dung xác nhận là cả 3 không liên quan đến việc ông Chu Văn Quản bị giết.
Theo gia đình 3 người được đình cứu, sau khi được trả tự do, các cơ quan chức năng chưa hề xin lỗi hoặc cải chính công khai về việc oan sai, khiến cả 3 người cùng gia đình cùng chịu sự ghẻ lạnh, kỳ thị của xã hội đến tận bây giờ, gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần, cuộc sống, kinh tế... trong suốt gần 40 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận