Tại buổi chia sẻ, trao đổi thông tin về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chiều 24-4, ông Ngô Trung Dũng - phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - cho biết hiện có tổng cộng khoảng 730.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ cá nhân và tổ chức.
Tư vấn bảo hiểm mập mờ bị đưa vào "danh sách đen"
Ông Dũng nhìn nhận, cũng như nhiều nước khác trong khu vực, ở thời kỳ đầu của thị trường bảo hiểm, tại Việt Nam số lượng đại lý bảo hiểm dâng lên rất cao.
"Tuyển dụng hay là chết" hợp với quy trình phát triển ngành bảo hiểm ngày xưa. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều năm trước nở rộ việc người người đi bán bảo hiểm, tập trung bán cho người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay và sắp tới việc tuyển dụng đại lý bảo hiểm mới không phải là chiến dịch quyết liệt như trước. Nhiều người bán bảo hiểm có trình độ cử nhân.
Theo ông Dũng, thời gian qua hiệp hội đã kết hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, chuyển hồ sơ vi phạm của một số tư vấn viên sai phạm trong kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurace) vào danh sách xử phạt.
Tính chung cả kênh truyền thống và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, chỉ riêng năm 2022 hiệp hội đã đưa hơn 3.150 người bán bảo hiểm vào danh sách xử phạt, không được hành nghề trong ít nhất 5 năm.
Trong vòng ba năm nay, có tổng cộng hơn 9.000 đại lý bảo hiểm đã bị đưa vào danh sách xử phạt ("black list" - danh sách đen), bao gồm cả những người tư vấn mập mờ, nói sai sự thật về sản phẩm bảo hiểm.
Ủng hộ công khai tỉ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai trở đi
Với câu hỏi cơ quan quản lý cần có chuyên trang bancassurace, đăng tải công khai tỉ lệ K2 (chỉ số duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai) ở các ngân hàng đang hợp tác bán bảo hiểm, dựa vào dữ liệu này khách hàng có thể đưa ra quyết định, vì "kiểu gì tôi cũng mua bảo hiểm, sao không mua chỗ nào có tỉ lệ tốt", ông Dũng cho biết dưới góc độ cá nhân, người làm việc lâu năm trong ngành, ông ủng hộ đề xuất này.
Theo đó, nên công khai tỉ lệ K2 để đánh giá về hiệu quả hợp tác giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng. Nếu kênh truyền thống đạt tỉ lệ duy trì K2 tới 80%, nhưng bán qua kênh ngân hàng bị tụt xuống thấp hơn, thì phải có biện pháp chế tài phù hợp.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết đã có những buổi làm việc chặt chẽ với từng bộ phận và kênh phân phối của các công ty bảo hiểm nhân thọ trong thời gian vừa qua và đạt được 6 điểm quan trọng. Trong đó có những nội dung như cam kết tiến hành rà soát hoạt động đào tạo, đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính; cam kết hỗ trợ và xử lý khiếu nại của khách hàng một cách nhanh chóng, công bằng, minh bạch nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết năm 2022 ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tổng số tiền chi trả đạt hơn 44.180 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số lượng hợp đồng cuối năm 2022 đạt hơn 13,9 triệu hợp đồng (+5%). Tổng doanh thu cả năm đạt gần 178.330 tỉ đồng (+12%).
Năm 2023 được xem là giai đoạn khó khăn, thử thách đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng cũng như toàn ngành kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục phát huy vai trò của mình, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong quý đầu năm nay đạt hơn 11.530 tỉ đồng (+29,2%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận